Cô giáo mẫu giáo cảnh báo nhiều lần: “Cả lớp Lá này, thậm chí cả 5 lớp Lá của trường mẫu giáo này, chỉ có riêng mình con của chị không học thêm tý nào. Nếu con chị không học trước, vào lớp 1 cháu sẽ mất tự tin và chán học, cô giáo sẽ phạt cháu thì sao?”.
Khi con chuẩn bị vào lớp 1, hầu như ai cũng giục tôi cho bé tập viết, tập đọc, học toán trước. Nhưng ngay từ mẫu giáo, tôi đã quán triệt rằng, việc học là của con, việc kiếm tiền là của mẹ. Những nhiệm vụ của con thì con phải tự chịu trách nhiệm, nếu con quên, hay cố tình không làm, thì con sẽ lãnh hậu quả!
Học sinh lớp 1 háo hức với lễ khai giảng năm học mới |
Để đối phó với việc con bị cô giáo kỳ thị, tôi dạy con cách hợp tác với giáo viên, cách đặt câu hỏi mà không làm cô cáu.
Nếu làm chậm, xin thêm thời gian, nếu làm sai, thì xin lỗi.
Nếu cô phạt thì con cứ khóc.
Nếu cô đánh vào tay thì cứ mềm tay ra, và sau đó tới giờ ra chơi thì xoa dầu vào chỗ đánh cho nhanh khỏi!
Tôi nghĩ, quan điểm về việc dạy học có thể khác khau, nhưng cũng không cần thiết phải đối đầu để gây ức chế cho cô giáo. Vì thế, khi con vào lớp 1, tôi gặp cô và trình bày một cách thật cầu thị rằng bé chưa học chữ trước, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn, rất mong cô kiên nhẫn. Tôi hứa hẹn sẽ hợp tác tốt với cô trong việc dạy con.
Và hai tuần đầu, khi con bắt đầu tập nét hất, nét móc thì các bạn đã đọc và viết ầm ầm. Giờ ra chơi, con tôi thường phải ngồi lại viết bài.
Nhiều người nói tôi ác, để con tự bơi giữa các bạn đã thành thạo, làm con mất tự tin ngay điểm xuất phát. Nhưng tôi nghĩ khác. Trước đó, tôi đã hay nói chuyện để con hiểu rằng, con không học trước cho nên con sẽ chậm hơn các bạn trong việc viết và đọc, nhưng bù lại, con và mẹ có nhiều thời gian đi chơi, đi du lịch, tập các môn thể thao như đạp xe, bơi, trượt patin, tập đàn, tập hát, tập vẽ…
Thế là, con tôi vô cùng háo hức vì mỗi ngày lại được cô dạy vô số thứ mới. Con vào vạch xuất phát bét lớp, nên mỗi ngày một tiến bộ.
Xuất phát chậm hơn, nên con lại càng tập trung học hơn. Tới tháng thứ 2 là con tôi đã không phải làm bài trong giờ ra chơi nữa, và bắt đầu học ngang hàng với bạn. Con tôi rất thích đi học, rất kính nể, nghe lời cô giáo... Bài tập về nhà con tự làm, thời khoá biểu tự soạn.
Còn tôi phụ cô theo cách khác. Ví dụ, tôi cho con chơi xếp hình để rèn kiên nhẫn, cẩn thận. Tôi cho con cầm dao thái rau củ, cho con rửa chén, quét nhà, nấu ăn, khâu vá… để luyện tay. Tôi đọc sách cho con nghe thường xuyên để cho con yêu việc đọc, tôi rèn phát âm chuẩn, khuyến khích con kể chuyện…
Tôi công khai không ủng hộ bài tập về nhà. Tôi chỉ cho phép làm bài tập về nhà tối đa 30 phút/ tối. Con tôi sợ cô giáo nên hôm nào có nhiều bài tập là phải cố gắng làm thật nhanh. Hết 30 phút chưa xong tôi cũng yêu cầu cất sách vở để đi ngủ đúng giờ. Vì đi ngủ đúng giờ quan trọng hơn!
Chúng ta kêu ca nhiều nhất về việc quá tải. Tôi nghĩ quá tải một phần rất lớn do chính phụ huynh ủng hộ nó. Nếu cô giao 3 bài, bé làm đủ 3 bài thì hôm sau cô sẽ giao 4 bài. Bé lại thức tới 11h đêm để hoàn thành đủ 4 bài, theo luật cung cầu và luật vừa sức, giáo viên sẽ giao lên 5 bài. Còn nếu cô giao 3 bài, mà sức bé không làm được, một lần, hai lần, nhiều học sinh cùng như thế, thì dần dần, cô sẽ phải giao ít bài lại.
Vì vậy, hãy để con học đúng với thực lực của mình. Tôi không thích tăng tốc, không thích dồn ép, kiên quyết không gồng, không rướn.
Tôi nhớ câu dẫn trong cuốn sách so sánh Giáo dục Việt Nam và Phần Lan của TS Nguyễn Khánh Trung: "Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng xa đích đến!". Đường học còn rất dài, còn suốt cả cuộc đời. Hãy để bé đặt bước chân khởi đầu vào lớp 1 bằng sự háo hức cuả một đứa trẻ khi được học điều mới mẻ, chứ không phải là cực hình khi phải ngồi yên trật tự nghe lại những điều cũ kỹ đã học mấy tháng trước.
- Thu Hà (TP HCM )
Bài cùng tác giả
|