Tại “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024” tổ chức sáng 27/3, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trong số các bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh dại là nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong cao nhất. Hiện, 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8.
Bệnh dại đã có vắc xin nhưng gánh nặng tử vong còn cao (khoảng 70 ca/năm). Ba tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 27 ca tử vong.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng thông tin thêm Việt Nam tiêu tốn 800 tỷ đồng/năm để mua vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm chi phí điều trị vết thương khác do chó, mèo cắn gây ra.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 7,6 triệu con chó, mèo; nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con). Năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng trung bình cả nước 58% tổng đàn chó, mèo. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại và công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông vật nuôi, tăng nguy cơ tấn công con người dẫn tới bệnh dại.
Ngoài bệnh dại, hiện 75% các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gene từ bệnh của động vật. Việt Nam là 1 trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó, các đơn vị này kiến nghị UBND tỉnh, thành phố cần triển khai đầy đủ biện pháp phòng chống dịch.