Tội phạm công nghệ cao chọn VN là... bến đỗ
Theo nhận định của các ngành chức năng, hiện hoạt động của tội phạm công nghệ cao ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng đang triệt để sử dụng công nghệ cao làm phương tiện thực hiện tội phạm.
Ngoài các loại tội phạm được thực hiện bằng máy tính như sử dụng máy tính để lưu giữ những thông tin tội phạm, sử dụng máy tính để tấn công hoạt động bình thường và an toàn của máy tính và hệ thống mạng, các tội phạm công nghệ cao như lừa đảo qua mạng thông qua các giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, thị trường chứng khoán, hải quan, thuế; chuyển cuộc gọi trái phép qua môi trường internet, trộm cắp, gian lận cước viễn thông; tội buôn bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức đánh bạc và cá độ qua mạng và rất nhiều loại tội phạm xâm phạm an ninh, quốc phòng khác đã và đang hình thành, phát triển.
Lừa đảo đội lốt khách du lịch
Vào hồi 14giờ ngày 21/12/2007, C15 đã phát hiện và bắt giữ quả tang 2 đối tượng người Malaysia đang sử dụng một số thẻ tín dụng Visa giả trả tiền ăn, ở tại khách sạn Metropol cho 5 người trong nhóm. C15 đã lập biên bản phạm tội quả tang và thực hiện lệnh bắt người phạm tội quả tang đối với 2 đối tượng: Cham Tack Choi và Tan Wei Hong quốc tịch Malaysia.
Quá trình điều tra được biết, Tan Wei Hong sinh ngày 29/9/1981 tại WP Kuala Lumpur, nơi đăng kí hộ khẩu thường trú: K-3-6 Puchong Utama Court – JLN Puchong7-51100 Selangor-Malaysia, nghề nghiệp: kinh doanh, quốc tịch: Malaysia.
Tại cơ quan điều tra Hong khai nhận: Hồi 11 giờ ngày 21/12/2007, Tan Wei Hong đến cửa hàng Louis Vuitton tại 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội thuộc Công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam, cùng 2 người bạn là Chong Hin Kong, Lee Len Wang để mua các đồ dùng cá nhân như ví da, túi xách da. Hong đã dùng 01 thẻ Master Card để thanh toán số tiền mua hàng trị giá 1.340 USD.
Sau đó, chị Hà Thị Thu Hiền đã kiểm tra lại các hóa đơn và phát hiện Tan Wei Hong đã đến cửa hàng Louis này mua các đồ dùng vào ngày 12/12/2007 thanh toán bằng thẻ tín dụng đã được Ngân hàng ngoại thương thông báo là thẻ tín dụng giả.
Cơ quan điều tra đã thu giữ tài liệu, đồ vật của Tan Wei Hong gồm: 05 thẻ Master Card, 03 thẻ Visa, 02 thẻ tín dụng American Express, 02 Hộ chiếu số 17911559 cấp ngày 12/6/2007 tại Kuala Lumpur mang tên Tan Wei Hong và số S4166591C cấp ngày 8/7/2002 tại Singapore Immigration Registration mang tên Hu Tong Meng.
Vụ việc các vị khách du lịch đội lốt lừa đảo nói trên chỉ là sự góp phần cho hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Trước thời điểm bắt giữ các vị khách lừa đảo này, C15 đã triệt phá thành công một hình thức lừa đảo mới xuất hiện ở Việt Nam là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh tài chính trên mạng mang tên Conoly Invest.
Với phương thức hoạt động theo dạng huy động vốn tín dụng đa cấp trên mạng với lãi xuất cao (2,5-3% ngày), nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ lấy tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước. Người đầu tư trực tiếp đưa tiền cho người môi giới và được cấp 1 tài khoản và mật khẩu, không có biên nhận, không có phiếu thu tiền. Người đầu tư được nhận tiền lãi ảo qua tài khoản trên mạng. Các hệ thống khuyến cáo người tham gia nên tái đầu tư và đầu tư lâu dài để lấy tiền lãi ảo, mua bán điểm với nhau, nếu rút lãi tiền mặt hoặc chuyển ra tiền mặt sẽ thiệt về giá. Do vậy, tạo xu hướng những người tham gia tái đầu tư hưởng lãi ảo, giới thiệu thêm người hưởng % số tiền đầu tư mới, bán điểm cho nhau tạo thành hệ thống đa cấp khổng lồ.
Có điều công ty C.I không đăng kí kinh doanh tại Việt Nam, không có trụ sở hoạt động tại Việt Nam. Website colonyinvest.net có dấu hiệu là một website do một người ở Hồng Kông có email [email protected] (đuôi .cn) đăng kí sở hữu, domain và hosting đặt tại Mỹ, đây là một website không ghi rõ nguồn gốc, không ghi chủ sở hữu, địa chỉ liên hệ... .số điện thoại liên hệ 1900561507 không có thực.
Hiện, C15 đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 09 đối tượng. Ngoài ra, C15 còn phối hợp với nhiều địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Thái Nguyên, Bắc Ninh... đồng loạt tấn công vào các tổ chức hoạt động phạm tội, là nhánh dưới trong hệ thống colony. Đã khởi tố bị can và bắt tạm giam thêm 9 đối tượng. Đồng thời, đã thu giữ hàng chục tỷ đồng tiền các đối tượng đã chiếm đoạt trái phép của nhân dân. Hiện, C15 đang chỉ đạo các địa phương chủ động tiến hành các hoạt động trinh sát và tố tụng, cho đến nay một số địa phương đã bắt khám xét một số đối tượng cầm đầu, chủ chốt tại địa phương, tiếp tục đấu tranh và củng cố chứng cứ để truy tố trước pháp luật.
Bùng nổ tội phạm công nghệ cao
Theo báo cáo của C15, hiện nay một số tổ chức tội phạm ở nước ngoài đang chọn Việt Nam làm trung gian để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bằng cách đột nhập vào cơ sở dữ liệu ngân hàng của các nước Anh, Pháp, Áo, Đức, Mỹ sau khi lấy được các thông tin cá nhân, tài khoản các đối tượng cử người (chủ yếu Châu Phi) vào Việt Nam bằng con đường du lịch dùng hộ chiếu, giấy tờ giả mở tài khoản tại các ngân hàng, sau đó tạo các lệnh chuyển tiền hàng chục ngàn Euro, đô la về tài khoản tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam để rút tiền ngay trong ngày hoặc ngay sau khi mở tài khoản. Khi ngân hàng nước ngoài phát hiện, yêu cầu thoái thu không xác định được chủ tài khoản.
Nhiều đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài còn sử dụng hệ thống mạng internet và hệ thống công nghệ kỹ thuật cao để trộm cắp tiền trong tài khoản tín dụng và thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Đột nhập trái phép vào các cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực kinh tế quan trọng như bưu chính, viễn thông, ngân hàng, các website... để lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tên miền (Domain), tài khoản thẻ tín dụng “chùa” để mua bán, thanh toán trực tuyến gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của Việt Nam trong giao dịch điện tử và thanh toán trực tuyến. Một số công ty nước ngoài đã kiện, đề nghị Cảnh sát Việt Nam, phối hợp, điều tra nhưng do chưa có chế tài nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Hiện, theo quy định của Bộ luật Hình sự, mới chỉ có ba điều luật điều chỉnh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao là: Điều 224: Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học; Điều 225: Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử; Điều 226: Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính. Nhưng, trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, tội phạm công nghệ cao cũng mang tính toàn cầu, không có biên giới. Những loại tội phạm công nghệ cao xuất hiện trên thế giới cũng xảy ra ở Việt Nam và cũng gây nguy hại cho nền kinh tế, chính trị và xã hội như ở các nước khác. Do vậy, tất cả những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đó cũng cần phải bị xử lý bằng luật hình với các chế tài nghiêm khắc, đủ để trấn áp, răn đe và phòng ngừa như kinh nghiệm ở các nước trên thế giới và cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự.
Tội phạm công nghệ cao bao gồm hai loại:
Thứ nhất, sử dụng dữ liệu của máy tính, hoặc mạng máy tính để tạo ra, lan truyền, phát tán các chương trình virus, đột nhập trái phép cơ sở dữ liệu máy tính, trộm cắp dữ liệu, thông tin (đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia, an ninh, quốc phòng), tấn công từ chối dịch vụ (DDOS-Botnet)
Thứ hai là dùng máy tính thành một công cụ để gây án, lưu giữ thông tin tội phạm. Hình thức này các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, tham ô, rửa tiền, buôn bán ma túy, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, mại dâm, tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... thường sử dụng.
Với những thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao như: dùng Phishing, trojan horse, spyware, keylogger, adware, spam để lừa đảo trên mạng, để trộm cắp địa chỉ email, thông tin thẻ tín dụng và thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, thông tin giấy phép lái xe. Đưa thông tin thẻ tín dụng đã trộm cắp được lên mạng internet để mua bán, trao đổi, cho, tặng. Trộm cắp tiền từ thẻ tín dụng và tài khoản bằng cách: Làm thẻ tín dụng giả: thẻ trắng để rút tiền từ máy ATM và thẻ màu để trả tiền cho các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, mua hàng đắt tiền, mua vé máy bay...; mua hàng trực tuyến bằng thông tin thẻ tín dụng và tài khoản trộm cắp được (được gọi là ship hàng). Không những thế, hiện các đối tượng còn tiến hành bôn bán ma túy qua mạng, hạt động mại dâm qua mạng internet.
Bên cạnh việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, bọn tội phạm còn dùng internet để thực hiện các hoạt động tống tiền, khủng bố, phá hoại, quấy rối, xâm phạm an toàn của hệ thống hạ tầng quốc gia như: hệ thống truyền tải điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điều khiển không lưu hàng không... Thậm chí cả lập trạm thu phát tín hiệu trái phép, sử dụng mạng internet để chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi nội hạt thu tiền trái phép...
Theo VnMedia