Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng và Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 1326 về phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người.
Theo đó, từ tháng 6 năm 2022 đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Phần lớn các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...
Thủ đoạn của các đối tượng có hành vi mua bán người đều được thực hiện thông qua các tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là tài khoản ảo, và các hội, nhóm "Cho nhận con nuôi", "Tìm dâu cho người Trung Quốc", "Lao động việc nhẹ, lương cao"... nên rất khó thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của các đối tượng.
Đáng chú ý, tại hai tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, hoạt động mua bán người sang các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng và mua bán ma túy gia tăng và rất nghiêm trọng.
Trong hàng nghìn người Việt Nam làm việc tại các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến ở Campuchia. Nhiều trường hợp bị dụ dỗ, lừa gạt đã xuất nhập cảnh trái phép, bị cưỡng bức làm việc, nếu muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc rất cao, từ 100 - 150 triệu đồng.
Tình hình mua bán người từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, có chiều hướng gia tăng tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở tỉnh Bò Kẹo, Lào. Đây là Đặc khu có quy mô rất lớn, giáp khu Tam giác Vàng - trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 thế giới.
Trên tuyến biển, nhất là các tỉnh phía Nam, các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển cũng gia tăng.
Hoạt động mua bán người sang các nước châu Âu để lao động trái phép, trồng cần sa vẫn diễn ra. Tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em gái ở lứa tuổi vị thành niên nhằm mục đích bóc lột tình dục trong nước diễn biến phức tạp.
Hội nghị sơ kết cũng đánh giá hai lực lượng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện và có chiều sâu Kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm. Các đơn vị đã trao đổi hàng trăm thông tin liên quan đến tình hình, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người liên quan đến địa bàn quản lý và chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng, giúp các đơn vị triệt phá thành công hàng chục chuyên án, vụ án.
Các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới đã thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tình hình với lực lượng chức năng các nước đối đẳng trong công tác điều tra, xác minh, giải cứu nạn nhân bị mua bán và bắt giữ các đối tượng phạm tội.
Từ tháng 6 năm 2022 đến nay, các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp đấu tranh hàng chục chuyên án, phát hiện, điều tra, xử lý 65 vụ với 81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân; đang điều tra, xác minh 57 vụ với 86 đối tượng nghi vấn mua bán 164 người.
Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 9/2022, các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, điều tra 24 vụ với 17 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ 52 nạn nhân (tăng 13 vụ, 4 đối tượng và 30 nạn nhân so với cao điểm năm 2021).
Theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), dự báo thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, để công tác phối hợp trong phòng, chống mua bán người đạt kết quả cao hơn, hai lực lượng tập trung thực hiện tốt nhiều nội dung trọng tâm.
Trước mắt, hai bên tập trung lực lượng phối hợp triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển nhân Tháng hành động phòng, chống mua bán người năm 2023.
Hai bên chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Công an các tỉnh tuyến biển thống nhất với các cơ quan tư pháp địa phương về chính sách hình sự đối với hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển (thông qua dịch vụ “cò” ngư phủ) nhằm giải quyết, xử lý vấn nạn này.
Lực lượng cảnh sát hình sự và lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về; tổ chức phỏng vấn, khai thác nạn nhân để tạo nguồn xác lập chuyên án chung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người…
Nam Yên