Sách mang lại nhiều lợi ích, không chỉ là nguồn kiến thức hữu ích, bài bản mà còn giúp hình thành thế giới quan và nhân cách. Thế nhưng, thói quen đọc sách của người Việt rất kém. Theo tôi, có hai lý do chính: một là thiếu môi trường để rèn giũa và nuôi dưỡng, hai là thiếu sự rèn luyện tự thân.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường có bố mẹ, thầy cô và mọi người xung quanh ham học, ham đọc sẽ xem sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ngược lại, những đứa trẻ sống trong môi trường người lớn ít đọc sách sẽ khó có niềm cảm hứng với sách. Cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của sách, sẽ truyền cảm hứng tới các con. Sự ảnh hưởng này không đến từ lời nói (thuyết giảng) mà phải bắt đầu từ hành động cụ thể.
Từ bé, sách có một vị trí đặc biệt, như một người lớn luôn nâng đỡ, giúp sức và chỉ đường cho tôi. Tôi duy trì thói quen đọc sách liên tục tới bây giờ đã được 13 năm. Nhờ sách, tôi lạc quan, tích cực vượt qua những năm tháng sinh viên đầy gian nan, thử thách.
Khi có con, tôi ý thức kiến tạo và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho bé. Cốm (con gái tôi) được bố mẹ đọc sách từ khi còn trong bụng. Tôi lựa chọn sách làm công cụ để thai giáo và đồng hành cùng với con. Cách làm rất đơn giản, cứ tới 20h30 phút là tôi đọc truyện cho con nghe. Tới 21h, tôi chúc con ngủ ngon. Tôi làm như thế cho đến khi con chào đời.
Nhờ có sách, con đi học được thầy cô đánh giá có tư duy ngôn ngữ tốt. Tôi không cho con đi học tiền tiểu học nhưng bé nắm bài và hiểu nhanh những gì cô giáo dạy. Tôi và chồng hạnh phúc vì sự đồng hành của bố mẹ đã cho con một nền tảng tốt khi bước vào giai đoạn tiểu học, nghe có vẻ phức tạp nhưng thực ra khá đơn giản, đây là bốn bước mà vợ chồng tôi cùng làm.
1. Nêu gương
Nhiều lời nói hay không bằng một việc làm đúng. Khi con thấy cha mẹ thường xuyên đọc sách con cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo.
Não bộ của con người có tế bào thần kinh gương, phản chiếu những điều ta nhìn thấy bên ngoài đời sống và vô tình bắt chước. Đây chính là việc bố mẹ tạo môi trường lý tưởng về mặt tinh thần để giúp con yêu thích sách. Giống như khi lên thư viện, thấy mọi người đều say sưa học tập, chúng ta cũng dễ bắt nhịp. Cha mẹ hãy biến ngôi nhà trở thành không gian nuôi dưỡng tri thức cho bé được tiếp nhận lợi ích tuyệt vời từ không gian này.
2. Tạo góc đọc sách
Vợ chồng tôi không những để sách xuất hiện khắp nơi mà còn có góc riêng đọc sách cho con. Tôi thường đặt sách ở vị trí vừa tầm với của con. Tôi bố trí riêng một giá sách nhỏ ba ngăn ở phòng khách, được sắp xếp và thay đổi mỗi tháng để con luôn bị thu hút. Con rất yêu thích góc riêng này vì có ghế đọc sách, chiếc đàn piano và những bức tranh con tự vẽ đều được treo lên một cách đầy trân trọng.
Con hào hứng với những bức tranh đẹp nên tôi cũng thường sắp xếp sao cho bìa sách bắt mắt lộ ra để bé tò mò lấy rồi đọc luôn. Trước kia, khi chưa biết chữ, con chủ yếu xem tranh nhưng giờ đây khi đã đọc trơn và hiểu tốt, bé thường đọc một mạch hết cuốn.
3. Tạo khung giờ đọc sách
Đi học về, con có thể đọc bất cứ cuốn sách nào nhưng 20h sẽ đọc sách cùng bố mẹ. Tùy thuộc vào độ tuổi của con, các cha mẹ có thể thiết kế việc đồng hành sao cho phù hợp. Khi con ở độ tuổi mầm non, vợ chồng tôi thường dành thời gian để đọc, tương tác cùng con. Thói quen này vẫn được gia đình duy trì tới bây giờ, khi con đã bước sang tuổi lên 7.
Khi con vào lớp 1, ngoài việc đọc và tương tác cùng con, tôi hướng dẫn cho bé cách đọc tác phẩm. Giọng đọc dẫn truyện thế nào, biến hóa và các nhân vật ra sao rồi cả gia đình cùng hóa thân vào câu chuyện. Niềm vui đó khiến con có động lực chinh phục những tác phẩm tiếp theo. Đặc biệt, cuốn nào cốt truyện thú vị, con lại đề xuất cả nhà cùng diễn kịch, màn kịch nào cũng cười ra nước mắt với những diễn viên không chuyên là bố mẹ.
4. Tạo trò chơi
Muốn giúp việc đọc sách trở nên thú vị, lôi cuốn, cha mẹ hãy biến nó thành những trò chơi bổ ích. Nhà tôi hay tổ chức cho con các trò chơi đơn giản như:
Ai là triệu phú: hỏi con một câu hỏi cùng với 4 đáp án để lựa chọn. Điều này vừa giúp con tập trung cao độ khi nghe vừa phát triển kỹ năng đọc hiểu và ghi nhớ.
Vòng quay kỳ diệu: cha mẹ làm ra một vòng quay như chiếc nón kỳ diệu mà trên đó sẽ có những câu hỏi xoay quanh cuốn sách. Con sẽ là người quay vòng, kim chỉ vào câu hỏi nào sẽ trả lời câu đó. Trả lời đúng con được tặng một mặt cười. Đủ 15 mặt cười con được bốc thăm phần thưởng.
Trò chơi này tôi tham khảo từ cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh. Cuốn sách mang tới cho cha mẹ rất nhiều trò chơi bổ ích, lý thú để song hành cùng con, giúp quá trình cùng xây dựng văn hóa đọc của cha mẹ và các con trở nên vui vẻ, ý nghĩa hơn.
Về phần thưởng, cha mẹ có thể dựa vào sở thích và mong muốn của con để thiết kế như đi công viên, cắm trại, xem phim, tham gia các chương trình mà con yêu thích… Sau khi được trải nghiệm niềm vui chiến thắng, động lực của con sẽ được tăng cao, con sẽ càng say mê, hứng thú với sách hơn.
Dĩ nhiên, đây là cách để kích thích sự hứng thú, say mê của con với sách ngắn hạn bởi vẫn là động lực bên ngoài. Điều quan trọng hơn cả cha mẹ giúp các con nhận thực được tầm quan trọng và giá trị mà sách mang lại (động lực bên trong). Từ đó, các bé sẽ duy trì thói quen này một cách lâu dài.
Độc giả có thể gửi ý kiến xoay quanh chủ đề "Làm thế nào để con thích đọc sách?" về địa chỉ: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!