-"Chùa Một Mái chúng tôi thực hiện đúng theo hồ sơ phê duyệt và đúng nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo. Không phải cái gì cũ cũng đều là di tích có giá trị", Đại đức Thích Đạo Hiển, Tổng Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho biết.

Trước thông tin nhiều công trình hạng mục di tích ở Khu Danh thắng Yên Tử bị cơi nới, làm mới ảnh hướng đến giá trị gốc của di tích, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Đạo Hiển, Tổng Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh.

- Thưa Đại đức, trước những thông tin đăng tải trên các báo thời gian qua liên quan đến công tác đầu tư, tôn tạo các di tích ở Khu Di tích Danh thắng Yên Tử bị cơi nới, xâm phạm, với tư cách là Tổng thư ký của Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, Đại đức có ý kiến gì?

Khu di tích danh thắng Yên Tử là di tích đặc biệt quốc gia. Mọi công việc tôn tạo, phục hồi hay xây dựng trong khu di tích đều căn cứ vào luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan, một số dự án đang tiến hành tại Yên Tử đều có hồ sơ trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch thỏa thuận, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt phù hợp với quy hoạch tổng thể do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

{keywords}

Chùa Một Mái đang được trùng tu tôn tạo lại.

- Được biết các công trình được tôn tạo tại Yên tử đều đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với tư cách là chủ đầu tư, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã thực hiện các công đoạn như thế nào?

Một số dự án tại Yên Tử, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chỉ làm chủ đầu tư giai đoạn 2 nghĩa là giai đoạn thực hiện sau khi hồ sơ đã được thỏa thuận, phê duyệt. Giai đoạn 1, tức là giai đoạn lập dự án, nghiên cứu, tham sát khảo cổ (nếu có) và xin phép phê duyệt đều được các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện trước đó. Khi thực hiện giai đoạn 2, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban quản lý Dự án Tôn tạo Yên Tử thực hiện theo đúng phương án phê duyệt.

- Có ý kiến cho rằng khi trùng tu, tôn tạo, xây dựng các công trình ở Yên Tử như khu vườn tháp Huệ Quang hay chùa Một Mái, Am Dược lại không có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ... để công trình vi phạm Luật Di sản. Đây có phải là trách nhiệm của Giáo hội không, thưa Đại đức?

Chùa Một Mái chúng tôi thực hiện đúng theo hồ sơ phê duyệt và đúng nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo: Các di tích gốc có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc như: Tượng thờ, văn bia… đều được giữ nguyên. Phần bị hư hỏng như khung gỗ tạp, ngói tây kệch cỡm thì phải bỏ vì không sử dụng được và không phù hợp với di tích. 

Như vậy phải làm mới cấu kiện gỗ của chù Một Mái, lợp ngói mũi hài truyền thống phục chế, nền lát gạch bát… Như vậy là đúng. Vừa rồi, có một số thông tin thiếu khách quan và trung thực, không phải cứ cái gì cũ thì đều là di tích có giá trị cả. 

Còn đối với Khu Tháp Tổ, Mắt Rồng, các hạng mục này chỉ thực hiện chỉnh trang trên cơ sở bảo tồn tối đa di tích gốc. Riêng khu Am Dược nếu theo phương án giữ nguyên bờ tường đổ và nền móng hiện tại thì không thực hiện được vì đã bị đổ nát nên phải gỡ ra sử dụng lại một số vật liệu còn có thể sử dụng được mà thôi. 

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, anh em công nhân có một số sai sót nhỏ. Sau khi báo chí phản ánh, chủ đầu tư đã tạm thời dừng thi công tìm biện pháp khắc phục. Chúng tôi nhấn mạnh: 'Không có việc phá bỏ di tích như một số thông tin sai lệch'. Việc nghiên cứu, tham sát khảo cổ (nếu có) phải diễn ra trước lúc xây dựng hồ sơ thiết kế và phê duyệt thi công.

{keywords}

Các nhà sư thiền hành bên Tháp Huệ Quang (Yên Tử), Ảnh: T.L

- Sau khi có những phản hồi về việc các công trình xây dựng ở Yên Tử, Ban Trị sự đã có những động thái gì?

Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Việc gì đúng vẫn phải tiếp tục làm. Việc gì chưa đúng thì phải lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh sửa.

- Yên Tử không chỉ là Trung tâm Phật giáo của VN mà còn tiến tới các bước để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Vậy, Ban Trị sự và các cơ quan, ban ngành đã có sự phối hợp như thế nào để Yên Tử được đề cử sớm Danh hiệu quan trọng này?

- Giá trị cao nhất của Yên Tử chính là văn hóa tâm linh. Đây là nơi tu hành của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, đây là Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đang làm tất cả vì điều đó. Chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận. Tuy nhiên chúng ta lưu ý: mọi danh hiệu là để khẳng định giá trị và làm cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không thuần túy chỉ là danh hiệu.

Trân trọng cảm ơn Đại đức!

Lan Ngọc