Nhà anh Tuấn có 2 chị em, bố mất sớm khi anh mới 12 tuổi. Chị gái anh Tuấn thì lấy chồng ở Quảng Bình rồi cùng chồng vào tận An Giang lập nghiệp (nuôi cá basa), rất ít khi có điều kiện về quê thăm mẹ già. Bản thân anh, từ ngày lên Hà Nội học đại học, rồi lập gia đình và sống ở Hà Nội cũng không có nhiều thời gian về quê chăm sóc mẹ.
Trước đây, khi gia đình anh có cháu nhỏ, mẹ anh vẫn còn khỏe nên có thể lên ở cùng và hỗ trợ vợ chồng anh chăm lo cho các con. Rồi khi các cháu đi học, bà lại về quê chăm chút mảnh vườn, thửa ruộng và sống một mình khiến anh cứ đau đáu chuyện báo hiếu và phụng dưỡng mẹ mà chưa biết làm sao cho trọn vẹn.
Thế rồi, khi những dự định chưa kịp thực hiện thì 2 tháng trước mẹ anh đột ngột bị tai biến. Ở cái tuổi 67, mẹ anh không phải quá già dù bao năm bà sống một mình nuôi con. Nhưng sau cơn bạo bệnh vừa qua, sức khỏe bà suy sụp hẳn dù chỉ bị tai biến nhẹ. Dù nhờ được dì ruột ở gần thỉnh thoảng chạy qua nhà thăm nom những lúc anh vắng nhà.
Tuy nhiên, việc phải chạy đi chạy lại giữa Hà Nội và Hưng Yên cùng với công việc cơ quan và gia đình khiến anh Tuấn kiệt sức. Mang việc muốn đưa mẹ lên viện dưỡng lão để tiện chăm sóc và cũng đỡ vất vả cho bản thân ra bàn với các dì ruột, các cô chú ở quê thì anh Tuấn đều nhận được những cái lắc đầu. Khi anh hỏi giải pháp cho tình thế của mình thì các cô chú cũng chẳng biết làm thế nào.
“Là chủ thể chính của câu chuyện, tôi đặt vấn đề với mẹ tôi – người rất thương tôi – và nói rõ những thuận lợi, khó khăn, hoàn cảnh gia đình và giải tỏa những vướng bận của cả 2 mẹ con. Mẹ tôi trầm ngâm một hồi, rồi bảo tôi ra thắp hương cho bố và quyết định sẽ nghe theo sự sắp xếp của tôi. Đêm hôm đó, hai mẹ con đã tâm sự cả đêm, mẹ nói nếu lên thành phố mẹ sẽ rất nhớ nhà. Sợ vườn tược bỏ hoang, sợ ban thờ tổ tiên lạnh lẽo…”, anh Tuấn kể.
Và trong hàng loạt nỗi sợ ấy, anh Tuấn kể: “Mẹ tôi có tiền sử bệnh tim, từng đặt 2 stent nên bà nói, chẳng may mất đột ngột thì sợ mang tiếng chết đường chết chợ, bị các cô chú chê cười tôi. Mẹ bảo, mình sống chết chẳng quan trọng, nhưng danh tiếng và nỗi vất vả của tôi thì bà sợ bị ảnh hưởng. Tôi ôm mẹ mà nước mắt cứ trào ra, bởi lúc nào bà cũng nghĩ cho tôi mà không bao giờ nghĩ riêng cho bản thân mình”.
Nói qua về cuộc sống cá nhân, anh Tuấn chia sẻ: Mình lấy vợ năm 2017 và có 2 cháu gái. Vợ buôn bán nhỏ, trong khi anh làm nhà nước. Về thời gian, do đặc thù gia đình anh phải đưa đón con cái khi rảnh và cũng hay phải đi công tác nên mọi gánh nặng dồn lên vai vợ. Về kinh tế, gia đình anh cũng không dư dả gì nhưng chu cấp dưỡng già cho mẹ thì anh làm được.
“Tuy nhiên, khó khăn nhất là khâu chăm sóc người ốm. Dù rất thương mẹ nhưng không phải việc gì đàn ông cũng có thể làm tốt được. Ví dụ chuyện vệ sinh hàng ngày, thay bỉm (đợt mẹ bị ốm nặng), tôi loay hoay và khá khó khăn. Nên khi vào các Viện dưỡng lão khảo sát, tôi được tư vấn về đội ngũ y tế, cơ sở vật chất, cách thức thăm nom khiến tôi rất an tâm và muốn mẹ được thụ hưởng điều kiện chăm sóc tốt nhất – điều mà tôi dù có tâm nhưng không thể trực tiếp làm được”, anh Tuấn nói như phân trần.
Thực sự, câu chuyện của anh Tuấn cũng đang là nỗi niềm của rất nhiều cặp vợ chồng đang bước vào lứa tuổi trung niên, khi mà con cái đang độ tuổi trưởng thành cần nuôi dưỡng uốn nắn, mẹ cha thì bước vào độ tuổi ốm đau cầm người chăm sóc. Việc các Viện dưỡng lão ra đời đã phần nào san sẻ được những vất vả cho nhiều gia đình. Hơn nữa, khi nhận thức về các Viện dưỡng lão dần thay đổi, câu chuyện đưa mẹ cha vào viện không còn là sự bạc đãi hay bất hiếu mà là sự phụng dưỡng và báo hiếu đúng cách thì người trong cuộc đã phần nào vơi bớt được những áp lực.