Nhận định nêu trên vừa được Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Đặng Vũ Sơn đưa ra trong phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa diễn ra tại cơ sở đào tạo Hà Nội của Học viện Kỹ thuật Mật mã (KTMM)
Cùng với việc nhấn mạnh song hành cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT, các thế lực thù địch, tội phạm mạng đang tăng cường tấn công, xâm nhập các mạng CNTT trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước và chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu, vị Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho biết, trước yêu cầu đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin.
Trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến ngành Cơ yếu như Luật Cơ yếu, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật An toàn thông tin mạng, các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường công tác bảo mật an toàn thông tin trong cơ quan Đảng, Nhà nước và triển khai Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, trong năm nay, Bộ Quốc phòng đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc hình thành, phát triển lực lượng tác chiến mạng. Bộ Công an cũng đang khẩn trương tham mưu cho Quốc hội dự Luật An ninh mạng.
“Ngành Cơ yếu chúng ta đang thực hiện Kết luận 13 ngày 24/4/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết Chỉ thị 41 ngày 1/4/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó xác định ngành Cơ yếu tiến thẳng lên hiện đại. Trước bối cảnh mới, trách nhiệm của Ban và Ngành Cơ yếu rất nặng nề, trong đó công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học đóng vai trò rất hết sức quan trọng và cấp bách”, ông Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh.
Ông Đặng Vũ Sơn cũng cho biết, thời gian tới, Ban và ngành Cơ yếu sẽ tiếp tục tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ lớn. Cụ thể, trước hết là xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia đồng bộ, vững chắc, bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin lãnh đạo chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, của Nhà nước và các lực lượng vũ trang trong mọi tình huống. Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển hệ thống Kỹ thuật mật mã ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh công tác quản lý nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất và triển khai sản phẩm mật mã mới.
Cùng với đó, ngành Cơ yếu cũng sẽ chú trọng triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ cho việc triển khai chứng thực điện tử và hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về mật mã dân sự, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Cơ yếu và văn bản luật về công tác Cơ yếu.
Đồng thời, triển khai hiệu quả hệ thống giám sát an toàn thông tin trên các mạng CNTT trọng yếu của Đảng, Nhà nước; ký kết và triển khai các thỏa thuận phối hợp về bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin đối với các hệ thống này; phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao, TT&TT thực hiện các biện pháp đối phó với các cuộc chiến tranh thông tin.
Người đứng đầu Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định, là trung tâm đào tạo trình độ cao của Ngành cơ yếu Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Mật mã là một trong các đơn vị có vai trò hết sức quan trọng góp phần giúp Ban và ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mật mã.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong năm học 2017 - 2018, nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban Giám đốc Học viện đề ra, ông Đặng Vũ Sơn cũng đề nghị Học viện tới đây tiếp tục chú trọng đổi mới toàn diện nội dung, chương trình đào tạo; có giải pháp đột phá để nâng trình độ đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu đáp ứng các nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Học viện; từng bước nâng cao chất lượng đầu ra, tiếp tục tu chỉnh các chương trình đào tạo nhằm tại các các phân lớp kỹ sư phù hợp nhất với thực tiễn; kiện toàn cơ quan quản lý giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đào tạo theo hướng coi nhân tố giảng viên, học viên - sinh viên là trung tâm, phát huy tính tích cực chủ động của học viên - sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, Học viện cũng cần tăng cường mối quan hệ trong lĩnh vực hợp tác về đào tạo và nghiên cứu với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; chọn đối tác quốc tế phù hợp trong việc hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời làm tốt công tác đào tạo giúp ngành Cơ yếu Lào, Campuchia và Cu-ba; tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Phân hiệu Học viện Kỹ thuật Mật mã tại TP.HCM.
Đồng thời, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Học viện, thời gian tới, trường cần quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, kịp thời đề xuất với lãnh đạo Ban về các chủ trương chính sách đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học, từng bước nâng cao đời sống cán bộ giảng viên.