Được biết, AWS DevOps Sagas là một khái niệm được sử dụng để mô tả cách thức triển khai và duy trì các nguyên tắc DevOps trong môi trường AWS. Có thể nói, AWS DevOps Sagas là cách tiếp cận của AWS nhằm giúp doanh nghiệp triển khai tối ưu DevOps trên nền tảng AWS Cloud.
Chi tiết về cách tiếp cận này được AWS giới thiệu trong bộ tài liệu Well-Architected Framework DevOps Guidance. Bộ tài liệu này bao gồm các hướng dẫn về cách thiết kế, triển khai và vận hành các hệ thống AWS DevOps Sagas hiệu quả trên AWS.
Dưới đây, chuyên gia Multi Cloud CMC Telecom chia sẻ về AWS DevOps Sagas và cách thức triển khai mô hình này dựa theo hướng dẫn trong bộ tài liệu Well-Architected Framework DevOps Guidance.
AWS DevOps Sagas là gì?
AWS DevOps Sagas là một mô hình phát triển phần mềm hiện đại, tập hợp các quy trình, công cụ của phát triển phần mềm (Dev) và vận hành (Ops) từ thiết kế, phát triển, bảo mật, vận hành và văn hoá. Hiểu một cách đơn giản, AWS DevOps Sagas được thiết kế để tập trung vào việc cải thiện hiệu quả và hiệu suất của các hoạt động DevOps, đồng thời giảm thiểu rủi ro và cải thiện khả năng tuân thủ.
Có thể nói, AWS DevOps Sagas được xem như trái tim của quy trình phát triển phần mềm. AWS DevOps Sagas tập hợp những core domains, tạo nên bộ khung thực hành tốt nhất cho DevOps. Với AWS DevOps Sagas, các tổ chức có thể xác định rõ ràng định nghĩa về DevOps trong môi trường làm việc của mình, đồng thời đánh giá và cải thiện liên tục quy trình DevOps trong thực tế.
AWS DevOps Sagas bao gồm 5 hạng mục quan trọng
Organizational Adoption Sagas sẽ hỗ trợ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tập trung vào khách hàng, linh hoạt, tối ưu hóa quy trình do con người quản lý, chú trọng phát triển cá nhân và chuyên môn và nâng cao trải nghiệm của nhà phát triển. Hạng mục này bao gồm các khía cạnh như quy hoạch cấu trúc tổ chức, hợp tác nhóm, phản hồi một cách liên tục, đề cao văn hóa học hỏi và chú trọng sự hài lòng của nhà phát triển.
Development Lifecycle Sagas sẽ tăng cường khả năng của tổ chức trong việc phát triển, đánh giá và triển khai các workload một cách nhanh chóng và an toàn. Hạng mục này sử dụng feedback loop - phản hồi liên tục, phương pháp triển khai đồng nhất và tiếp cận "everything-as-code" để nâng cao hiệu quả trong việc triển khai cơ sở hạ tầng, dịch vụ trên Cloud.
Quality Assurance Sagas sẽ chủ động trong việc kiểm thử, tích hợp kiểm thử vào quá trình phát triển. Mục đích của hạng mục này nhằm đảm bảo rằng các ứng dụng được thiết kế tốt ngay từ khâu thiết kế, đảm bảo tính an toàn, tiết kiệm chi phí, sự bền vững và được phân phối với sự linh hoạt tăng thông qua quy trình kiểm thử tự động hóa.
Automated Governance Sagas giúp quản lý rủi ro, và tuân thủ các tiêu chuẩn kinh doanh, kỹ thuật. Hạng mục này nhấn mạnh vào quản lý rủi ro cho cơ sở hạ tầng và ứng dụng, tuân thủ quy trình của doanh nghiệp một cách tự động trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng…
Observability Sagas sẽ tập trung vào việc tích hợp khả năng giám sát trong các môi trường và workload, từ đó giúp đội ngũ vận hành nhanh chóng phát hiện và giải quyết vấn đề, cải thiện hiệu suất, đảm bảo mọi thông số giám sát cũng như hiệu năng. Với hạng mục này, AWS tập trung vào các khía cạnh như giám sát hiệu năng, ghi và lưu trữ log, thu thập dữ liệu, xây dựng công cụ theo dõi và cảnh báo xử lý sự cố.
Cách thức triển khai AWS DevOps Sagas
Không có một công thức chung nào cho việc triển khai AWS DevOps Sagas, nhưng có một số nguyên tắc và bước cơ bản mà doanh nghiệp có thể tham khảo.
Bước 1: Doanh nghiệp cần xác định tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược của tổ chức về DevOps. Tiếp theo là phân tích lý do muốn áp dụng DevOps và nhận biết rõ ràng về lợi ích dành cho khách hàng, doanh nghiệp và nhân viên. Sau đó là xác định thách thức, rủi ro tiềm ẩn, thiết lập các chỉ số đo lường hiệu suất (KPIs) để theo dõi và đánh giá sự tiến bộ.
Bước 2: Doanh nghiệp thực hiện đánh giá hiện trạng của hệ thống hiện tại, xác định các điểm yếu, điểm mạnh, cơ hội và nguy cơ.
Chuyên gia MultiCloud khuyến nghị các doanh nghiệp nên rà soát hệ thống bằng AWS Well-Architected Framework, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố cơ hội và nguy cơ của hệ thống cũng như xem xét các hệ thống dưới góc độ 5 lĩnh vực của AWS DevOps Sagas.
Bước 3: Doanh nghiệp cần lập kế hoạch và thiết kế các giải pháp DevOps phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của tổ chức. Việc xác định yêu cầu kỹ thuật, kinh doanh và từ khách hàng là quan trọng hàng đầu. Điều này giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả các hạn chế về ngân sách, thời gian và tài nguyên của mình. Lựa chọn và đánh giá các công cụ, dịch vụ AWS phù hợp cho việc triển khai DevOps.
Bước 4: Doanh nghiệp triển khai và vận hành các giải pháp DevOps theo kế hoạch đã đề ra. Ở bước này, doanh nghiệp giám sát hệ thống, phát hiện và giải quyết rủi ro, sự cố một cách nhanh chóng. Không chỉ thế, doanh nghiệp cần đảm bảo việc triển khai DevOps phù hợp với mục tiêu kinh doanh và nhu cầu của khách hàng.
Bước 5: Doanh nghiệp sẽ cần đánh giá kết quả và tìm kiếm cơ hội cải tiến. Việc lắng nghe phản hồi từ khách hàng, nhân viên và các đối tác sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện áp dụng DevOps. Sau đó, doanh nghiệp xác định và thực thi các biện pháp cải tiến dựa trên kết quả đánh giá.
Trên đây là một số bước cơ bản để triển khai AWS DevOps Sagas. Để bổ sung thêm các kiến thức chuyên sâu khác, doanh nghiệp có thể tham khảo trong tài liệu “Well-Architected Framework DevOps Guidance” của AWS. Việc triển khai AWS DevOps Sagas đòi hỏi sự tỉ mỉ, linh hoạt và khả năng thích nghi. Để đạt được hiệu suất tốt nhất, doanh nghiệp không chỉ cần công nghệ mà còn cần sự hỗ trợ từ các đối tác tin cậy.
Đồng hành cùng AWS từ 2017, hiện nay, CMC Telecom đang là Đối tác Dịch vụ Cấp cao của AWS tại Việt Nam. Với kinh nghiệm và đội ngũ kỹ thuật đã được kiểm định năng lực bởi AWS, doanh nghiệp này là một lựa chọn uy tín cho doanh nghiệp muốn tận dụng tối đa sức mạnh của DevOps và nền tảng đám mây AWS trong hành trình chuyển đổi số cho tổ chức của mình.
Thúy Ngà