LỜI TÒA SOẠN

Nhiều giáo viên chia sẻ, nghề giáo đang Phải chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ sự đòi hỏi phải không ngừng đổi mới sáng tạo của nghề; từ sự kỳ vọng quá lớn ở phụ huynh, học sinh; từ chính cuộc mưu sinh của các thầy cô... VietNamNet mở diễn đàn Áp lực nghề giáo – nơi chia sẻ mọi vui, buồn của người đứng trên bục giảng. Độc giả có thể chia sẻ câu chuyện của mình về email: [email protected]. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Xin cảm ơn!

Nghỉ việc, giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy

Không may gây ra lỗi trong quá trình giảng dạy, dưới áp lực của dư luận, không muốn bản thân trở thành “tâm bão”, nhiều giáo viên chấp nhận nghỉ việc để giữ được sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy.

Mở đầu câu chuyện buồn của mình, cô T.T.H - giáo viên một trường THCS tại Hà Nội, cho biết, cô chọn nghề giáo bởi theo quan niệm của nhiều người, đây là một trong những nghề cao quý nhất của xã hội. 

“Có 2 nghề mọi người đều kính trọng gọi bằng "thầy" là thầy giáo và thầy thuốc. Vì thế tôi quyết định chọn nghề giáo. Thế nhưng sau 10 năm làm nghề, tôi quyết định chấm dứt sau một tai nạn nghề nghiệp”, cô H. ngậm ngùi nói.

Cách đây 5 năm, khi còn là giáo viên dạy môn Toán, chứng kiến cảnh học sinh liên tiếp không làm bài tập lại còn thách thức cô giáo, trong lúc nóng giận cô H. đã dùng thước kẻ đánh vào lưng học sinh.

Những tưởng điều ấy giúp học sinh nhận ra lỗi lầm và chăm chỉ học hành để có kết quả tốt hơn nhưng ngay sau khi phát hiện sự việc, phụ huynh đã làm ầm ĩ và đòi gặp ban giám hiệu nhà trường.

“Nhận thức được sự nóng giận dẫn đến hành động chưa chuẩn mực, tôi xin lỗi phụ huynh nhưng không được chấp nhận.

Sau đấy, tôi mất một ngày để làm các loại báo cáo tường trình về sự việc. Chưa dừng lại ở đó, phụ huynh gửi tối hậu thư yêu cầu tôi và hiệu trưởng tới nhà xin lỗi. Khi ấy, tôi cần phải quỳ xuống xin lỗi, họ mới chấp nhận tha thứ, nếu không họ sẽ không để yên cho tôi đứng lớp tiếp tục giảng dạy”, cô H. kể.

Ngày ấy, cô giáo H. chỉ nghĩ đơn giản rằng, với học sinh, một roi vào tay hoặc trách phạt học sinh để đưa trẻ về đúng khuôn khổ là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều cô không ngờ tới là phụ huynh không đồng quan điểm với giáo viên trong việc dùng hình phạt để giáo dục học sinh.  

“Tôi biết mình sai, mình cần xin lỗi công khai, chân thành tới học sinh và phụ huynh nhưng phụ huynh không đồng ý.

Sốc và không thể chấp nhận được việc phải xin lỗi bằng cách quỳ gối với chính học sinh của mình, tôi quyết định chấm dứt cơ duyên với nghề. Tôi nghỉ việc để giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy. Tôi sai khi dùng thước đánh học sinh nhưng điều ấy không có nghĩa là ép tôi làm điều trái với truyền thống tôn sư trọng đạo, xúc phạm danh dự nghề nghiệp của nhà giáo”, cô H. khẳng định.

'Chúng tôi yêu nghề nhưng...'

Sau 3 năm vào nghề, thầy N.V.T (Hà Nội) quyết định nộp đơn xin nghỉ, cùng vợ mở cửa hàng kinh doanh quần áo.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Giỏi trong tay, mang theo bao nhiệt huyết đầu quân vào một trường THPT tại Hà Nội nhưng chỉ sau 3 năm, thầy T. quyết định nghỉ việc.

"Tôi là giáo viên Thể dục. Ở cấp THPT, nhiều học sinh mang theo tư tưởng coi Thể dục là môn phụ nên không chịu nghiêm túc tập luyện, ngược lại còn hỗn láo với giáo viên.

Có những lúc, tôi thấy mình thực sự bất lực trước sự ngang ngược của học trò. Đánh học sinh, thầy cô sẽ bị quy kết là có hành vi bạo lực học đường. Bực tức, cáu, quát mắng, học sinh sẽ quay video, cắt xén đăng lên mạng xã hội. Lúc này, thầy giáo lại trở thành tội đồ. 

Nhiều lúc, tôi tự trấn an bản thân tặc lưỡi, chấp nhận nghe lũ nhỏ đáng tuổi con mình giễu cợt, xúc phạm để tiếp tục tình yêu với nghề. Thế nhưng, lương tâm nghề nghiệp không cho phép, tôi quyết định dừng chân với nghề sư phạm”, thầy T. cho hay.

Từ ngày nghỉ việc, thầy T. cho biết cuộc sống trở nên "dễ thở" hơn. “Sáng tôi đi chở hàng giao đến các khách sỉ, trưa về cùng vợ sắp xếp hàng, chiều lại dọn hàng. Thi thoảng mệt, tôi có thể nghỉ ngơi. Áp lực nghề giáo đã không còn”, thầy T. nói.

Thỉnh thoảng, nam giáo viên vẫn nhớ trường, nhớ lớp nhưng anh khẳng định không hối hận với quyết định của bản thân.

Trước đó, một bài chia sẻ của nữ giáo viên mầm non nghỉ dạy sau 10 năm theo đuổi công việc cũng gây dậy sóng trong cộng đồng mạng. 'Lúc mới vào nghề, chứng kiến một chị đồng nghiệp bị phụ huynh xông vào tát, tôi thấy thương cái nghề của mình biết bao. Người ta nói áp lực tạo nên kim cương nhưng nghề mầm non áp lực tạo nên quyết định nghỉ việc", cô giáo ở Quảng Bình trải lòng sau khi nộp đơn xin nghỉ việc.

Tâm thư của cô giáo đã chạm đến cảm xúc của nhiều giáo viên đồng cảnh ngộ.