Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Pleiku cho biết, những gia đình “3 thế hệ tiêu biểu” luôn được đánh giá cao, là “hạt nhân” trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Hiện tại, gia đình bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn), bà Nuh (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ), ông Run (làng Chuet Ngol, xã Chư Á) là 3 trong 9 gia đình hội viên người dân tộc thiểu số được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Pleiku biểu dương, tôn vinh là gia đình nhiều thế hệ tiêu biểu.

Đồng thời, những gia đình này cũng được Chủ tịch UBND thành phố tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc năm 2023. 

Trong đó, gia đình bà Al ở làng Têng 2, xã Tân Sơn là một trong những hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con, từ con gái đến con dâu. Cả 3 thế hệ của gia đình bà đều dành hết tâm huyết để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

nhung gia dinh 3 the he tieu bieu o pho nui 6050.jpg
Gia đình bà Al ở làng Têng 2, xã Tân Sơn.

Bà Al chia sẻ, đối với gia đình bà, nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ J'rai. Ngoài việc dạy con cháu kết đoàn, gắn bó xây dựng cuộc sống tốt đẹp, bà luôn nỗ lực truyền dạy cho các con nghề dệt với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc. 

Mong muốn của bà Al được người con gái thứ 4 là chị Anglưp thực hiện. Dù quanh năm gắn bó với ruộng rẫy nhưng chị Anglưp luôn có tư duy tiến bộ cùng lối sống văn minh. Cùng với việc miệt mài học dệt từ mẹ, chị còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, xây dựng đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, để nuôi dạy các con trưởng thành, vợ chồng chị chỉ sinh 2 con.

Với các thành viên trong gia đình, hình ảnh người bà, người mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải đã trở nên quen thuộc, gần gũi. Nhờ đó, gia đình 3 thế hệ này đã trở thành những thợ dệt giỏi của làng. 

Cũng như gia đình bà Al, sự học không bao giờ ngừng trong ngôi nhà của bà Nuh ở làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Niềm tự hào của bà lão J'rai ở tuổi 90 này là con cháu thành đạt và có nhiều cống hiến cho xã hội.

Đánh giá về gia đình 3 thế hệ tiêu biểu của làng, già làng Hmrik khẳng định, chính sự mẫu mực và tình yêu thương của bà Nuh đã trở thành điểm tựa và động lực cho con cháu của bà quyết tâm theo đuổi con chữ và trưởng thành. Bà Nuh là tấm gương sáng của làng về phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu và trao truyền nghề dệt truyền thống. 

Dù tuổi đã cao nhưng bà Nuh vẫn miệt mài chỉ dạy cho các con cách dệt đẹp và động viên con cháu học hành. “Với tâm niệm sự học sẽ giúp người J'rai thoát khỏi cảnh nghèo, vượt qua rào cản để vươn lên thay đổi cuộc sống, tôi đã vượt qua khó khăn để giúp các con trên con đường tìm kiếm tri thức. Niềm tự hào của tôi là những tấm giấy khen của các con, cháu mình. Hiện nay, con trai và con dâu của tôi đều là cán bộ gương mẫu của làng. Hai cô cháu gái cũng đã bước chân vào giảng đường đại học. Bao nhiêu vất vả, nỗ lực của tôi đã được đền đáp xứng đáng”, bà Nuh tâm sự. 

Chị H’Huyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ia Nueng, con gái bà Nuh cho biết, chị vận động chị em phụ nữ chăm chỉ làm ăn, tích lũy để đầu tư cho các con theo học con chữ; đồng thời, cùng học và phát huy nghề dệt truyền thống của người J'rai.

Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống, 3 thế hệ trong gia đình ông Rah Lan Run ở làng Chuet Ngol, xã Chư Á luôn nỗ lực “tiếp lửa” cho dân làng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

3td 8345.jpg
Gia đình ông Rah Lan Run, làng Chuet Ngol, xã Chư Á. 

Ông Run kể, chính bố ông đã 94 tuổi nhưng luôn tiếp thêm cho ông tình yêu tiếng cồng chiêng, biết cảm nhận từng câu hát dân ca và nghệ thuật tạo hình trong đan lát. Với những hiểu biết sâu rộng và tiến bộ của mình, bố ông (ông Rak) từng nhiều năm liền đảm nhận công tác Mặt trận của làng từ sau ngày giải phóng. Từ năm 1970 đến 2016, ông Rak được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng.

“Bố tôi vận động, giúp đỡ bà con làm kinh tế, chỉ dạy người làng đánh chiêng, đan lát và trở thành “quan tòa” hóa giải những mâu thuẫn, xích mích trong cuộc sống của bà con, góp phần gìn giữ bình yên cho làng. Chính vì thế bố trở thành tấm gương để tôi noi theo, học tập”, ông Run chia sẻ. 

Năm 2007, ông Run được bầu vào Ban Công tác Mặt trận làng Chuet Ngol. Từ đây, theo bước chân của bố, ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương và được người dân yêu mến, tin tưởng. 10 năm sau đó, ông vinh dự được trao trọng trách lớn làm già làng. Bằng tình yêu với ngôi làng J'rai này, ông Run đã chỉ dạy lớp cháu con học cách đánh chiêng hay, đan lát giỏi, đoàn kết phát triển kinh tế.

Khánh Vy