Nhân Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với một trong những luật sư làm kinh doanh thành công nhất tại Việt Nam hiện nay - ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, xung quanh câu chuyện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp: nỗ lực cắt bỏ giấy phép con của Chính phủ.

- Ông từng nói rằng, với đội ngũ nhân sự cao cấp gồm nhiều người rành về luật, FLC không chấp nhận để rủi ro pháp lý xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông cũng như thương hiệu FLC. Tuy nhiên, thực tế có vẻ như FLC đôi khi vẫn bị xem là… “vượt rào”?

Quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro pháp lý, là một trong những công việc quan trọng nhất của một doanh nghiệp có quy mô và phạm vi hoạt động lớn như FLC. Mặc dù vậy, cho dù doanh nghiệp có quản trị rủi ro tốt thế nào, thì điều đó không có nghĩa là có thể triệt tiêu được mọi rủi ro.

Đối với FLC, chúng tôi có lợi thế nhân lực am hiểu về pháp lý, nên đương nhiên có điều kiện tốt hơn để kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực này.

{keywords}

Ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, một trong những luật sư làm kinh doanh thành công nhất tại Việt Nam đã chia sẻ ý kiến về câu chuyện: nỗ lực cắt bỏ giấy phép con của Chính phủ.

FLC là doanh nghiệp đại chúng, nên mục tiêu cuối cùng của hoạt động quản trị và quản lý doanh nghiệp là lợi ích chung và lâu dài của cổ đông. Trong thực tế hoạt động, không thể tránh khỏi xảy ra những rủi ro nhất định, trong đó có rủi ro pháp lý, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, rủi ro đó đã được khoanh vùng, không trọng yếu, tác động nhỏ và ngắn hạn đến hiệu quả hoạt động của FLC.

Còn về tình huống “vượt rào” mà bạn đề cập. Tôi lại nghĩ, đôi khi “vượt rào” chính là sự dũng cảm cần có để mang lại lợi ích chung cho xã hội. Tại sao vậy?

Gần đây, chắc bạn cũng nghe nhiều về động thái quyết liệt cắt bỏ nhiều giấy phép con của Chính phủ và các bộ, ngành. Chính phủ cắt bỏ giấy phép con vì chúng chính là các hàng rào ngăn cản hoạt động sản xuất - kinh doanh lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Những giấy phép con phi lý thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu dài trong hệ thống của một Chính phủ kiến tạo.

Đối với FLC hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác, càng phát triển, càng mở rộng phạm vi hoạt động, thì doanh nghiệp càng đụng phải nhiều giấy phép con, đủ thể loại. Nhưng, nhiều trong số những giấy phép con này, cùng với quy trình thông qua chúng mất rất nhiều thời gian và công sức, chính là một loại rủi ro có thể gây thiệt hại vô cùng lớn.

Khi FLC quyết định đầu tư lớn vào các tỉnh, cả FLC và địa phương đều nhìn thấy rất rõ những lợi ích lớn và bền vững cho địa phương mà dự án đầu tư mang lại. Những quy định bất cập như trên, rõ ràng là không đáng để các dự án bị trì hoãn hết năm này qua tháng khác.

Với tâm thế đó, một số địa phương đã chấp nhận “bảo lãnh” cho FLC được làm trước, hoàn thiện thủ tục sau.

- Ông có thể bình luận thêm về động thái cắt giảm giấy phép con của Chính phủ hiện nay, cả với tư cách luật sư và doanh nhân?

Rõ ràng đây là động thái rất tích cực của Chính phủ, đã và đang được cả xã hội đồng tình. Có thể nói, việc cắt giảm giấy phép con là bước đầu, cần làm trước để tạo “đường thông, hè thoáng”, loại bỏ bớt ma sát đối với nền kinh tế.

Trước đây, nhiều giấy phép con là rất khó giải thích, đặc biệt với các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế. Khi tư vấn pháp lý cho các khách hàng nước ngoài, đây là vấn đề “tế nhị” và đau đầu nhất của giới luật sư trong nước.

Tuy nhiên, các giấy phép con bất hợp lý phần lớn xuất phát từ yếu tố chủ quan, là những “lỗi kỹ thuật” của hệ thống pháp lý, nên có thể sửa ngay, sửa luôn.

Hệ thống văn bản pháp quy tầm cao của chúng ta, như hệ thống luật, được đánh giá là khá tiến bộ, đã tiệm cận quy chuẩn, thông lệ của các nước phát triển. Nhưng trong quá trình cụ thể hóa, đôi khi chúng đã bị các cơ quan hành pháp vận dụng một cách… linh hoạt thành các thủ tục rườm rà, không cần thiết, thậm chí vô lý.

Bạn biết rằng, quy trình cắt giảm giấy phép con hiện nay chủ yếu do các cơ quan tư pháp thực hiện. Đó đơn giản là việc rà lại yếu tố pháp lý của chính các văn bản này. Chúng phải phù hợp với các văn bản cấp cao hơn, chủ yếu là các luật và cao nhất là hiến pháp.

Là người làm kinh doanh, dĩ nhiên tôi rất mừng khi Chính phủ quyết liệt cắt giảm giấy phép con. Bởi đối với doanh nghiệp, các quy trình hành pháp bất hợp lý cũng có thể xem là một dạng chi phí vô hình.

Chúng làm tiêu hao cả vật chất, thời gian và cả động lực tinh thần của doanh nghiệp, nhưng lại hầu như không được hạch toán trên sổ sách, không được tính là chi phí hợp lý, và gây ảnh hưởng đến những cố gắng minh bạch của doanh nghiệp.

Động thái cắt giảm giấy phép con của Chính phủ không chỉ nhận được sự ủng hộ từ trong nước mà cả quốc tế. Trong lần tiếp xúc với đông đảo nhà đầu tư Nhật Bản gần đây, tôi nhận được rất nhiều lời đánh giá cao của họ với động thái của Chính phủ Việt Nam. Họ coi đây là một điểm cộng cho những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế của Chính phủ.

- Nhân Ngày Truyền thống Luật sư 10/10, ông có lời chúc gì dành cho các đồng nghiệp?

Tôi xin chúc mọi người mạnh khỏe và sống khỏe bằng chuyên môn của mình.

Tôi cũng mong các đồng nghiệp, đồng môn, nếu có đam mê kinh doanh thì hãy mạnh dạn dấn thân, bởi kiến thức về pháp luật là một điểm tựa, một thế mạnh mà không phải người làm kinh doanh nào cũng có.

Thúy Ngà (thực hiện)