- Tôi từng có quan hệ với một người phụ nữ. Chúng tôi đã có một đứa con chung. Giờ cô ấy sắp lấy chồng, tôi muốn nhận lại đứa con ngoài giá thú ấy để nuôi nấng. Xin hỏi tôi phải làm những thủ tục gì và ở đâu. Cháu năm nay mới 4 tuổi, cháu cũng thích về ở với tôi. Xin tư vấn cho tôi được cụ thể sớm làm thủ tục đón cháu về.
Ảnh minh hoạ |
Theo những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xác định có hai trường hợp xảy ra như sau:
Trường hợp 1. Người mẹ đồng ý cho đứa trẻ về ở với bạn.
Với trường hợp này, bạn cần tiến hành thủ tục nhận con theo quy định pháp luật. Theo Điều 24 Luật Hộ tịch 2014: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Do đó, bạn phải đến UBND xã nơi cứ trú của bạn hoặc hoặc UBND xã nơi cư trú của đứa trẻ để thực hiện việc đăng ký. Theo điều 25 Luật Hộ tịch, bạn cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
Tờ khai theo mẫu quy định;
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con: Chứng cứ này có thể là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con. Trường hợp không chứng cứ chứng minh thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Sau đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc nhận cha, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ ghi vào sổ hộ tịch, và bạn phải ký vào sổ hộ tịch; và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho bạn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Khi việc nhận cha – con đã được hoàn tất các thủ tục thì bạn là cha hợp pháp của đứa trẻ, có quyền đưa đứa trẻ về chăm sóc.
Trường hợp 2. Người mẹ không đồng ý cho đứa trẻ về ở với bạn.
Theo Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp […]
Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Do vậy, trong trường hợp này bạn cần phải khởi kiện đến toà án mà cụ thể là TAND cấp huyện nơi cư trú của mẹ đứa trẻ hoặc toà án nơi bạn cư trú nếu hai bên thoả thuận được theo điểm a, Khoản 1 Điều 35 và Khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 để toà án tiến hành các thủ tục tố tụng giải quyết việc nhận lại con cho bạn.
Tư vấn bở luật sư Nguyễn Thành Công- Giám đốc Công ty Đông Phương Luật- ĐLS TP.HCM
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc