Việc tôn vinh các nhân vật lịch sử thời nay – đặt tên đường phố, không chỉ đơn giản ở chỗ đường rộng hay hẹp, tốt hay xấu; mà còn là triết lý giáo dục, văn hóa, triết lý xây dựng nhân cách con người.

Từ xưa đến nay, dù cách đánh giá nhân vật lịch sử có khác nhau đến thế nào đi nữa, thì vẫn có một điểm chung: công lao của tiền nhân - những người có dấu ấn thực sự trong dòng chảy lịch sử của mỗi dân tộc đều được trân trọng. Cách tôn vinh, ghi nhớ đồng nghĩa với triết lý của những người có quyền ghi nhận về việc giáo dục văn hóa, truyền thống cho thế hệ trẻ là điều chẳng có chính quyền nào coi nhẹ, dù là phương Đông hay phương Tây.

Vị trí lịch sử đặc biệt

Trong rất nhiều bậc tiền bối có công lao to lớn với lịch sử nước nhà, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng – tức Nguyễn Thái Tổ (1525-1613), có vị trí đặc biệt.

Trước hết, nếu tính theo hàng vua – chúa, tính từ vị vua đầu tiên, Lý Nam Đế, năm 544, đến vị vua cuối cùng, vua Bảo Đại, nước ta có tất cả 103 vua, chúa (81 vua, 22 chúa thuộc hai dòng Trịnh – Nguyễn). Trong số đó, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người sống lâu nhất, cầm quyền lâu nhất (88 tuổi và 55 năm giữ quyền bính). 55 năm để biến vùng đất hoang hóa thành một cơ nghiệp cho cả một triều đại tồn tại đến gần 400 năm (Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn) thì không thể nói là kém tài, đức so với bất kỳ vị vua, chúa nào.

Thứ hai, 33 tuổi, tự mình dấn thân vào nơi hiểm địa, thực sự Chúa Tiên là người tiên phong mở nước. Ngài được dân tin yêu, quý trọng, ngưỡng mộ gần như tôn thờ thần tượng. Nhân đây, cũng xin bàn một chút về hai chữ Chúa Tiên. “Tiên” trong trường hợp này không chỉ với nghĩa là người mở đầu, mà là cách gọi của sự trân trọng của nhân dân đối với nhân vật lịch sử đặc biệt. Tính nhất quán cả cách tôn vinh này được lặp lại khi vị chúa kế tiếp, dân gọi là Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn...

Thứ ba, lịch sử không cho biết công cuộc Nam tiến của Chúa Tiên và các quan lại dưới quyền gian khổ như thế nào, nhưng cứ nhìn vào những cuộc di cư đến vùng đất mới trong khoảng thời gian tương tự, đủ để biết sự tổn thất là nhiều không thể kể hết (chết do khí hậu, bệnh tật...). Bên cạnh đó, đánh bại những cuộc tấn công của nhà Mạc vào đất Thuận Quảng, sau 08 năm bị Chúa Trịnh giam lỏng, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã đào thoát thành công..., chứng tỏ tài năng quân sự và chính trị kiệt xuất của ông.

Thứ tư, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng có lẽ là vị chúa đầu tiên trong lịch sử nước nhà biết cách dùng quyền lực mềm như một phương thức tối ưu để chinh phục và xây dựng. Bằng chứng rõ nhất là ông đã cho dựng lên rất nhiều chùa chiền mà trong đó, dựng lên cùng với huyền thoại là chùa Thiên Mụ, năm 1601. Thậm chí, để phát triển quan hệ bang giao Việt- Nhật, ông còn nhận thương gia Hunamoto Yabeije làm con nuôi! Ông còn là một trong hai người đầu tiên có công phát triển Hội An.

Thứ năm, dưới thời Chúa Tiên, lãnh thổ nước Việt đã mở rộng đến gần sát thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Tổng diện tích đất mới mà ông cùng hàng vạn người thân tín khai phá được là gần 50.000 km2...

Nói dài dòng về vị Chúa Tiên duy nhất của lịch sử nước nhà như thế để nói rằng trân trọng ông, tôn vinh ông cho xứng đáng với công lao, tài năng, nhân cách của Nguyễn Hoàng là điều cần thiết.

{keywords}
Sông Hương, thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Dothi.net

Làm mất đi ý nghĩa của việc đặt tên

Như đã nói ở phần mở đầu, việc tôn vinh các nhân vật lịch sử thời nay – đặt tên đường phố, không chỉ đơn giản ở chỗ đường rộng hay hẹp, tốt hay xấu; mà còn là triết lý giáo dục, văn hóa, triết lý xây dựng nhân cách con người.

Vậy mà, tại Huế, con đường Nguyễn Phúc Nguyên dài hàng cây số, nằm dọc theo sông Hương, rộng hàng chục mét, còn đường Nguyễn Hoàng chỉ là một nhánh nhỏ, rộng 04m, dài trên 100m! Chúng ta giải thích với con cháu ra sao khi Nguyễn Phúc Nguyên là con của Chúa Tiên, mà đường phố vào loại đẹp nhất Huế. Còn đường Nguyễn Hoàng (người cha) - người có công sáng lập cả một triều đại, một cõi đất trời mà lại nhỏ, ngắn thế? Tại sao đường mang tên cha lại là nhánh rẽ, nhánh nhỏ của đường mang tên con?

Tại Quảng Trị, “đường phố” Nguyễn Hoàng ở thành phố Đông Hà còn tệ hơn nữa. Người Quảng Trị dường như ít tự hào rằng Quảng Trị là nơi đặt hai Dinh Chúa đầu tiên - ở Ái Tử và Trà Bát, nơi khởi nghiệp của khởi nghiệp nên dòng Chúa Nguyễn – Triều Nguyễn?

Đặt tên đường là cách trân trọng ghi nhận công lao của tiền nhân, đừng vì một sự tùy tiện mà làm mất đi ý nghĩa này. Làm sao giáo dục cho thế hệ trẻ những chuẩn mực văn hóa khi “người lớn” chúng ta hành xử với lịch sử như vậy?

490 năm trước đây, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chào đời để gánh vác một trong những trọng trách lớn lao của lịch sử. Có bao giờ ta chợt nghĩ rằng hậu thế có thể đối xử với ông “không phải” như thế?

Chỉ riêng công lao là vị chúa đầu tiên của Việt Nam cử hai tướng Vũ Thì Trung và Vũ Thì An, đưa quân ra khai thác ở Bãi Cát Vàng – tức hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông đã xứng đáng có vị trí cao nhất trong ngôi đền tôn vinh và tưởng nhớ...

Hà Văn Thịnh