Cảm thương trước những hoàn cảnh không nơi nương tựa của trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19, nhiều độc giả đã liên hệ với báo VietNamNet để xin tư vấn về thủ tục đăng ký nhận con nuôi.

Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin chính dưới đây để độc giả tham khảo.

{keywords}
Một hoàn cảnh trẻ mồ côi tại TP.HCM

Điều kiện để được nhận con nuôi

Những người muốn nhận con nuôi phải đáp ứng điều kiện đầu tiên: hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên (không áp dụng đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ; mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi).

Thứ hai, người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Điều kiện này cũng không áp dụng với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi.

Cùng với đó, trẻ em được nhận làm con nuôi phải có đủ các điều kiện: dưới 16 tuổi, nếu trẻ em thuộc trường hợp được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi thì đến dưới 18 tuổi; trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa; và 1 trẻ em chỉ được làm con của 1 người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. 

Hồ sơ xin nhận con nuôi gồm những gì?

Hồ sơ xin nhận con nuôi phải gồm có: hồ sơ của người nhận con nuôi và hồ sơ của người được nhận làm con nuôi.

Hồ sơ của người nhận con nuôi phải có đơn xin nhận con nuôi trong nước theo mẫu đơn tại đây.

Ngoài ra, hồ sơ yêu cầu các giấy tờ: Hộ chiếu, Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (bản sao); Phiếu lý lịch tư pháp (bản chính); Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (bản chính); Giấy khám sức khoẻ do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản chính); Giấy xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã/phường nơi người nhận con nuôi thường trú cấp (bản chính).

Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi gồm có: Giấy khai sinh (bản sao); Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (bản chính); 2 ảnh toàn thân, nhìn thẳng, chụp không quá 6 tháng; Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Ngoài ra, còn một giấy tờ quan trọng khác là giấy xác nhận trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Với trẻ mồ côi, cần giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ đã chết. Với trẻ bị bỏ rơi, cần biên bản do UBND hoặc Công an cấp xã/ phường nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi cấp. Với trẻ có cha mẹ mất tích, cần quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ đã mất tích. Với trẻ em có cha mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự, cũng cần quyết định của Tòa án tuyên bố điều này.

Quy trình nộp và xử lý hồ sơ

Người nhận con nuôi nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi tại UBND cấp xã/phường.

Đối với trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng, nộp hồ sơ tại UBND cấp xã/phường nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.

Đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi, nộp hồ sơ tại UBND cấp xã/phường nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.

Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng, nộp hồ sơ tại UBND cấp xã/phường nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.

Đối với trường hợp trẻ em đã ở cơ sở nuôi dưỡng, nộp hồ sơ tại UBND cấp xã/phường nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng.

Hồ sơ xin nhận con nuôi sẽ được giải quyết trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp đơn. Trong trường hợp hồ sơ bị từ chối, UBND cấp xã/ phường phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng.

Các thông tin trên về thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước dựa theo quyết định 169/QĐ-BTP.

Đăng Dương

Mái ấm cho trẻ mồ côi

Mái ấm cho trẻ mồ côi

Nhìn thấy cuộc gọi video của mẹ, bốn chị em Yến Nhi túm lại. Màn hình bên kia mở lên, Nhi thấy mẹ thở rít từng hồi...