Vùng dân tộc và miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước, có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số cả nước. Các dân tộc ở nhiều nơi nhưng tập trung đông ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Địa bàn chủ yếu là miền núi, vùng sâu, biên giời, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa còn nhiều khó khăn.

Những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm phục hồi, phát huy mạnh mẽ. 

W-anhminhhoa-2.png

Cùng với quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhiều giá trị văn hóa của các tộc người đã được đan xen, tiếp biến, thẩm thấu lẫn nhau. Quá trình này đã làm cho sinh hoạt tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc được bổ sung thêm nhiều yếu tố mới phong phú hơn, đa dạng hơn.

Chia sẻ với báo chí, TS Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay, hiện nay, vùng dân tộc thiểu số có mặt nhiều tôn giáo, quá trình phát triển tôn giáo đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tín đồ một số dân tộc. Tây Bắc hiện có 3 tôn giáo là Công giáo, Tin lành, Phật giáo. Tổng số tín đồ ước trên 600 nghìn người chiếm khoảng 5% dân số toàn vùng, cụ thể: Tin lành trên 200 nghìn tín đồ, trong đó người Mông chiếm 90,5% số tín đồ Tin Lành toàn vùng, người Dao chiếm 8,5%, còn lại là 10 dân tộc thiểu số khác; Phật giáo có trên 130 nghìn tín đồ; Công giáo trên 300 nghìn tín đồ.

Tây Nguyên hiện là vùng có sự hiện diện chủ yếu của 4 tôn giáo: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài và một bộ phận rất nhỏ của Phật giáo Hòa hảo và Hồi giáo. Tổng số tín đồ trên 2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn vùng, trong đó Công giáo có khoảng 1 triệu người, Tin lành trên 578 nghìn tín đồ còn lại là các tôn giáo khác.

Tây Nam Bộ có 4 dân tộc chính là: Kinh, Khơ-me, Hoa, Chăm. Là nơi hiện hữu của hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, nhất là các tôn giáo nội sinh như: Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn kỳ hương, Tứ ân hiếu nghĩa, Cao đài, Tịnh độ cư sỹ Phật hội… Toàn vùng có trên 6 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 33,6% dân số toàn vùng, với trên 47 nghìn chức sắc và khoảng 4.600 cơ sở thờ tự. Trong đó có một số tôn giáo phát triển mạnh và chiếm số lượng tín đồ đông trong các dân tộc như Phật giáo trong dân tộc Khơ-me.

Trong tiểu vùng Nam Trung Bộ thì Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 địa phương tập trung đông người Chăm theo tôn giáo nhất. Hiện có hơn 66 nghìn tín đồ Chăm Bàlamôn; khoảng 53.000 tín đồ Hồi giáo Bàni. Các tôn giáo khác cũng đều có tín đồ người dân tộc Chăm.

Nhìn chung niềm tin tôn giáo của tín đồ đồng bào dân tộc thiểu số khá sâu sắc, việc thực hiện các nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo mang tính cộng đồng cao. Sự giao thoa hội nhập lễ nghi tôn giáo và văn hóa truyền thống của đồng bào ngày một phong phú và thể hiện rõ nét trong đời sống và sinh hoạt tôn giáo của đồng bào.

Hoạt động của các tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhìn chung ổn định, đúng pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng được đảm bảo; đa số người dân theo các tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, tuân thủ pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV