12 năm trước, Tokopedia là giấc mơ của hai nhà sáng lập William Tanuwijaya và Leontinus Alpha Edison. Mọi doanh nghiệp đều cần thời gian để trưởng thành, Tokopedia cũng không phải ngoại lệ. Họ đã mất hơn 10 năm vượt qua mọi thách thức để đứng vững trên thị trường công nghệ Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Vào thời điểm Tokopedia ra đời, chợ điện tử chưa phải mô hình kinh doanh phổ biến. Các nhà đầu tư thậm chí còn đặt dấu hỏi vào tiềm năng của startup. Nếu không có nỗ lực bền bỉ từ hai sáng lập viên và sự ủng hộ của người dân Indonesia, Tokopedia có lẽ không thể sống sót tới ngày nay.

Khởi đầu từ một khát khao

William Tanuwijaya sinh ra và lớn lên tại thành phố Pematangsiantar và có cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác. Williams thích đọc sách nhưng thường phải chờ họ hàng ở thị trấn bên cạnh mang về những cuốn sách mới nhất. Khi đó, anh chỉ có hai lựa chọn: ở lại với gia đình và sống cuộc đời bình thường hoặc chuyển đến thành phố lớn và tìm kiếm cơ hội tốt hơn. May mắn là, cậu đã chọn phương án hai và tiếp tục việc học tập tại Jakarta. Mất 4 ngày 3 đêm để cậu đi từ cảng Belawan đến cảng Tanjung Priok.

Tokopedia: 12 năm ‘dân chủ hóa’ thương mại bằng công nghệ-1
William Tanuwijaya (trái) và Leontinus Alpha Edison

Tại Jakarta, William trải qua cuộc sống hoàn toàn khác. Mọi thứ khó kiếm tại quê nhà có thể dễ dàng tìm thấy ở đây. William nhận ra cơ hội hiếm có và giá trị với mình nên tận dụng thời gian quý báu. Anh trông quán café Internet vào ban đêm để có chi phí trang trải việc học và sinh hoạt, đặc biệt sau khi ba lâm bệnh.

Đó là lúc William làm quen với Internet và nhìn thấy câu trả lời để giải quyết khoảng cách số tại Indonesia: công nghệ. Năm 2007, khi ăn trưa cùng đồng nghiệp Leontinus Alpha Edison, William nảy ra ý tưởng về Tokopedia. Indonesia chưa có một chợ điện tử đúng nghĩa. Mọi người thường lên diễn đàn, mạng xã hội hay blog để mua bán. Vấn đề của các website là không sinh ra với mục đích thương mại điện tử. Rất khó để quản lý danh mục sản phẩm, theo dõi đơn hàng; không có hệ thống thanh toán đủ tốt để xử lý giao dịch, có trường hợp người bán không giao hàng ngay cả khi người mua đã trả tiền. Hai vấn đề được giải quyết bằng cách Tokopedia giữ lại khoản tiền của người mua và chỉ chuyển cho người bán khi người mua nhận được hàng.

Xây dựng Tokopedia không hề dễ dàng. Indonesia thiếu vắng các startup thành công nên nhiều nhà đầu tư tiềm năng thường lắc đầu trước các ý tưởng khởi nghiệp. Họ nghi ngờ thị trường không hiệu quả tại Indonesia. Một nhà đầu tư thậm chí còn nói rằng chỉ những người đặc biệt mới có thể hiện thực hóa ý tưởng và William không nằm trong số này.

Ngay cả như vậy, William và Leon không từ bỏ. Khi tìm kiếm các nhà đầu tư, họ nghĩ về việc đặt tên cho chợ điện tử đang phát triển. Những cái tên đầu tiên là Belanjaaman.com, Kopaja.com và cuối cùng là Tokopedia, kết hợp giữa toko (mua sắm) và encyclopedia (bách khoa toàn thư). Với hai nhà sáng lập, cái tên chính xác là những gì họ đang hướng tới.

Sau 2 năm gõ hết cánh cửa này đến cánh cửa khác, William và Leon cuối cùng cũng nhận được những đồng vốn đầu tiên từ một người họ hàng. Từ bước đi khiêm tốn, ngày 17/8/2009, hành trình của Tokopedia chính thức bắt đầu. Mục tiêu khi ấy của họ là giúp mọi người có niềm tin vào chợ điện tử. Thuê một văn phòng nhỏ với vài nhân viên, Tokopedia thu hút hàng ngàn người dùng. Mặt hàng đầu tiên họ bán được là chiếc áo phông in chữ “Kami Tidak Takut” (chúng tôi không e sợ) của một xưởng quần áo nhỏ.

Hành trình phát triển

Những năm đầu, Tokopedia không tổ chức chương trình khuyến mãi nào vì nguồn vốn hạn hẹp. Dù vậy, nhiều người lại chia sẻ cho nhau về Tokopedia, cho đến khi đến tai báo chí. Nhờ vậy, họ có cơ hội xuất hiện trên tạp chí Tempo Magazine của Indonesia trong một bài viết về chợ điện tử.

Quảng cáo đầu tiên của Tokopedia được chiếu trong rạp chiếu phim. Sở dĩ họ chọn phương thức này vì nó rẻ tiền hơn quảng cáo truyền hình. Tất cả nhân viên đều “xắn tay” vào quá trình sản xuất video. Họ tham gia viết kịch bản, quay phim, diễn xuất… và cùng nhau xem tại rạp với giọt nước mắt hạnh phúc.

Quảng cáo khó quên ấy là một cột mốc đáng nhớ với Tokopedia. Từ đây, Tokopedia thực hiện các chiến dịch truyền cảm hứng, chẳng hạn, chiến dịch “Mulai Aja Dulu” năm 2018 khuyến khích mọi người tại Indonesia theo đuổi ước mơ, giống như những gì Tokopedia và hàng triệu người bán hàng khác đang làm.

Năm 2014 đánh dấu một chương đặc biệt quan trọng của Tokopedia khi họ nhận khoản đầu tư 100 triệu USD từ Softbank và Sequoia Capitol, giúp startup phát triển các dịch vụ khác nhau. Năm 2016, Tokopedia tập trung cung cấp sản phẩm số và dịch vụ tài chính, hỗ trợ mọi người Indonesia tiếp cận dịch vụ ngân hàng và hệ thống thanh toán để chi trả cho các nhu cầu hàng ngày như điện nước. Tokopedia còn ra mắt Train, sản phẩm cho phép mọi người mua vé tàu trên nền tảng. Đây chính là nỗ lực dân chủ hóa thương mại bằng công nghệ tại Indonesia của startup.

Tokopedia không ngừng đổi mới, sáng tạo. Năm 2017, họ giới thiệu Deals Product, giúp mọi người tìm kiếm những mặt hàng giá hời nhất từ 8 danh mục chính, bao gồm làm đẹp, du lịch…, đồng thời giúp các doanh nghiệp truyền thống mở rộng hoạt động trên mạng. 2017 cũng là năm Tokopedia chuyển trụ sở đến tòa nhà 53 tầng có tên Tokopedia Tower, tọa lạc tại quận trung tâm Jakarta. Cùng năm này, Tokopedia được rót 1,1 tỷ USD trong vòng gọi vốn do Softbank và Alibaba dẫn đầu.

 

Tokopedia: 12 năm ‘dân chủ hóa’ thương mại bằng công nghệ-2
Tòa nhà Tokopedia Tower

Năm 2018, Tokopedia khởi xướng lễ hội mua sắm thường niên “Ramdan Ekstra”. Giao dịch riêng trong ngày 25/5/2018 tương đương giao dịch 5 năm đầu tiên của họ. Những bước đi khiêm tốn của hai nhà sáng lập đã chuyển hóa thành hàng ngàn bước đi lớn, ảnh hưởng đến thị trường thương mại điện tử Indonesia.

Phát triển hệ sinh thái

Hợp tác là chìa khóa tăng trưởng của Tokopedia trong 12 năm qua. Startup tin rằng chỉ có thể đạt được thành công khi giúp người khác thành công. Tokopedia muốn xây dựng cầu nối mọi người với nhau, kết nối tất cả dịch vụ và nhu cầu trên một nền tảng.

Tokopedia giải đáp mọi nhu cầu của cộng đồng. Khi truy cập ứng dụng hay website Tokopedia, mọi người tìm thấy hàng loạt dịch vụ: bán lẻ, thanh toán số, mua vé tàu, máy bay, đặt phòng, mua vé xem phim, mua gói dịch vụ streaming, đầu tư…

Trong cuộc phỏng vấn năm 2019 với hãng tin Reuters, Tanuwijaya bày tỏ mong muốn Tokopedia trở thành “siêu hệ sinh thái” cho người mua và người bán. Hiện tại, Tokopedia nằm trong top 3 nền tảng thương mại điện tử nhiều lượt truy cập nhất tại Indonesia dù chưa bao giờ tổ chức các sự kiện mua sắm “khủng”. Năm 2020, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Tokopedia đạt 11,7 tỷ USD, theo báo cáo của hãng nghiên cứu Euromonitor International, đứng trên Shopee. Trong khi đó, theo Google, Temasek và Bain & Co, nền kinh tế số ASEAN có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với hai trụ cột là fintech và thương mại điện tử.

Để hiện thực hóa tham vọng “siêu hệ sinh thái” của mình, Tokopedia đã sáp nhập với một kỳ lân công nghệ khác của Indonesia là Gojek, hoạt động dưới trướng công ty mẹ GoTo. Mới đây, GoTo huy động thành công 1,3 tỷ USD trong vòng gọi vốn do Google và Tencent dẫn đầu trước thềm IPO.

Đối với nhà sáng lập William, lời khuyên cho các doanh nhân trẻ là luôn tự hỏi bản thân: “Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo” và nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu. Đó chính là tinh thần của Tokopedia ngay từ buổi đầu và trở thành văn hóa nội bộ công ty. Mục tiêu

Du Lam