Ban chấp hành TƯ Đảng, QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội sáng nay tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019).

Tham dự có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Bác ơi tim Bác mênh mông thế...

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trước lúc đi xa. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, tự mình lặng lẽ rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng 4 năm (1965-1969), giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang diễn ra ác liệt, đầy gian khổ, hi sinh.

"Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do; Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư khái quát lại nhiều nội dung quan trọng trong Di chúc của Bác, trong đó, Người căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng chỉnh đốn Đảng, bài học về đoàn kết, về đạo đức...

{keywords}
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 

"Một Hồ Chí Minh đầy bao dung nhân ái, suốt đời dành tình thương yêu trọn vẹn đối với mọi tầng lớp nhân dân và toàn thể nhân loại như nhà Thơ Tố Hữu viết: 'Bác ơi tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người'", Tổng bí thư chia sẻ.

Theo Tổng bí thư, Bác Hồ đã trải qua cuộc đời đầy oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

"Người là biểu tượng, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về cần kiệm liêm chính chí công vô tư", Tổng bí thư nghẹn ngào nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhắc đến lời cuối cùng của Di chúc Người nói về việc riêng, Tổng bí thư cho rằng, dù nói về việc riêng nhưng hàm chứa trong đó bao suy tư, trăn trở; vẫn toát lên sự suy nghĩ và hành động lo cho nước, lo cho dân.

"Người trọn đời chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, ai cũng áo mặc, ai cũng được học hành. Bác không có gì cho riêng mình ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho dân cho đất nước, Người chỉ tiếc rằng Người không phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa", Tổng bí thư nói.

Theo Tổng bí thư, từ quá trình thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, Đảng ta có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, trí tuệ, uy tín và khả năng lãnh đạo nhà nước và xã hội. 

Từ thực tiễn 50 năm thực hiện Di chúc, chúng ta có cơ sở vững chắc để khẳng định muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng có hiệu quả phải ngăn ngừa được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

50 năm thực hiện, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những bài học lịch sử hết sức quý báu.

Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa thắng lợi

Nhìn về hiện tại và tương lai, Tổng bí thư nhắn nhủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, tích cực chuẩn bị những công việc cần thiết tiến tới tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

{keywords}
Ảnh: Trần Thường

"Chúng ta tự hào về tất cả những gì đã làm được, song cũng còn trăn trở, day dứt trước những điều chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn", Tổng bí thư nói.

Bên cạnh đó, Tổng bí thư cũng lưu ý, không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới đất nước. Nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng.

"Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, ra sức phấn đấu phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục yếu kém. Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không  say sưa thắng lợi hay bi quan, dao động trước những khó khăn thử thách", Tổng bí thư lưu ý.

Theo Tổng bí thư, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Đồng thời, chăm lo, xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, xứng đáng là lực lượng tiên phong, là Đảng cầm quyền ngang tầm nhiệm vụ...

"Chúng ta nguyện giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con người trong mắt mình, tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, là hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người", Tổng bí thư nhấn mạnh. 

Bức điện mật khi Bác Hồ qua đời trong ký ức nguyên Phó Thủ tướng

Bức điện mật khi Bác Hồ qua đời trong ký ức nguyên Phó Thủ tướng

 Tôi không bao giờ quên tâm trạng bàng hoàng vào buổi tối 2/9/1969 khi cầm trên tay bức điện mật từ trong nước báo tin dữ.

Thu Hằng - Trần Thường