- Cầm cuốn sổ đỏ trên tay, anh Đoàn Thanh Hà ở Hướng Hóa, Quảng Trị mơ cũng không dám nghĩ chỉ mất có 10 ngày, 4 lần đi lại là xong chuyện.

Đi làm sổ đỏ cho mảnh đất bé tí của gia đình, anh Hà từng không khỏi lo lắng, sợ cán bộ gây khó.

Bố anh Hà, ông Đoàn Thanh Tư kể, cách đây 5 năm, họ rất sợ khi đến cửa công quyền. Dù chưa hết giờ làm việc nhưng cán bộ không thích, nói "hết giờ hẹn", là phải chịu. 

Đến mức để muốn được việc, không ai dám ý kiến vì sợ lỡ mai mốt có chuyện thì hỏng việc. Nhiều người muốn góp ý thẳng nhưng rất sợ cán bộ.

"Dân sợ cán bộ chứ. Cán bộ là đầy tớ của dân nhưng hình như có cán bộ nghĩ mình là thầy tớ, dạy dỗ, quát nạt dân", ông Tư kể.

{keywords}
Ông Đoàn Thanh Tư: Dân sợ cán bộ chứ

Không khí nay có vẻ khác. Anh Hà kể khi đi làm hồ sơ không rành, có lúc viết sai, cán bộ nhiệt tình hướng dẫn viết lại. Lại còn mời dân uống nước.

"Tôi là nông dân. Tới đó cán bộ bảo gì mình làm thôi, chứ lấy tiền mô mà bồi dưỡng họ", anh Hà thật thà chia sẻ.

Chuyện gió đổi chiều ở cửa công quyền phải có cớ. Trong 1 năm qua, cũng như anh Hà, người dân Quảng Trị bắt đầu được trải nghiệm một hình thức giám sát chất lượng dịch vụ công bằng một công cụ hết sức đơn giản.

Đó là "chấm điểm" chính quyền qua điện thoại. Sau khi đi làm một dịch vụ công, người dân sẽ được nhận được một cú điện thoại nóng, đánh giá theo thang điểm (cao nhất là 10) về chất lượng dịch vụ. Dịch vụ tốt thì chấm cao, dân không hài lòng thì chấm thấp.

{keywords}
Bộ phận một cửa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

'Quân' gây khó, dân vất vả

Sáng kiến trên có tên gọi "Mscore - Dân chấm điểm", một công cụ khảo sát đánh giá của người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng các dịch vụ công do HĐND.

Sáng kiến do tỉnh Quảng Trị cùng tổ chức Oxfam, Trung tâm phân tích và dự báo thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội VN, chương trình Sáng kiến VN thuộc đại học Indiana (Mỹ) phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị nhắc lại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương mình trong 2 năm qua mà chán nản.

Nếu như năm 2013, Quảng Trị đứng thứ 58/63 tỉnh, thành, thuộc nhóm địa phương có năng lực cạnh tranh thấp thì năm 2014 cũng không nhích lên được bao nhiêu, chỉ đứng thứ 53, thuộc nhóm bị đánh giá "tương đối thấp" .

{keywords}
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng: Thủ tục hành chính không thông thoáng khó thu hút doanh nghiệp

Là một tỉnh nghèo, muốn có thêm nhiều khu công nghiệp, nhưng thủ tục hành chính không thông thoáng thì khó thu hút doanh nghiệp đầu tư.

"Tỉnh luôn cố mời gọi doanh nghiệp vào nhưng họ vào thì 'quân' của mình lại gây khó cho họ", ông Dũng nhớ lại.

Câu chuyện của cha con ông Tư, Hà kể trên với nỗi sợ chính quyền cách đây 5 năm là rất phổ biến. Nhiều xã ở Quảng Trị có đặc thù hạ tầng đường sá xa xôi, đi lại khó khăn.

Người dân lại không nắm hết pháp luật, đặc biệt ở Quảng Trị còn có nhiều người dân tộc thiểu số, ngôn ngữ bất đồng. Để lên đến huyện làm hồ sơ, thủ tục, người dân rất vất vả do sự chậm, trễ hẹn hồ sơ.

Anh Trần Bá Phong, một người dân ở huyện Hải Lăng làm nghề mộc. Muốn vay tiền làm ăn anh phải đặt sổ đỏ nhưng do mẹ già đứng tên sổ, ngân hàng quyết không cho anh vay.

Anh đến văn phòng "1 cửa" của huyện Hải Lăng để làm hồ sơ chuyển tên trong sổ đỏ nhưng bị hành đi lại, kéo dài đến 2 tháng. Trong lúc chờ sang tên sổ, để được việc nhanh chóng, anh Phong phải đi vay nóng bên ngoài mất 20 triệu đồng tiền lãi.

Không chỉ chậm trễ, cán bộ còn tỏ thái độ vô cảm. Lượng việc nhiều, không có thời gian giải quyết sự vụ cụ thể, nhiều cán bộ "chai lì" cảm xúc.

{keywords}

Nhiều lúc cán bộ nhận hồ sơ của dân rồi ghi giấy hẹn như một cái máy, không nhìn mặt dân, không biết dân là ai.

Tưởng chọc đùa

Không muốn mức độ cạnh tranh của tỉnh nhà be bét, cải thiện chậm trễ, nên khi nhận lời ngỏ thực hiện sáng kiến Mscore, ông Nguyễn Đức Dũng kể họ đã không chần chừ gật đầu tắp lự.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015, họ đã thí điểm thực hiện sáng kiến dân chấm điểm chính quyền và là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện ý tưởng này.

Ông Phạm Văn Quý ở huyện Gio Linh mô tả trải nghiệm của mình khi làm hồ sơ sổ đỏ là may mắn vì gặp những cán bộ nhiệt tình.

"Những gì mình chưa biết, họ bày cho cách làm. Nộp hồ sơ xong thì địa chính huyện về làm việc. Đi lại tổng cộng 3 lần, sau 2 tháng tôi có sổ đỏ", ông Quý phản ánh.

{keywords}
Ông Phạm Văn Quý: Sẵn sàng nói thẳng nếu cán bộ nhũng nhiễu

Người đàn ông này cho rằng, so với cách đây 5-10 năm, giờ đúng là đã khác và sẵn sàng nói thẳng nếu thấy cán bộ nhũng nhiễu.

"Tôi không sợ bị trả thù hay trù dập nữa. Người này làm sai tôi sẽ tìm người cao hơn, cần thì tôi lên thẳng Chủ tịch huyện phản ánh", ông Quý cho biết.

Nhắc lại sự trải nghiệm của mình, anh Đoàn Thanh Hà kể lần đầu nhận điện thoại hỏi chấm điểm bộ phận "1 cửa", anh ngớ ra tưởng "người mô gọi chọc đùa".

{keywords}
Anh Đoàn Thanh Hà: Chấm điểm chính quyền, tôi tưởng chọc đùa mà thiệt

"Cả đời tôi có biết mô ba chuyện này. Mới đây họ gọi lại, tôi chắc vậy là họ thiệt rồi, thì mình tiếc chi thời gian", người đàn ông vui vẻ nói.

Làm sổ đỏ suôn sẻ, anh Hà cho hay đã chấm điểm 10 cho bộ phận một cửa huyện Hướng Hóa.

"Nếu lần sau có bức xúc, tôi sẽ nói ngay. Mắc chi không nói, nói để họ sửa chứ. Tôi đã lưu lại số điện thoại, có người hỗ trợ mà", anh Hà cho hay.

Chung Hoàng - Thu Hằng

Tiếp: Chủ tịch huyện chờ dân 'chấm điểm'