Gia đình tôi có 3 anh em. Anh cả tôi sinh vào những năm cuối thập niên 1970, chị hai kém anh 5 tuổi. Tôi là con út, cách anh cả tận một giáp. Chính vì vậy, mẹ thường trêu là nhặt tôi ở bãi rác về để vui cửa vui nhà.
Bố mẹ tôi đều buôn bán nhỏ ở chợ. Ngày thường, bố mẹ bán ở cách làng không xa. Cứ đến cuối tuần, 2 người chở nhau lên chợ huyện để bán hàng. Tôi không bao giờ được đi chợ huyện, chỉ có anh cả thỉnh thoảng được bố mẹ cho đi cùng để giúp việc.
Hơn 25 năm trước, bố mẹ tôi chắt bóp mãi cũng sắm được một chiếc TV màu. Khỏi phải nói, anh chị em chúng tôi sung sướng và tự hào như thế nào khi được gia nhập hàng ngũ "gia đình có TV màu".
Ngày ấy, một chiếc TV màu, màn hình cong, có giá trị rất lớn nên nhà nào sắm được món đồ này là hãnh diện lắm. Khoảnh khắc lần đầu tiên được bấm nút điều khiển bật TV giống như một thế giới mới đầy màu sắc mở ra với cô bé như tôi.
Cái thời mà điện thoại thông minh hay Internet chưa xuất hiện và chi phối cuộc sống như ngày nay, thứ quý nhất đối với lũ trẻ chúng tôi có lẽ là chiếc TV. Nó tuy nhỏ nhưng chứa đựng cả bầu trời những điều mới lạ.
Sau này, khi xa nhà, điều tôi hay nhớ chính là khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên nhau cùng xem chương trình truyền hình yêu thích.
Cả nhà tôi đều yêu bóng đá. Tôi nhớ mãi cái không khí cả nhà cùng xem một trận bóng. Bố, anh cả và chị hai thường xuyên có những dự đoán và bình luận sôi nổi.
Mẹ tôi không rành về bóng đá nhưng cũng rất hào hứng, thường lắng nghe và tham gia vào cuộc trò chuyện đầy hứng thú. Với tính hài hước vốn có, bình luận của mẹ luôn khiến mọi người "cười bể bụng".
Tôi còn nhớ có lần bố và anh mải xem bóng đá thế nào mà kẻ trộm vào bắt hết sạch đàn gà của mẹ cũng không ai hay. Mẹ giận lắm, cấm bố và anh vài bữa xem TV nhưng rồi đâu lại vào đó.
"Tối nay có bóng đá rồi nhỉ, mẹ luộc lạc, luộc chục quả trứng vịt lộn rồi đấy. Ăn mà lấy sức cổ vũ", mẹ vừa cười vừa nói.
Sau này, anh cả đi học đại học trên thành phố, bố không còn "cạ" để cùng nhau tranh cãi ở mỗi trận đấu.
Tôi nhớ mỗi đợt có giải đấu lớn, bố tôi lại gọi anh về xem cùng. Những giải đấu ấy thường tổ chức vào mùa hè, khi chúng tôi đã được nghỉ. "Con thi xong sẽ về ngay bố nhé" hoặc "Cuối tuần con về bố nhé"... anh cả hay trả lời bố như vậy.
Mãi khi anh đi nước ngoài làm ăn, bố không thể gọi nói chuyện và bảo anh về xem cùng được nữa.
Đến khi tôi đi học xa nhà, tôi lại là người được bố gọi về xem bóng đá cùng cho vui. Biết tôi thích ăn hơn là xem bóng, nên mỗi lần gọi điện, bố thường nói thêm "mẹ chuẩn bị gà luộc rồi" hay "mùa lạc tới rồi", "nồi chè có thêm thạch"...
Tôi nhớ có lần bố nhắn vội: “Tối nay có bóng đá Việt Nam, con có về kịp không?”.
Tất nhiên, tôi trở về nhà không hẳn vì trận bóng đá, cũng không hẳn về món ăn mẹ nấu mà về để cảm nhận không khí gia đình vui vẻ, ấm áp và yêu thương.
Chiếc TV đã gắn kết tình cảm gia đình tôi như thế đó. Giờ chúng tôi đã lập gia đình, bố không còn nữa nhưng mỗi khi có dịp được nghỉ lễ dài ngày, 3 anh chị em đều hẹn nhau trở về bên mẹ, bên nồi lạc luộc có hương vị bùi bùi thơm thơm của ngày xưa ấy.
Nhà là nơi đầy ắp tình cảm yêu thương gia đình, là nơi bất cứ ai đi đâu cũng muốn quay về. Bởi nơi đó có bố, có mẹ, có những người ruột thịt, là người yêu thương ta vô điều kiện. Báo VietNamNet mở diễn đàn Về nhà. Mời độc giả gửi tâm sự, câu chuyện của mình về địa chỉ: [email protected]. |
Độc giả Minh Anh