In giả nhãn hiệu, ăn gian độ dày, ăn gian khối lượng lớp mạ… là những ‘chiêu đánh lận con đen’ của tôn giả. Nhưng người tiêu dùng rất khó tự mình phát hiện những gian lận này mà phải cần phải có chuyên môn hoặc dụng cụ chuyên dụng.

Ăn gian từ độ dày đến lớp mạ

Trong vai một người dân đang có nhu cầu mua tôn, chúng tôi ghé vào Nhà máy cán tôn T.L. trên QL51 đoạn qua khu vực Bến Gỗ (thuộc vùng ven TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Để ra vẻ một con mồi “bự”, chúng tôi đặt vấn đề mua tôn lợp xưởng rộng khoảng hơn 100m² cho công ty, đề nghị giới thiệu các mặt hàng “ngon, bổ, rẻ”, bớt được giá chút đỉnh càng tốt.

Cô gái bán hàng tư vấn ngay: “Anh mua hàng chất lượng, bên công ty sẽ bảo hành cho anh 5 năm, trong thời gian đó nếu tôn hư sẽ được thay mới và bao luôn tiền công, nhưng không bớt được anh ạ, giá này hãng niêm yết sẵn rồi”. Nói đoạn, cô gái dẫn chúng tôi vào giới thiệu hàng loạt những mẫu tôn đủ nhãn hiệu như Hoa Sen, Nam Kim, Tovico, Nhật Việt, Việt Nhật... Chỉ vào một cuộn tôn có ký hiệu “TOVICO MSC 047...”, cô gái tư vấn: “Hàng tốt đó anh. Loại này 4 dem 7 (tức dày 0,47mm - PV). Riêng loại này anh mua nhiều, chúng em bớt được 15 ngàn/m2”.

Theo kinh nghiệm của những người trong ngành, các cuộn tôn có mã MSC trên đó đa phần là tôn không đảm bảo chất lượng. Thực tế ký hiệu “MSC…” chẳng hề có ý nghĩa gì cả. Một số nhà máy cán tôn nhập loại hàng này về, họ sẽ giải thích “MSC” là “mã số cuộn” để quản lý khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra. Và khi bán ra thị trường, họ sẽ giới thiệu đó là ký hiệu về độ dày để đánh lừa người dân hòng bán với giá cao.

{keywords}
Tôn được bán với thông số 0,42mm, thực tế chỉ có 0,311mm (tức cơ sở kinh doanh đã ăn bớt gần 26% độ dày)

“Cháy nhà ra mặt chuột”

Tình trạng bán hàng trà trộn như trên có ở hầu hết các cửa hàng tôn thép trên thị trường, chỉ trừ các đại lý chính hãng. Kiếm lời quá dễ, khách hàng không phát hiện, cơ quan quản lý Nhà nước cũng làm ngơ, nên không cửa hàng nào “dại” mà không nhập hàng giá rẻ bán kèm.

Chúng tôi dễ dàng chứng thực tình trạng đó khi đi thực tế ở các cửa hàng tôn trên địa bàn huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), hoặc ngay trung tâm thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Chân tướng thật - giả chỉ bộc lộ rõ ràng khi các mẫu tôn được đem kiểm nghiệm.

Theo kết quả một số mẫu tôn chúng tôi mang tới Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), mẫu có ký hiệu MSC 042, thực tế chỉ có 0,311mm (tức cơ sở kinh doanh đã ăn bớt gần 26% độ dày), hay mẫu MSC 047 chỉ cho độ dày 0,36 mm (bị ăn bớt khoảng 23%). Mẫu tôn Trung Nguyên 0,35 mm, kết quả kiểm tra tại Quatest 3 cho thấy độ dày thực chỉ có 0,327 mm.

Không chỉ độ dày, chất lượng sơn, mạ cũng không đảm bảo, dẫn đến việc khi thử nghiệm nhỏ dung dịch HCl 10% và NaOH 10% lên bề mặt tôn, tấm tôn sau thời gian 3 giờ có khi chỉ 60 phút đã bị phồng giộp bề mặt và đổi màu sơn. Với chất lượng thế này, sau khi lợp lên công trình, tấm tôn cũng nhanh chóng bị môi trường làm cho xuống cấp, hỏng hóc, nhất là với thời tiết nhiệt đới nóng ẩm khắc nghiệt như Việt Nam.

Một mẫu khác được chúng tôi mua tại cửa hàng gần đó cho kết quả tương tự: bán với giá tôn 0,5mm, nhưng độ dày thật do Quatest đo chỉ được 0,453 mm, ăn gian 0,047 mm tương đương khoảng 10% độ dày của tấm tôn. Kết quả thử độ bền lớp sơn bằng dung dịch axit và bazơ cũng cho thấy: Mẫu tôn dễ dàng bị đổi màu sơn và phồng giộp lớp sơn.

Trong các mẫu mà PV đưa đi thử, chỉ có duy nhất một mẫu tôn 0,27 mm không ăn gian về độ dày (có lẽ bởi bản thân tấm tôn đã quá mỏng), và 100% số mẫu không đảm bảo chất lượng khi tiếp xúc với axit, bazơ, dù chỉ ở nồng độ khoảng 10%.

Một chuyên gia trong ngành cho biết: Với những thử nghiệm kiểu này, các hãng tôn danh tiếng trong nước như Hoa Sen sẽ không có những biểu hiện bong tróc như trên, khả năng chịu nhiệt, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, người tiêu dùng thì không thể nào biết đến những lợi ích đó, mà chỉ so sánh cái lợi trước mắt về giá.

{keywords}
Tình trạng bán hàng trà trộn hàng gian, nhái có ở hầu hết các cửa hàng tôn thép trên thị trường, chỉ trừ các đại lý chính hãng

Sự thật cũng được phơi bày chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, bởi tôn giả sẽ lập tức có dấu hiệu bong tróc, hỏng hóc, móp méo.

Chán nản khi mua nhầm phải tôn dỏm, anh Nguyễn Văn An (ngụ phường 14, Q.Gò Vấp) đã bắc thang cho phóng viên leo lên mái nhà của mình. Chỉ vào những tấm tôn bị móp méo và hoen gỉ, anh An cho biết: Khi sửa nhà, anh mua 20m tôn màu để lợp với giá tiền hơn 1,9 triệu đồng (97.000đồng/m).

Trong phiếu mua hàng, những tấm tôn này được ghi với độ dày 0,45 mm, nhưng khi đo bằng máy, bảng điện tử chỉ hiển thị còn 0,357mm tức là cơ sở kinh doanh đã “ăn bớt” hơn 20% độ dày tấm tôn. Do tôn mỏng nên đã bị móp méo trong quá trình lợp. Thảm hại hơn cả là mặc dù mới đưa vào sử dụng không lâu, nhưng trên bề mặt tấm tôn đã xuất hiện những đốm li ti ôxi hóa.

“Tôn vừa lợp chưa được một năm mà xuống cấp quá. Kiểu này chắc đến mùa mưa năm sau là phải thay lại tôn khác thôi” - anh An lắc đầu ngao ngán.

Tuy nhiên, đến nước đó người tiêu dùng cũng chẳng biết kêu ai, đành chấp nhận thua thiệt.

Anh Kiệt