Thời còn là sinh viên sư phạm Ngữ văn, tôi rất tâm đắc với câu nói của thầy mình: “Dạy học sinh giỏi thật ra rất nhàn, vì học sinh có sẵn nền tảng tri thức, thầy chỉ cần là người gợi ý. Nhưng dạy học sinh yếu lại hoàn toàn khác biệt. Các em không chỉ cần chúng ta trao truyền tri thức mà còn cần sự tận tình giúp đỡ, động viên về tinh thần. Chỉ cần các em nản, mọi nỗ lực của thầy cô xem như bằng không”.
Đó cũng là lí do suốt khoảng thời gian dài đi dạy, tôi thường quan tâm hỗ trợ các em học sinh yếu.
Cá nhân tôi cho rằng việc dạy học sinh yếu không chỉ dừng ở giới hạn kèm cặp về tri thức mà còn cần hỗ trợ về tinh thần, tiếp thêm ý chí, giúp các em tự tin vào bản thân.
Chính tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc về câu chuyện này.
Lớp tôi chủ nhiệm năm đó có một cô bé sống khép kín. Em hay cáu kỉnh, chẳng đáp lời bạn bè mỗi khi không làm được bài tập hoặc không thuộc bài.
Một lần, trong giờ học , bị bạn mách thầy cô việc không làm bài tập, em đã đánh bạn. Tôi buộc phải mời phụ huynh tới trường.
Trước mặt cô và mẹ, cô bé hất đổ chiếc bàn, người mẹ thì liên tục hét lên với con đến nỗi tôi phải yêu cầu mẹ bé rời đi.
Sau một lúc, cô trò hỏi han tâm sự, em nói vì không biết cách nên không làm bài tập. Tuy nhiên, lý do đánh bạn là cậu học trò cùng bàn không những mách thầy cô mà còn thường xuyên trêu chọc, kêu gọi các bạn tẩy chay em.
Tôi hỏi: “Sao con không nói với cô?”.
- "Vì cô sẽ không giải quyết. Không ai giải quyết”.
- "Sao con biết cô không giải quyết?".
- "Hồi tiểu học con đã mách nhiều rồi, không ai nghe hết, không ai giải quyết cũng như giúp đỡ gì hết...".
Tôi không bắt cô bé viết bản kiểm điểm, chỉ nắm tay một lúc rồi bảo về đi, 3 hôm sau ở lại nói chuyện với cô.
Hôm sau, tôi không phạt học sinh ấy, nhưng tôi yêu cầu cậu học trò trêu chọc kia phải xin lỗi cô bé vì đùa quá trớn, và cô bé phải xin lỗi vì đã đánh bạn.
Xong xuôi tôi hỏi: "Cô giải quyết vậy con thấy đã ổn chưa? Con hết cáu bạn chưa?".
- "Rồi ạ".
- "Lần sau con có thể nói với cô nếu xảy ra chuyện tương tự được không?".
- "Được ạ".
- “Còn về vấn đề học của con, con có muốn giải được bài tập, không bị bạn bè mách thầy cô không? Con hãy tham gia lớp học phụ đạo sau giờ học ở trường với cô”.
Cô bé gật đầu thay lời đáp.
Vì lời khen của cô mà con cố gắng
Kể từ hôm đó, em rất chăm chỉ đến lớp học phụ đạo, dẫu ban đầu kết quả đạt được chẳng là bao. Kín đáo quan sát, thi thoảng tôi lại thấy cô bé chán nản, ngồi thở dài hoặc nghịch tóc. Tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Biết tính em hay chán, tôi chia nhỏ lượng bài tập, chỉ yêu cầu cô bé viết đoạn văn ngắn hoặc đặt câu đơn giản. Tôi nhẫn nại cổ vũ, mỗi khi thấy em viết được dù chỉ một đoạn ngắn liền khen ngay: “Đúng rồi đấy! Con làm tiếp đi”.
Tôi biết một lời khen có hiệu quả giáo dục gấp nhiều lần so với những lời chỉ trích hoặc chê bai. Với học sinh cá biệt thì lời động viên, khích lệ còn như liều thuốc tinh thần giúp các em thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Khen ngợi kịp thời còn tạo động lực góp phần cho thúc đẩy quá trình học tập của các em mạnh mẽ hơn.
Cứ thế, cô trò kiên trì cùng nhau khoảng 2 tháng thì em bắt đầu có sự thay đổi. Học trò của tôi đã viết được những đoạn văn ngắn, cách diễn đạt cũng rành mạch, ý tưởng phong phú hơn. Hết năm học, khi chấm bài kiểm tra cuối kỳ, tôi vui mừng thấy bài làm của em liền mạch và tiến bộ hơn trước rất nhiều, dù đôi chỗ còn sai sót. Tính tình của em cũng dần trở nên hiền hoà, hiểu chuyện hơn.
Kết thúc buổi lễ tổng kết năm học, cô bé đứng chờ tôi bối rối nói: “Cám ơn cô. Trong năm học, con thấy nản do học yếu. Nhưng vì lời khen của cô mà con cố gắng. Trước giờ không ai khen con hết”.
Mấy lời giản đơn của học trò nhưng khiến tôi xúc động vô cùng.
Từ câu chuyện của cô bé, tôi nhận ra rằng mỗi nhà giáo trong quá trình giảng dạy phải tự điều chỉnh, thay đổi mình để phù hợp với đối tượng, đặc biệt khi giảng dạy học sinh yếu. Điều đó thể hiện tình yêu đích thực của mỗi giáo viên với nghề, thể hiện trách nhiệm với sự tiến bộ và tương lai học trò.
Nguyễn Hồng Anh (giáo viên Trường THCS Trần Bội Cơ, TP.HCM)
Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Có học sinh dốt thật không?", mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả. Địa chỉ email của chúng tôi: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |