Hơn 30 năm kể từ khi bắt đầu đi dạy cho tới lúc nhận quyết định nghỉ hưu, chia sẻ với VietNamNet, cô Nguyễn Thị Thu Cúc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho biết rất hạnh phúc với nghề đã chọn.

Cô nói mình sống chân thật, giàu tình cảm và khi cần, vẫn có thể quyết liệt, quyết đoán bảo vệ lẽ phải..., dù có lúc "đang ở trong tâm bão dư luận đi chăng nữa".

Không quá khó khăn khi "cởi chiếc áo” hiệu trưởng

Cách đây vài tháng, chị đã nhận quyết định nghỉ hưu. Là một hiệu trưởng phổ thông có tiếng, khi cởi "chiếc áo" lãnh đạo, tâm trạng của chị thế nào? “Được chơi” khi nghỉ hưu có khiến chị trống rỗng?

- Cô Nguyễn Thị Thu Cúc: Quản lý một trường THPT là công việc rất áp lực với tất cả những ai đã từng làm hiệu trưởng. Tôi đã quen với áp lực đó trong 10 năm giữ nhiệm vụ này. Ngay giờ đây, tôi vẫn còn cảm giác về những lo toan cho công việc đầu năm học. 

{keywords}
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, từng là một giáo viên dạy giỏi, nguyên đại biểu Quốc hội...

Tôi nghĩ, cảm giác của mình cũng là cảm giác chung của bất kỳ người nào khi bước vào giai đoạn nghỉ ngơi sau khi đã cống hiến cho công việc. Tuy vậy, tôi đã dần bắt đầu làm quen với điều đó và thấy rất hạnh phúc, thanh thản. 

Tôi nhận quyết định nghỉ hưu từ đầu tháng 6/2017. Suốt hơn hai tháng qua, ngoài bàn giao công việc tôi vẫn phải hoàn tất một số nhiệm vụ thuộc về trách nhiệm của mình. Vì vậy, đến cuối tháng 7 tôi mới thật sự được nghỉ ngơi. (Cười)

Khi phải bàn giao một công việc đã trở nên thân quen cho người mới, chị có cảm thấy khó khăn không?

- Sao lại khó khăn khi việc bàn giao trách nhiệm cho đội ngũ kế cận vốn là một quy luật của xã hội? 

Bản thân tôi đã chuẩn bị tâm thế cho việc này và thấy rất thoải mái. Nhưng nếu chỉ bàn giao dựa trên thủ tục hành chính thì rất đơn giản. 

Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp những người kế cận nắm bắt nhanh chóng những đặc thù riêng của nhà trường, để Ban Giám hiệu cùng tập thể giáo viên tiếp tục có những bước đột phá nâng cao chất lượng đào tạo. 

Đón nhận phản ứng của dư luận thật không dễ dàng 

Chị là một nhà giáo thẳng thắn và được báo chí "ưu ái". Năm ngoái, khi phát biểu về dạy thêm, học thêm chị phải hứng chịu phản ứng khá mạnh từ dư luận. Lúc đó, chị có cảm xúc gì?

- Khi phát biểu về chủ trương dạy thêm, học thêm, tôi không nghĩ tới an toàn cho bản thân mình, mà chỉ nghĩ đây là tiếng nói khách quan của một người trong cuộc, để dư luận hiểu thêm về những bất cập trong công tác giáo dục hiện nay. 

Câu nói "Hãy đối thoại với chúng tôi" là tôi phát biểu trong cuộc họp của Sở GD-ĐT, vì tôi cho rằng khi đưa ra chủ trương nào cũng cần có sự đối thoại. Vì vậy khi trả lời báo chí tôi cũng nói trên tinh thần này. 

Trước phản ứng của dư luận, thật sự tôi rất buồn vì thấy mọi người chưa hiểu ý mình. Nhưng tôi cho rằng đó cũng là một cách "đối thoại" của dư luận, cho dù đón nhận điều đó với tôi chẳng dễ dàng gì.

Tuy nhiên, nếu bạn theo dõi sẽ thấy trong rất nhiều bình luận ném đá, thì cũng rất nhiều bình luận của học sinh và phụ huynh bảo vệ những nhà giáo chân chính chúng tôi. 

Tôi là giáo viên "lạc hậu" về công nghệ hiện đại, cách đây... hai tháng mới sử dụng Facebook cá nhân, vì tôi có hứa với học sinh khi nào nghỉ hưu sẽ tạo tài khoản Facebook để trò chuyện với các em.
Bây giờ, thật vui khi mỗi ngày mở Facebook lại có thêm những kỉ niệm đáng yêu với đám trò nhỏ của mình!

Lúc tôi đứng giữa tâm bão, học trò của trường Gia Định đã lên Confessions (trang tự thú vô danh) viết rằng "hãy bảo vệ cô giáo của mình, chúng ta không thể ngồi yên được”. Thậm chí có em còn nói sẽ tấn công lại, nhưng tôi đã can ngăn các em.

Ngay đầu tuần chào cờ hôm đó tôi đã tâm sự với học trò của mình rằng:

"Tụi con thấy dư luận nói về cô của mình không đúng và cô bị tổn thương, nhưng các con phải hiểu dư luận không biết cô Cúc là ai, dư luận chỉ biết rằng cô Cúc của các con đang đại diện cho những người dạy thêm, đang bảo vệ cho chuyện dạy thêm tiêu cực. 

Cô các con bị tổn thương, các con rất đau lòng, đúng không? Vậy mà hằng ngày cô vẫn đọc những bình luận của các con phê phán, ném đá các bạn khác dù các con không biết các bạn ấy là ai. Cô mong rằng các con hãy quan tâm đến văn hoá trên Facebook, đặc biệt khi phê phán một người thì cần phải cân nhắc, tìm hiểu sự việc vì không phải ai cũng có thể đứng dậy được sau khi bị tổn thương. Cô còn có các con, đồng nghiệp, phụ huynh an ủi, còn những bạn khác không có ai thì sao. Vì vậy cô đề nghị các con gỡ ngay những điều ấy xuống". 

Tôi đã nói với học trò mà như nói với chính bản thân mình.

Điều gì được chị rút ra từ sự việc này? 

- Thứ nhất, tôi cho rằng để hiểu cặn kẽ một vấn đề không phải là việc đơn giản. Qua trải nghiệm này tôi có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về các vấn đề mà ngành giáo dục đang phải đối mặt, hiểu thêm về dư luận xã hội, về đồng nghiệp, về học sinh,... của mình. Khi đã nhận thức sự việc một cách đầy đủ và khách quan chúng ta mới có thể đưa ra chính kiến hợp lý. 

{keywords}

Các thế hệ học trò Trường THPT Gia ĐỊnh coi cô Cúc là một người mẹ, người bạn lớn. 

Thứ hai, với vai trò là một giáo viên, tôi nghĩ quan trọng nhất là phải giáo dục, nhắc nhở học sinh của mình về các kĩ năng giao tiếp khi sử dụng mạng xã hội, sao cho thể hiện được ý kiến của mình mà không làm tổn thương đến người khác. Mặt khác cũng phải có kĩ năng tự bảo vệ, vượt qua những cảm xúc tiêu cực của chính mình để bình tĩnh giải quyết các vấn đề.

Có khi nào vì những phát biểu mà chị chịu áp lực từ cấp trên không? 

- Bao giờ tôi cũng cân nhắc trước khi đưa ra ý kiến, vì tôi luôn phát biểu trên quan điểm bảo vệ cái đúng, cái hợp lí và mong muốn được đối thoại. Và thực tế các cấp lãnh đạo cũng đồng quan điểm và ủng hộ chúng tôi. 

"Tôi đi trong chuyến xênh xang đầy đò"

Khi nhìn lại, chị thấy cuộc đời dạy học của mình như thế nào? 

Ngày hôm nay, khi nhìn lại, đôi khi tôi cũng có chút chạnh lòng vì thấy mình chưa trọn vẹn, chưa tròn với đồng nghiệp, với học trò và cả gia đình. Nhưng bắt đầu từ khi vừa ra trường, hàng ngày phải đạp xe từ thành phố hoặc đi xe đò từ trung tâm tới Hóc Môn dạy học, tôi đã luôn rất vui vì được đứng trên bục giảng. Hơn 30 năm công tác đã đem lại cho tôi thật nhiều niềm hạnh phúc của một nhà giáo. 

Mọi người ví nghề giáo như nghề lái đò, nhưng tôi tự hào vì mình luôn đi trong "những chuyến xênh xang đầy đò". Tôi đã được rất nhiều từ cuộc đời dạy học dù có lúc vẫn còn đôi chút trăn trở, buồn lòng.... Cho đến giờ phút này, tôi thật sự rất hạnh phúc với nghề. Nếu được chọn lại lần nữa, tôi vẫn chọn nghề dạy học.

Mỗi năm, trong bài phát biểu chia tay các thế hệ học sinh, tôi luôn nhắn nhủ các em "ra đi là để trở về", trở về để nhìn lại sự trưởng thành của chính mình và góp sức cùng các em thế hệ sau. 

Những kỷ niệm "lái đò" nào còn đọng lại trong chị?

- Nhiều người gặp tôi nói rằng “khi nào cũng thấy cô vui”, học trò thì nói “khi nào cũng thấy cô cười”, tôi trả lời với học trò "vì cô toàn chơi với tuổi teen, khi lứa học trò này ra trường thì lứa học trò khác vào, nên tâm hồn của cô teen suốt vậy". Đúng là chính các em đã làm tôi trẻ lòng.

{keywords}
Cô Cúc khóc trong ngày chia tay học sinh (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Như tôi đã chia sẻ ở trên, niềm hạnh phúc nhất của tôi cũng như các đồng nghiệp là được đứng trên bục giảng, để nhìn thấy sự trưởng thành của từng lứa học sinh. Tuy nhiên, điều khiến tôi vui nhất là được đồng hành cùng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Cách đây mấy năm, có một học sinh bị khuyết tật bẩm sinh và em phải viết bằng miệng tới xin học. Theo nguyên tắc, em không đủ điểm vào trường Gia Định. Khi phụ huynh bế em tới trường, tôi đã gợi ý nếu có thể hãy đưa con lên Sở GD-ĐT để lãnh đạo biết hoàn cảnh, và em đã được xét đặc cách vào trường Gia Định. Tôi đã xếp cho em vào học lớp chuyên hoá theo nguyện vọng của em. Hàng ngày, phụ huynh bế em tới trường, các bạn tiếp tục bế em vào lớp. Cứ thế ba năm học trôi qua, em đã sống trong tình yêu thương của thầy cô, bạn bè và hiện nay em đã học xong đại học và ra trường.

Một trường hợp khác hiện đang là sinh viên ngành y năm thứ 5. Cách đây 8 năm, khi nam sinh này vào học trường Gia Định được vài tháng thì mẹ qua đời vì bệnh ung thư, ba em đã qua đời trước đó. Em phải sống với gia đình người dì trong một căn phòng trọ, và hoàn cảnh của dì em cũng rất khó khăn, bán bánh mì lề đường để sống.

Chúng tôi đã theo em từ khi mẹ mất và nhà trường miễn hết toàn bộ kinh phí học tập, cấp học bổng cho em. Và tôi cũng là người trực tiếp dạy luyện thi môn hoá cho em. Sau đó, em thi đỗ đại học nhưng phải làm thêm để mưu sinh và có kinh phí học tập. Tôi nghĩ rằng nếu học y mà đi làm thêm nhiều quá thì không có thời gian để học, vì vậy, tôi xếp cho em làm quản sinh ở trung tâm dạy thêm, đồng thời tạo điều kiện cho em dạy kèm học sinh, khi rảnh em có thể học bài.

Tại trường Gia Định, 50% học sinh là con em gia đình lao động. Vì vậy nhà trường rất quan tâm đến việc giúp đỡ, tìm kiếm học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều em dù điều kiện khá giả nhưng lại gặp khó khăn về tinh thần. Chúng tôi luôn cố gắng để bù đắp cho các em những khoảng trống này. 

Vui nhất là khi nhìn thấy những nỗ lực và sự chăm sóc, yêu thương của mình dành cho các em đã không hoài phí.

Chị tự đánh giá mình như thế nào, và có biết học trò đánh giá ra sao về chị?

- Hạnh phúc của tôi là được đem lại niềm vui cho người khác. Tôi sống chân thật với bản thân mình. Tôi luôn công bằng với bản thân để thấy ưu điểm và hạn chế của mình. Tôi giàu tình cảm nhưng khi cần tôi vẫn có thể quyết liệt và quyết đoán bảo vệ lẽ phải. 

Các thế hệ học trò vẫn coi tôi là một người mẹ, người bạn lớn. Tôi vô cùng trân trọng những tình cảm đó. 

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Lê Huyền (Thực hiện)