Đun nóng nhựa đường để 'nhúng' vịt
Công an TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vừa phát hiện hộ gia đình ông Huỳnh Thoa (SN1971, phường Nghĩa Phú, TP.Gia Nghĩa) sơ chế vịt không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y.
Cơ sở này đã sử dụng nhựa thông và nhựa đường pha trộn với nhau nấu nóng lên, rồi nhúng vịt vào và nhúng qua nước lạnh để làm cứng hỗn hợp trên sau đó bóc ra với mục đích để làm sạch lớp lông măng.
Sử dụng nhựa thông, nhựa đường để làm sạch vịt. |
Lực lượng chức năng phát hiện 88 con vịt đã bị giết mổ và nhổ sạch lông; 9,5 kg nhựa thông và nhựa đường sử dụng vào việc nhổ lông vịt. Theo khai báo, bình quân mỗi ngày, cơ sở thực hiện giết, nhổ lông từ 40-60 con vịt, rồi mang đi tiêu thụ.
Sữa chua hoa quả 15 ngàn/kg, chất lượng có đáng tin?
Gần đây, loại sữa chua được đóng vào túi nilon nhỏ, có màu sắc sặc sỡ, được quảng cáo làm từ sữa chua nguyên chất kết hợp cùng nhiều vị trái cây nhập ngoại đang được rao bán tràn chợ.
Sữa chua túi bán tràn ngập trên mạng xã hội. |
Đáng chú ý, loại sữa chua này giá siêu rẻ, bán theo cân với giá chỉ 15.000 đồng/kg, còn mua theo túi giá chỉ 800-1.000 đồng/túi. Đặc biệt, hạn sử dụng lên đến 2-3 tháng.
Trên mạng xã hội, các chị em đua nhau đặt mua sữa chua túi về ăn. Song không ít người thắc mắc vì sao làm từ sữa tươi nguyên chất, hoa quả ngoại nhập lại có giá rẻ đến thế.
Sữa Abbott liên tiếp bị ‘tố’ kém chất lượng
Mới đây, chị N.T.B.L (trú Cầu Giấy, Hà Nội) mua hai hộp sữa Similac Eye - Q3 loại 900 gr tại một đại lý bán sữa ở Yên Hòa - Cầu Giấy. Sau khi sử dụng hết gần ½ hộp, chị L. phát hiện nửa hộp sữa còn lại có vấn đề về chất lượng. Sữa có dấu hiệu vón cục cứng, to, có màu và mùi lạ.
Sữa có dấu hiệu bị vón cục cứng, to, có màu và mùi lạ. |
Tuy nhiên, đại diện công ty không giải thích nguyên nhân tại sao sữa Similac mà chị L. đang sử dụng lại bị vón cục cứng như vậy.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu khách hàng gặp phải sự cố khi mua sản phẩm trên. Trước đó, hãng sữa Abbott từng nhiều lần bị khách hàng phản ánh kém chất lượng.
Bia giảm giá mạnh vẫn ế ẩm, chủ đại lý khốn đốn
Theo chia sẻ từ các chủ đại lý và cửa hàng tạp hóa, kể từ khi Nghị định số 100 có hiệu lực và những diễn biến của dịch Covid-19 đã khiến doanh số mặt hàng bia giảm mạnh dù giá đã giảm. Nhiều chủ hàng đưa các chương trình để kích cầu như giảm giá từ 15.000-20.000 đồng mỗi thùng bia nhưng lượng tiêu thụ vẫn không tăng là mấy.
Dù hạn sử dụng của bia khá dài nhưng với số vốn chôn vào lên tới cả trăm triệu đồng và chưa biết khi nào có thể thu hồi được cũng khiến nhiều cửa hàng lo lắng.
Khảo sát tại một số cửa hàng bán lẻ, hiện bia Heniken, Sài Gòn Special lon có giá 552.000 đồng/thùng, bia Tiger lon 504.000 đồng/thùng, bia Hà Nội và 333 lon có giá 336.000 đồng/thùng. Bia Trúc Bạch lon đang được rao bán với giá 432.000 đồng/thùng và cao nhất là bia Tiger Crystal lon có giá 624.000 đồng/thùng.
Dứa mini Thái bé bằng nắm tay, giá cao ngất vẫn đắt khách
Có kích thước siêu nhỏ, chỉ bé bằng nắm tay, nhỏ hơn rất nhiều so với những giống dứa thông thường, dứa mini Thái Lan đang gây sốt ở Việt Nam.
Dứa mini Thái Lan. |
Loại dứa này có giá đắt đỏ, 170.000 đồng/kg (khoảng trên 5 trái), mắc gấp 10-15 lần dứa Việt Nam. Tuy nhiên, dứa mini vẫn hút người mua vì có màu vàng bắt mắt, hương thơm quyến rũ cùng vị ngọt lịm thanh mát.
Theo tờ Thaipbs, giống dứa mini trên là một loại dứa mật ong vì chúng ngọt như mật. Chúng được trồng nhiều ở tỉnh Chiang Rai. Loại này mang lại hiệu quả kinh tế cao vì được người dân ưa chuộng.
Hàng ngàn đồ hiệu giả ở chợ Bến Thành, Saigon Square
Ngày 12/3, lực lượng quản lí thị trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất 20 quầy hàng tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (số 77-89 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1) và chợ Bến Thành.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện 1.500 sản phẩm hàng hóa là túi xách, túi đeo, ba lô, ví (bóp), giầy, đồng hồ đeo tay, kính mắt, thắt lưng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Gucci, Cartier, Rolex, Calvin Klein, Prada, Montblanc... với tổng trị giá hàng hóa khoảng 146 triệu đồng.
Không chịu giảm giá thịt lợn sẽ cho nhập tràn về
Hiện giá thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn neo ở mức cao. Tại miền Bắc, lợn hơi xuất chuồng giá dao động từ 83.000-85.000 đồng/kg; Tại miền Nam, giá lợn cũng có xu hướng tăng, từ 78.000-80.000 đồng/kg.
Nguồn cung dồi dào nhưng người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt với giá đắt đỏ. |
Tại chợ, giá thịt lợn các loại gần như không giảm. Đơn cử, thịt ba chỉ, mông sấn, nạc thăn, chân giò,... giá cao ngất ngưởng từ 140.000-180.000 đồng/kg; sườn thăn, sườn non khoảng 200.000-220.000 đồng/kg.
rong khi đó, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, khoảng 99% số xã đã qua 30 ngày dịch không quay trở lại.
Vì vậy, các doanh nghiệp chăn nuôi được yêu cầu đưa giá thịt lợn hơi về mức 70.000 đồng thay cho mức 75.000 đồng/kg. Nếu không hạ được giá thì bắt buộc phải mở cửa để nhập khẩu thịt lợn nhiều hơn.
Đại hạ giá tôm hùm xanh, tôm Alaska
Đầu tháng 3, nhiều mặt hàng hải sản như tôm hùm xanh, tôm Alaska giảm giá khá mạnh. Trong đó, mức chênh của mỗi nhà hàng với cùng loại sản phẩm dao động từ 50.000-100.000 đồng/kg.
Tôm Alaska loại 1,3-1,5kg/con giảm từ 1.050.000 đồng/kg xuống 950.000 đồng/kg. |
Trong đó, tôm hùm xanh - mặt hàng gặp khó về tiêu thụ trong tháng 2 vì dịch Covid-19, vẫn đang được giảm giá khá sâu tại nhiều nhà hàng hải sản ở Hà Nội, thấp nhất là 169.000 đồng/con (loại 200gram). Tôm hùm xanh trọng lượng 300-400gram có giá 550.000 đồng/kg.
Mức giá dễ chịu nhất là tôm hùm baby 200-300 gram giá từ 160.000-220.000 đồng/con. Đặc biệt, size tôm lớn nhất khoảng chừng 4 lạng đang được đề giá 260.000 đồng/con, giảm 20-30% so với trước đây.
Thậm chí, tôm hùm Alaska cũng giảm từ 150.000 đồng/kg (tùy loại) so với hai tuần trước đó, về mức 950.000 đồng/kg (size 3kg/con).
Hàng ùn ùn về kho, thực phẩm siêu thị không tăng giá
Sau khi TP. Hà Nội thông báo có thêm 1 ca nhiễm dịch Covid-19, sáng 7/3, người dân ở Thủ đô đổ xô tới các siêu thị, cửa hàng mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu để tích trữ vì lo sợ khan hàng tăng giá.
Song các siêu thị cho biết nhà cung cấp sẽ đưa hàng hoá vào siêu thị liên tục nên người dân không cần mua đồ tích trữ. Ngoài việc tăng nguồn cung thực phẩm, hàng hoá thiết yếu gấp 3-4 lần, các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội cũng cam kết không có chuyện găm hàng, tăng giá.
Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)