Mấy ngày nay, dư luận sôi sục vì cuốn hồi ký “Thương Tín - Một đời giông bão” vì phơi bày nhiều sự thật khá khốc liệt về một thời không chỉ của diễn viên Thương Tín mà còn của nhiều phụ nữ khác trong đời Thương Tín. Một số người chê trách, nguyền rủa Thương Tín thậm tệ khi đưa những chuyện tình cảm thuộc dạng “sống để bụng, chết mang theo” ra trước thiên hạ. Nhà báo Đinh Thu Hiền, người chấp bút cuốn hồi ký này đã có cuộc trao đổi chân tình.
Nhà báo Đinh Thu Hiền trong những lần phỏng vấn Thương Tín. |
Người viết hồi ký phải có tâm thế của người viết sử
Cơ duyên nào khiến chị và Thương Tín thực hiện cuốn hồi ký này?
Là người thường viết chân dung các nhân vật nổi tiếng để đăng báo, tôi đã viết cả trăm nhân vật, trong đó có Thương Tín. Lúc đó, tôi thấy anh ấy đang có hoàn cảnh rất khó khăn, lại phải nuôi con nhỏ. Tôi thường gom những bộ đồ cũ và đồ chơi của con gái tôi để Thương Tín gửi về quê cho Kim Chi (người phụ nữ đang sống với Thương Tín hiện nay – PV) để Chi soạn lại cho con gái hai người. Có lần đến nhà tôi lấy đồ đem về cho con, anh ấy buột miệng: “Đời tôi đang phải trả giá, mà trả với “lãi suất” rất cao. Tôi đang sám hối và chấp nhận mọi thứ”. Rồi Thương Tín đã kể cho tôi nghe vài chuyện. Tôi nói, hay là anh viết hồi ký đi, có thể giải tỏa được ít nhiều. Thương Tín đã đồng ý và chúng tôi bắt tay vào thực hiện công việc. Thời điểm đó cách đây đã khoảng 2 năm rồi.
Công việc cụ thể như thế nào?
Đầu tiên chúng tôi ký kết hợp đồng sáng tạo tác phẩm do luật sư Lê Ngọc Luân soạn thảo và chứng kiến. Trong hợp đồng này có nhiều điều kiện ràng buộc giữa bên được thuê viết là tôi và người đi thuê là Thương Tín. Sau đó, hàng ngày Thương Tín kể, tôi ghi âm lại cẩn thận và sau đó về chép chi tiết ra rồi đưa lại cho Thương Tín xem. Anh ấy coi từng trang rất kỹ, đề nghị người này ghi tên tắt, người kia để tên thật. Trong quá trình thực hiện tôi luôn có một thái độ chân thành, lắng nghe và tôn trọng một cách trung thực tính cách nhân vật.
Nhưng Thương Tín là một nghệ sỹ, nhiều khi chỉ nói theo cảm hứng và không có sự sắp đặt trong mọi chi tiết. Chị phải thay đổi như thế nào?
Tôi không hề thay đổi những câu chuyện mà chỉ sắp xếp lại cho hợp lý. Một nhà phê bình văn học từng nói với tôi: “Người viết hồi ký phải đóng vai trò người viết sử” nên những chuyện Thương Tín kể tôi chép lại chính xác đến từng câu từng chữ. Chính vì thế khi cuốn hồi ký ra đời, tất cả bạn bè của anh ấy đọc xong đều thừa nhận giọng văn đúng là khẩu khí của Thương Tín. Chỉ có Thương Tín mới nói giọng như thế, nói kiểu như thế. Nếu lời văn mềm mại, mượt mà, văn hoa, thì đó không phải Thương Tín. Tính cách của Thương Tín có sao nói vậy, theo cách gọi của người Nam bộ.
Tôi đã từng nổi giận khi nghe Thương Tín kể chuyện
Chị đã phản ứng như thế nào khi nghe Thương Tín kể những chuyện tình của mình?
Thú thực ban đầu khi nghe Thương Tín kể về những mối tình, tôi cũng bị sốc kinh khủng. Yêu hết người nọ đến người kia, rồi không muốn có con, rồi chia tay. Tôi đã nổi giận. Nhưng sau khi nghe tất cả các câu chuyện, chứng kiến thái độ chân thành của anh, tôi đã chuyển dần sang trạng thái chia sẻ hơn. Nhiều bạn bè tôi nói, sao lại chấp bút làm gì, vất vả cả 2 năm trời. Ngồi sắp xếp tư liệu và viết cho anh ấy khiến tôi đã mắc chứng bệnh giãn tĩnh mạch, giờ luôn đau nhức. Tiền bạc viết sách, ai đã làm nghề thì biết, có được bao nhiêu đâu. Nhưng, hợp đồng thì đã ký không thể bỏ ngang. Và chính Thương Tín đã có lần nhắn tin cho tôi: “Em cố gắng thực hiện cho xong cuốn sách. Anh cảm giác đang ngồi trên một chuyến bay không khứ hồi, chắc cũng không còn bao lâu nữa…”. Nói như vậy thì ai nỡ nào bỏ ảnh, vậy là từ thái độ chán nản tôi lại lao vào làm, có khi thức đêm nhiều ngày để hoàn thành cuốn sách. Cuốn sách sau đó được chúng tôi ký bán bản quyền cho công ty sách Limbooks. Sau khi sách được bên công ty sách thẩm định, anh Tín còn đọc lại một lần cuối cùng, và trực tiếp ký vào từng trang bản thảo.
Nhưng Thương Tín đã nói anh làm cuốn sách cũng vì có chút tiền nuôi con. Chỉ vì điều đó mà Thương Tín lại có thể mang tất cả các chuyện riêng tư ra để kể hay sao? Chị nghĩ gì về việc này?
Mấy ngày nay tôi cũng nghe nhiều người nói về vấn đề này. Ngay cả trên mạng cũng có nhiều ý kiến cho rằng Thương Tín đã cố tình đưa những chuyện tình cũ ra để câu khách rồi thậm chí đào bới những quá khứ xấu xa, tệ hại ngày xưa để bán sách kiếm tiền. Nhưng điều đó là sai vì bản quyền sách đã bán cho công ty sách rồi, sách bán chạy hay bán ế thì Thương Tín cũng có được thêm đồng bạc nào nữa đâu. Có chút tiền bán bản quyền thì lại bỏ ra mua sách tặng bạn bè, người quen nên cũng hết.
Vậy thì Thương Tín viết cuối hồi ký để làm gì khi không có nhiều tiền lại gây thêm bão dư luận? Hay là anh ấy muốn đánh bóng tên tuổi để vào lại showbiz?
Đã vào cái tuổi 60, đầu hai thứ tóc như anh ấy rồi thì vào showbiz làm chi nữa. Tôi khẳng định Thương Tín viết cuốn hồi ký như là một lời sám hối, sám hối và ân hận vì những gì mình đã làm trong cuộc đời để rồi phải trả giá như thế nào. Mà khi đã sám hối thì người ta phải nói cụ thể là mình đã vi phạm cái gì, đã sai lầm ở những gì thì mới có cái mà sám hối chứ. Có người trách tại sao Thương Tín không viết về chuyện nghề, chuyện công việc đã đem lại thành công cho anh ấy mà lại toàn kể chuyện tình yêu lăng nhăng rồi ly dị, rồi không sinh con… Nhưng viết về kinh nghiệm công việc thì sẽ là nội dung một cuốn sách khác. Còn với cuốn này thì chỉ là các câu chuyện đời mà thôi. Ra cuốn sách, Thương Tín chỉ mong mọi người hãy nhìn vào các lỗi lầm của anh để mà rút ra bài học cho riêng mình: Hãy sống làm sao để rồi không phải trả giá nặng nề như Thương Tín.
Chị có biết đã có ý kiến cho rằng Thương Tín đã vi phạm pháp luật khi đưa những chuyện cá nhân của người khác vào hồi ký mà chưa được phép hay không? Rồi bản thân nhưng người phụ nữ đó và gia đình của họ sẽ phản ứng như thế nào về chuyện quá xưa thật xưa mà ai cũng muốn quên đi nhưng giờ lại có người bới lại?
Bìa cuốn sách “Thương Tín - Một đời giông bão”. |
Nhưng chính những chi tiết trong cuốn hồi ký có khi lại làm cho nhiều gia đình bị ảnh hưởng?
Sách đã ra mắt hơn 1 tháng nay. Những người phụ nữ trong hồi ký không phản ứng gì. Diễm My, một trong những người phụ nữ ấy cũng tới chia sẻ với Thương Tín. Vợ cũ của anh là Thủy Tiên cũng cho biết, Thương Tín đã nói sự thật. Và bà không bình luận gì thêm. Khái niệm đạo đức rộng lắm, Thương Tín đã nói rất gan ruột về những câu chuyện đó để mới có sự ân hận như hiện nay. Hai năm tôi ngồi lắng nghe và chép lại câu chuyện của anh ấy, tôi nghĩ mình đã hiểu được phần nào tính cách của Thương Tín: thật thà, chân thành nhưng rất ngây thơ, hồn nhiên. Tôi nghĩ có khi ngày xưa nhiều phụ nữ yêu Thương Tín cũng vì điều đó. Và giờ khi Thương Tín kể chuyện về họ thì họ cũng sẵn sàng tha thứ bởi tính cách của Thương Tín là như thế.
Một bộ phận dư luận hiện vẫn đang sôi sục về cuốn hồi ký này, chị nghĩ rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu?
Tôi nghĩ là sự thật khốc liệt đã khiến sự ái mộ thần tượng của một số khán giả sụp đổ. Cuộc đời mà, mặt trái của tâm huy chương đâu phải lúc nào cũng đẹp. Thương Tín đã từng nói anh ấy biết mình là ai và đang ở vị trí nào mà. Anh ấy không ảo tưởng về quá khứ vinh quang của mình và chấp nhận sống nghèo khó với những gì mình đang có, bắt đầu sống có trách nhiệm với gia đình. Như vậy là anh ấy đã thay đổi rất nhiều so với thời vinh quang ngày nào, điều đó là rất tốt chứ sao lại đáng trách. Anh ấy đã dám nói ra điều mà ít người dám nghĩ tới thì mọi người hãy cảm thông, chia sẻ với anh ấy chứ không phải tìm mọi cách moi móc, khích bác anh ấy. Nên tôi nghĩ moi chuyện nên dừng lại ở đây.
Mọi sự tùy duyên
Dư luận chỉ trích Thương Tín, chị có ân hận khi tham gia chấp bút cho cuốn hồi ký gây bão này không?
Tôi đã tham gia công việc này, nếu làm chưa tốt, chưa hay, thì phải rút kinh nghiệm. Nghề viết cần phải học cả đời. Tôi ghi nhận hết tất cả những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, của đồng nghiệp để hoàn thiện nghề viết của mình. Như là việc đưa tên tắt thống nhất các nhân vật liên quan trong cuốn sách, hoặc giản lược bớt đi hơn nữa, để phù hợp hơn, khéo léo hơn.
Có nhiều chi tiết chị giữ lại, không đưa vào cuốn sách hay không?
Thương Tín còn kể nhiều chuyện khác, tôi đã phải bỏ đi khá nhiều chi tiết mà chỉ giữ lại những gì có liên quan, đã làm ảnh hưởng đến tính cách con người và cuộc đời Thương Tín.
Trước đây chị đã từng được biết tới với hồi ký của ca sỹ Ái Vân, giờ lại đến Thương Tín. Chị có muốn làm một người viết hồi ký chuyên nghiệp hay không?
Ở Việt Nam chưa có các cây viết chuyên nghiệp viết hồi ký. Để làm người viết chuyên nghiệp còn cần học nhiều lắm. Tôi đang vừa tự học vừa làm. Có người này người kia nhờ tôi viết cho họ, nhưng hiện nay tôi chưa sắp xếp được thời gian. Công việc làm báo đã cuốn tôi đi hết ngày. Và còn phải chăm sóc con nhỏ nữa. Nên mọi sự để tùy duyên vậy.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này và mong rằng chị sẽ thành công!
Theo Tiền Phong