Ngày 18/5, trên nhóm cộng đồng nhà đầu tư với hơn 120.000 thành viên, tài khoản có tên Nguyễn. T đã đăng tải bức tâm thư kể về thất bại của mình trong thị trường tài chính Forex, cùng với đó là ảnh chụp hợp đồng sang nhượng tiệm cắt tóc.

Cuối câu chuyện, anh T xin sự giúp đỡ từ cộng đồng. Sau một ngày, bài viết nhận được hơn 5.000 tương tác và 6.600 lượt chia sẻ. Đa phần bình luận đều cho rằng anh T nên đối mặt, chịu trách nhiệm với những gì đã làm thay vì chờ đợi sự giúp đỡ hay trốn chạy, nghĩ quẩn.

Ham muốn làm giàu nhanh, vay mượn để đầu tư

Chia sẻ với Zing, anh T (sống tại Thanh Trì, Hà Nội) cho biết những ngày qua anh đã phải chịu nhiều lời cay nghiệt từ cộng đồng. "Có người giúp, có người chửi nhưng mình phải chịu thôi chứ biết làm gì hơn", anh T nói.

{keywords}
Từ chủ một tiệm tóc chục nhân viên ở Thanh Trì (Hà Nội), anh T đã lâm vào cảnh nợ nần, mất uy tín với những người xung quanh vì Forex. Ảnh: Nguyễn T.

Theo anh T, anh đã may mắn có được nhiều thứ, nhiều hơn năng lực của chính bản thân. "Tôi từng có một gia đình êm ấm, con ngoan. Tôi bắt đầu kinh doanh salon tóc từ năm 2016, thu nhập của tôi cũng tương đối ổn định".

"Vì muốn giàu nhanh hơn, tôi đã lao vào thị trường Forex. Forex xuất hiện xung quanh tôi, từ quảng cáo trên mạng xã hội, những cuộc gọi mời tham gia các sàn. Sự dễ dàng này cho tôi cảm giác tự do trong đầu tư. Thế nhưng, đó cũng là cái bẫy làm giàu chết người", anh T viết.

Anh T thừa nhận mình thiếu kiến thức trong lĩnh vực này, chưa hoàn thiện được kỹ năng, chưa quản lý được vốn, không kiểm soát được rủi ro của mỗi lệnh giao dịch. Thứ duy nhất anh có là "lòng tham và hy vọng làm giàu" từ thị trường này.

Chủ salon tóc cho biết anh tham gia Forex như một canh bạc từ năm 2018 và mất ngay 48.000 USD đầu tiên. Đến tháng 8/2020, anh mất thêm 54.000 USD. Lần cuối cùng anh thua lỗ là giai đoạn từ 3-17/5. Ở lần này, anh T không biết mình mất bao nhiêu tiền, chỉ biết đó là một con số khổng lồ.

Để có được số tiền tham gia ở lần thứ 3, anh T vay bố và nhiều bạn bè. Anh cũng bán đi nguồn thu nhập chính của mình là salon tóc, nơi tạo ra công ăn việc làm cho chục nhân viên với giá 170 triệu đồng.

"Trước đây, trong mắt mọi người, tôi là chủ một cửa hàng tóc với cả chục nhân viên, người yêu xinh xắn, hiểu chuyện. Mọi người xung quanh tôi còn ngưỡng mộ khi tôi mua được đất đai ở Đại Thành, Quốc Oai, Hà Nội. Nhưng thực tế, tất cả chỉ là ảo ảnh. Số phận tiệm tóc ấy đã lung lay từ khi tôi tham gia Forex. Miếng đất kia cũng là ảo. Tôi chỉ nói dối bố mình để vay tiền đầu tư vào Forex", anh T cho biết.

"Sẽ có người cho rằng chỉ nợ 600-700 triệu tại sao phải chọn cách trốn chạy? Nhưng tôi thật sự hèn nhát. Tôi không dám đối diện với bố, với a T, em H…", chủ salon tóc nói thêm.

{keywords}
Forex là mảng đầu tư nhiều rủi ro. Tại Việt Nam, nhiều mô hình Forex biến tướng đánh vào sự thiếu hiểu biết của những nhà đầu tư không chuyên.

Chia sẻ với Zing, anh T cho rằng nếu không tham lam, anh có thể đã có một cuộc sống tốt hơn. Anh đã quá khát khao thành công, quá nóng vội và cái giá đang phải trả rất đắt nhưng xứng đáng.

Theo trải nghiệm của anh, Forex là thị trường đầy rẫy sự lọc lừa, dối trá, bịp bợm. "Đây là trò chơi tổng âm, chẳng có giá trị thặng dư nào cả. Dòng tiền chảy từ bên này sang bên kia rồi cũng bị trừ bớt bởi hàng loạt loại phí giao dịch, chênh lệch giá mua/bán, tỉ giá...", anh T nói.

Anh T hy vọng câu chuyện giúp người khác không phạm những sai lầm như mình. Anh từng chạy theo những cơn sốt kiếm tiền trên mạng xã hội mà không biết đó là thật hay ảo. “Tôi thường tự hỏi những nhà đầu tư Forex mà tôi nhìn thấy trên mạng xã hội họ có thật sự hạnh phúc, giàu có như những gì trên Facebook hay không?”, anh T nói.

"Mong muốn của tôi lúc này là được sống một cuộc đời bình dị. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi là khẩn cầu sự giúp đỡ của cộng đồng mạng. Bạn có thể chửi tôi, cười cợt, chế giễu… Tôi có thể nổi tiếng theo một cách đầy tai tiếng. Thế nhưng, tôi chỉ còn biết chọn cách này để tiếp tục được làm lại cuộc đời", nhà đầu tư này kết luận.

Các sàn Forex tại Việt Nam đều không được pháp luật công nhận

Ngày 2/3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đào Minh Tú cho biết việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh ngoại tệ trong nước và quốc tế đều phải do các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại được NHNN cấp phép, đủ các điều kiện mới được phép kinh doanh các loại hình dịch vụ này.

Đến nay, NHNN chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào ngoài những tổ chức tín dụng mà NHNN đã cấp phép.

“Vậy xin khẳng định rằng những tổ chức hoạt động sàn Forex hiện nay là hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật và tất nhiên những hoạt động này phải được xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tú nói.

Forex là tên viết tắt của Foreign Exchange (kinh doanh trao đổi ngoại tệ, ngoại hối). Trước đây, Forex được xem như mảng kinh doanh đặc thù của các ngân hàng, công ty tài chính khi tham gia mua bán, trao đổi tiền tệ trên thị trường ngoại hối. Vài năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã cho phép các công ty giao dịch trung gian tham gia thị trường và các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tại Việt Nam, mô hình Forex biến tướng khi đánh vào sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư không chuyên. Các sàn giao dịch được tạo ra hàng loạt mà không hề có uy tín. Với những người đầu tư thiếu kiến thức, sàn sẽ có sẵn các công cụ như copy lệnh từ các "nhà đầu tư lớn" hay đầu tư theo AI, robot. Kết quả, sau vài lần thắng, người chơi sẽ thất bại khi nâng số vốn đầu tư. Một số sàn khi đã đủ lớn sẽ "gặp các vấn đề" như bị hack, không cho rút tiền... để có lý do bỏ trốn.

(Theo Zing)