Tôi hiện là giáo viên Toán THPT. Mấy hôm nay, đọc chia sẻ của nhiều bạn từng là giáo viên tại tuyến bài Giáo viên: Nơi thiếu, nơi không xin được việc, nghỉ việc, tôi cũng muốn kể câu chuyện của mình dù vẫn đang đi dạy và không có ý định bỏ nghề.

Cách đây hơn 20 năm, tôi đăng ký thi vào ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Cần Thơ dù quê ở tận một tỉnh miền Trung.

Tôi được "hướng nghiệp" vào ngành sư phạm khá đơn giản: Gia đình tôi thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn nên bố mẹ chỉ mong con vào được sư phạm để không tốn học phí. Hơn nữa, theo bố mẹ, ngành này có vẻ được bảo đảm, có uy tín trong xã hội. Công nghệ thông tin ngày đó chưa phát triển nên tôi cũng chẳng mấy biết về những ngành nghề khác nên thuận theo ý muốn của bố mẹ.

Còn vì sao tôi thi vào ngôi trường cách xa nhà gần 1.500 km? Vì do tôi muốn thi vào ngành Toán, nhưng không đủ tiền để đi luyện thi mà "chọi" với các bạn thi Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - những ngôi trường đào tạo sư phạm hàng top, có điểm ngành sư phạm Toán thuộc top 1 của trường. Tôi chọn Trường ĐH Cần Thơ để tăng khả năng trúng tuyển, và tôi trúng thật.

Sau 4 năm học, tôi tốt nghiệp và quyết định tìm việc ở trong Nam, cũng đơn giản là gia đình không có tiền "chạy" cho tôi vào một ngôi trường nào đó gần nhà. Đầu tiên, tôi xin việc ở Bến Tre, chỉ là nộp hồ sơ vào Sở GD-ĐT do biết đang tuyển giáo viên và tôi được nhận, phân về trường dạy học. Tuy nhiên, sau 3 tháng, tôi nghỉ việc bởi lương hợp đồng chỉ vài trăm nghìn, không đủ cho tôi trả tiền trọ và ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, lương nhận theo quý.

Sau đó, được bạn bè mách cho một địa phương ở Đông Nam Bộ (xin được giấu tên bởi tôi vẫn đang công tác) có thông báo tuyển giáo viên, tôi lại nộp hồ sơ ở Sở GD-ĐT và cũng được nhận. Sau đó, Sở phân công tôi về ngôi trường huyện, nơi tôi dạy từ đó đến giờ.

Xin khẳng định rằng cả hai nơi xin việc và được nhận, tôi đều không hề quen biết ai. Có lẽ ở trong này cơ chế thoáng hơn và địa phương thật sự đang cần giáo viên.

Nơi công tác mới, may mắn thay, có nhà tập thể cho giáo viên nên tôi đỡ được khoản tiền trọ. Lương lúc đó được hơn 800 nghìn đồng, còn chế độ 135 nên tổng thu nhập tôi được nhận là 1,4 triệu/tháng. Sau đó, qua dần các năm, tôi được vào biên chế, lương tăng theo quy định. Đến nay, sau 17 năm đi dạy, mỗi tháng tôi nhận hơn 9,7 triệu đồng.

Những áp lực khó nói hết bằng lời

Vài năm nay, do chương trình và SGK thay đổi, giáo viên chúng tôi phải học tập thêm, thay đổi phương pháp dạy cũng như nhiều vấn đề khác để bắt nhịp nên cũng khá vất vả.

Hàng ngày, bên cạnh giờ lên lớp, công việc của tôi rất nhiều. Gần như ngày nào cũng có văn bản, chỉ đạo mới, tôi thường xuyên phải để mắt tới các nhóm Zalo của lớp, của trường, của tổ chuyên môn để không bị bỏ lỡ thông tin. Các văn bản mới này cái thì phải truyền đạt tới học sinh, cái thì phải tham gia góp ý nếu không lại bị trừ điểm thi đua.

Hồ sơ sổ sách cũng lắm và tuần nào cũng có các cuộc họp, từ họp cơ quan đến họp tổ chuyên môn, đoàn thể và các buổi ôn thi học sinh giỏi. Ngoài ra, chúng tôi phải soạn bài với các loại giáo án - cái để đưa lên hệ thống, cái dành cho từng đối tượng học sinh giỏi hay kém, sau đó tìm bài luyện cho học sinh, soạn bài, chấm bài, tạo bài kiểm tra hàng tuần... Tôi nhìn điện thoại và máy tính suốt ngày. 

Hàng năm, nhà trường quy định giáo viên đăng ký chỉ tiêu thi đua, phấn đấu có bao nhiêu học sinh đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên. Tôi cho rằng làm gì cũng vẫn cần mục tiêu để phấn đấu, nên việc đăng ký thi đua như vậy là cần thiết. Nhưng đồng thời việc này thực hiện lại bị một số hạn chế, đặc biệt trong việc xử lý học sinh, nên thành ra kết quả đôi khi không thực chất. Đó là điều tôi cảm thấy mâu thuẫn.

Rồi có vô số các cuộc thi cho cả giáo viên và học sinh. Thầy cô đã được phân công ôn thi học sinh giỏi phải có giải, không những phải có mà còn phải có nhiều. Nếu không có, chúng tôi sẽ bị cấp trên sẽ nhắc nhở ngay. 

Tôi cũng dạy thêm vài buổi tối trong tuần, nhưng không đặt nặng vấn đề thu nhập ở mảng này. Thậm chí năm nay kinh tế khó khăn, số lượng học sinh giảm nhiều do bố mẹ các em thu nhập giảm. Tôi nói học sinh nếu gia đình khó quá cứ đến tôi dạy miễn phí, nhưng các em ngại nên bỏ học thêm khá nhiều.

Ngoài ra còn phải có thời gian cho gia đình, con cái. Do đó, thường khi xong hết mọi việc sớm cũng đã 23h và thường xuyên tôi phải thức tới quá nửa đêm.

Nhưng điều khiến tôi "bực bội" nhất khi theo nghề giáo là việc bị giới hạn khi xử lý học sinh. Dạy học sinh yếu với tôi rất mất sức bởi còn cả yếu tố cảm xúc. Với không ít em, giáo viên kiên nhẫn mềm mỏng mãi vẫn không chịu học, nhưng tôi không thể áp dụng biện pháp mạnh hơn để xử lý. 

Bây giờ giáo viên nói cũng phải khéo, không rất dễ mang tiếng "sỉ nhục, làm tổn thương" học sinh. Do đó nhiều khi tôi đành để nước chảy bèo trôi, đến đâu thì đến. Tôi đã luyện được cho mình cứ vào lớp là nở nụ cười, không dám cáu, không chê không đe nẹt, thường xuyên nhìn sắc mặt học sinh mà động viên.

Lúc đầu thấy không quen nhưng dần tôi nhận ra đúng là nên làm thế, như một cách truyền năng lượng tích cực cho cả lớp. Có điều kìm nén nhiều quá lại tổn thương tâm lý của mình. 

'Nghề tay trái giúp tôi làm những việc có khi cả đời đi dạy không làm nổi'

Nhận lương chưa đầy 10 triệu đồng/tháng nhưng cuộc sống hiện nay của tôi ổn, đúng công thức: 1 vợ, 2 con, 3 tầng, 4 bánh. Lý do là nhà vợ khéo buôn bán và tôi cũng có thêm nghề tay trái là "buôn đất" ngay từ những năm đầu đi dạy.

Bắt đầu từ những buổi đi cà phê, nghe bạn bè nói chuyện, tôi thấy mình làm được. Tôi quyết định vay ngân hàng để làm. Khi đó, chỉ vay được vài trăm triệu, chưa mấy hiểu biết cộng với công việc đi dạy bận rộn nên tôi chỉ túc tắc "đi buôn" ở mức độ kiểm soát được mọi việc.

Nhưng chắc tôi có duyên cả với đất đai, nên cứ mua đi bán lại, mỗi lô tôi kiếm một ít - gọi là ít nhưng có khi bằng vài năm đi dạy, thậm chí có tháng thu nhập của tôi bằng cả 10 năm đứng lớp. Cộng dồn từ đó, đến giờ có lẽ tài sản tôi có được từ đất còn nhiều hơn một đời đi dạy.

Do có nguồn thu nhập này, cuộc sống của tôi thoải mái hơn, làm được nhiều điều mong muốn cho gia đình và người thân.

Tại sao chúng tôi không nghỉ việc?

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc nghỉ dạy. 20 năm nữa mới tới tuổi nghỉ hưu - tôi không biết có đi được hết quãng đường trước mắt với kiểu làm việc vất vả thế này hay không, nhưng có điều chắc chắn là sẽ cố gắng đi dạy ít nhất đến khi các con học hết phổ thông. 

Tôi luôn xác định với nghề giáo, nếu không làm xuất sắc được, phải làm tốt nhất. Với tôi, đây là công việc ổn định, có thể giáo dục con cái không chạy theo vòng xoáy của đồng tiền. Đây cũng là nghề bố mẹ đã chọn cho nên tôi không muốn ông bà thất vọng. Nghề giáo cũng có chỗ đứng trong xã hội. Hơn nữa, thu nhập ngoài của gia đình đã ổn, tôi không bị thúc ép phải kiếm thêm tiền đến mức bỏ dạy. Nếu còn đi dạy, vị trí của tôi trong mắt người ngoài và cả người thân cũng sẽ khác với việc chỉ là một anh "cò đất".

Còn về những giáo viên khác mà tôi biết, với góc nhìn của tôi, từ khi thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT, có bài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khái niệm môn chính môn phụ ở THPT cũng không còn rõ ràng. Khi nhà trường tổ chức phụ đạo cho học sinh cuối cấp, hầu như thầy cô nào cũng được bố trí dạy thêm, từ đó có thêm thu nhập.

Những giáo viên ở bộ môn không thể dạy thêm, như môn Kỹ thuật, lãnh đạo trường tôi ưu tiên sắp xếp lịch dạy sao cho mỗi tuần chỉ phải đến trường 3, 4 buổi. Thời gian không phải lên lớp, họ có thể tranh thủ làm thêm việc này việc khác. Do đó, khi làm hơn chục năm, lương khoảng 8 triệu, họ cũng hài lòng nên không nghỉ việc.

Bởi bỏ đi thì biết làm gì? Buôn bán phải có duyên, có phúc phận của mỗi người. Tôi biết cũng có những người tập tành buôn đất đấy rồi nay chỉ lo trả lãi, lương hàng tháng không đủ trả lãi vay ngân hàng.

Mức lương của nhà giáo, nói đâu xa, đã hơn nhiều công nhân làm ở trong các khu công nghiệp quanh đây, mà rõ ràng là không vất vả bằng. Hay so với hoàn cảnh chung của người dân trong khu vực, có những người làm ngày nào mới có ăn ngày đó, giáo viên dù thiếu thốn nhưng vẫn có đồng lương để chi, để trông vào.

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: [email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn. 

Ghi theo lời kể của anh M.T (giáo viên THPT)