- Sau khi bài viết truy tìm nguồn gốc thông tin “10 thói xấu của người Việt” được đăng tải, nhiều độc giả phản hồi theo hướng “không cần quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ, mà vấn đề là nó nói đúng hay sai”.
Trâu buộc ghét trâu ăn. Ảnh minh họa: Thể Thao Văn Hóa |
Anh Nguyễn Đăng Khôi đề xuất một cách hài hước là “nên có đề tài tiến sĩ khoa học về những tố chất cơ bản của người Việt hiện đại, hoặc những tố chất cơ bản của quan chức Việt hiện nay”.
Cũng giống anh Khôi, anh Đào Trọng An không quan tâm thông tin tới từ đâu, “nhưng tôi thấy có mình trong đó”. Theo anh, việc cần làm là phải sửa mình, hoàn thiện mình tốt hơn.
“Thật ra những lời ‘tố cáo’ này chẳng ngoa chút nào và ngay chính trong tâm của mỗi người Việt nếu thẳng thắn mà nhìn nhận thì chắc hẳn không khỏi giật mình vì thấy có “bóng” của mình trong đó. Bản chất người Việt rất thích được người khác nịnh và rất sợ phải nghe kẻ nào đó nói xấu mình. Đó chính là tính cách nổi bật, rất khó sửa của người Việt Nam” – một độc giả nhận xét.
Trả lời cho câu hỏi “tại sao người Việt nhiều thói xấu”, chị Xuân Mai cho rằng “suy cho cùng đất nước nghèo quá nên mọi người phải ‘phấn đấu’ để sinh tồn, nảy sinh nhiều thói xấu”. Để thay đổi, chị Mai khẳng định cần phải “thay đổi kinh tế”.
“Tôi đánh giá cao bản danh sách ’10 tố chất cơ bản của người Việt’ vì đã nói lên được những nét cơ bản của người Việt. Nếu chỉ thích được khen và phản ứng tiêu cực trước những nhận xét hoặc góp ý chân thành thì dân tộc ta mãi chỉ là một nước lạc hậu” – chị Hoàng Thúy Lan nhận định.
Là một bà mẹ, chị Quế Chi cho rằng những nhận xét này về người Việt chị đã được nghe nhiều và thấy đúng. Mỗi ngày chị vẫn dạy con cái nghĩ tốt hơn về bản thân, về cuộc sống, về mọi người xung quanh. “Mỗi khi tôi và ông xã làm gì mà chúng tôi không muốn con nhỏ noi theo, chúng tôi nhắc nhở nhau, từ việc không xả rác bừa bãi cho đến việc xếp hàng chờ tới lượt mình, to tiếng nơi công cộng… Xã hội phát triển tốt hơn cần một thế hệ ý thức tốt hơn và dân trí cao hơn. Đó là nghĩa vụ của các bậc cha mẹ hiện nay phải giáo dục con em mình, chứ không chỉ đại học, điểm số và bằng cấp” – chị Chi tâm sự.
Đồng tình với quan điểm này, anh Vũ Dũng cho rằng người lớn phải thay đổi từ những việc nhỏ nhất trước để tôi rèn ý thức cho thế hệ trẻ như vứt rác đúng nơi quy định, dạy con tự lập, không bao bọc thái quá… Đó là một cách để hòa nhập với thế giới rộng hơn ngoài ngôi nhà của mình, ngoài nơi làm việc và cả ngoài đất nước này.
Quyết liệt hơn trong việc cần tiếp thu và sửa những thói hư tật xấu, anh Đỗ Thanh Bình lấy ví dụ: “Đơn giản như chương trình “Gặp nhau cuối năm” hay “Gala Cười” cũng bị hạn chế châm biếm thói hư tật xấu đời thường của một xã hội đương thời, vậy thử hỏi từ trên xuống dưới chúng ta đã thực sự cầu thị chưa?
- NT (tổng hợp)