Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, hiện nay thực trạng ngành Thủy sản có nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các nguyên nhân từ bên ngoài.
Trong đó, ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường là một bộ phận cấu thành của vấn đề tam nông nên cũng chịu tác động từ những vấn đề này…. Trong khi đó, việc chuyển nghề cho ngư dân đang gặp nhiều khó khăn. Ngư dân phải chuyển đổi từ nghề cá thủ công, tự phát, tiếp cận tự do sang nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Vì vậy, việc hướng tới ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường cần bền vững là hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh nội tại của cộng đồng ngư dân, cơ chế thị trường, tranh thủ hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực và sự chủ động vươn lên của cộng đồng ngư dân trong phát triển bền vững ngư nghiệp, ngư trường gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ngư nghiệp.
Ban soạn thảo đề án này đặt ra mục tiêu tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá, phát triển lĩnh vực ngư nghiệp toàn diện, bền vững. Ngư trường, nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái được khai thác hợp lý, khả năng tái tạo, bảo vệ và duy trì hệ sinh thái biển bền vững.
Đối với ngư dân, dự thảo đề ra mục tiêu cộng đồng ngư dân ven biển sẽ tiếp tục phát huy nâng cao bản sắc làng cá, đào tạo trình độ khai thác hải sản ngang với quốc tế, tăng cường truyền thông hiểu biết pháp luật quốc tế trên biển, làm chủ các ngư trường.
Đến năm 2025, sẽ giảm khoảng 2.000 tàu cá các loại, tăng diện tích nuôi biển lên 280.000 ha, tăng sản lượng nuôi biển lên 850.000 tấn. Ngư dân khai thác hải sản ở vùng cấm khai thác, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cần chuyển đổi nghề. Ngư dân được hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghề mới đạt 50%.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 4.000 tàu cá các loại, diện tích nuôi biển tăng lên 300.000 ha, sản lượng nuôi biển lên 1,45 triệu tấn, thu nhập của lao động làm nghề khai thác và nuôi biển tăng 2,5 lần so với năm 2020. 100% ngư dân chuyển đổi nghề được đào tạo, chuyển nghề mới, có sinh kế ổn định đời sống.
Tầm nhìn tới năm 2045, ngư dân và cộng đồng ngư dân phát triển, có thu nhập cao. Các ngư trường được bảo vệ, tái sinh nguồn thủy sản. Khai thác được thay thế bằng nuôi biển. Nghề cá có trách nhiệm và bền vững, gắn kết với thị trường trong và ngoài nước. Công nghệ nghiệp chế biến thủy sản hiện đại.
Từ đó, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản soạn thảo đề án đưa ra nhiều giải pháp như:
Thứ nhất, đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức và hành động. Tuyên truyền và giáo dục, vận động sự tham gia của toàn xã hội về vị trí, tầm quan trọng của ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường. Tăng cường truyền thông, tập huấn, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân, nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường. Cung cấp các bản tin dự báo ngư trường, khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận được. Truyền thông về Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Thứ hai, hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất ngư nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và phát triển thị trường. Triển khai hiệu quả các chương trình về đề án phát triển thủy sản, đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hướng đến môi trường sinh thái. Nâng cấp hạ tầng đồng bộ và dịch vụ nghề cá phù hợp với quy hoạch không gian biển. Các quy hoạch chuyên ngành dể đảm bảo quản lý nghề cá, tàu cá, quản lý nuôi thủy sản biển.
Thứ ba, phát triển đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho lao động nghề cá, cải thiện toàn diện đời sống cho ngư dân. Xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả “Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản” và “Đề án thí điểm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái giai đoạn 2023 - 2030”.
Thứ tư, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường.
Thứ năm, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả, bền vững theo hướng phát triển kinh tế biển xanh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Thứ sáu, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế. Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để chuyển giao khoa học công nghệ đối với thiết kế, vật liệu làm lồng bè, phương tiện; công nghệ sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm, phòng trị bệnh và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nuôi biển Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.