"Lớp con lại đổi giáo viên", "Lớp con nóng nhưng không được bật điều hòa" "Lớp con bạn A, bạn B bị cô mắng..." - trước những điệp khúc sau mỗi buổi học về của con, tôi lại tìm cách "xoa dịu", có phần đứng về phía nhà trường để con không có suy nghĩ lệch lạc. Vì đơn giản con đang học trong mô hình trường học được cho là ưu tú của thành phố.
Nhưng con kể nhiều chuyện cũng làm người mẹ là tôi xao động, đặt vô số câu hỏi. Tôi chọn cách trao đổi với ban phụ huynh. Rất vui là mọi phản ánh đều được ban phụ huynh tiếp nhận, kết nối tới ban giám hiệu nhà trường.
Thay đổi như thế nào sau đó? Theo lời con kể thì lớp được hôm bật điều hòa, hôm lại không. Thầy cô lên lớp trò vừa kịp mến vì hợp cách dạy thì nhà trường lại "điều chuyển" sang lớp khác.
Việc điều chuyển này chẳng có gì đáng nói, nếu cô không có những lời lẽ "áp đặt" khiến học sinh phản ứng như: "Lớp dốt nhất khối, trò nghịch"...
Những bức xúc, chán nản không nhỏ từ phía học trò ở tuổi bắt đầu có chính kiến...cứ thế dội đến phụ huynh. Trưởng ban phụ huynh nói rằng đã trao đổi với ban giám hiệu những hiện tượng đó.
3 năm THCS, lớp con đổi 3 giáo viên chủ nhiệm, chưa kể giáo viên các môn toán, văn.... Trong số đó, có cô chuyển đi nơi khác.
Một số phụ huynh buộc phải tính đến việc chuyển cho con sang lớp khác (chắc do nghĩ lớp học có vấn đề). Những đứa trẻ đang thân nhau bỗng chuyển lớp trong tiếc nuối của các bạn ở lại. Chưa kể, lại có bạn ở trường khác "nhập cư" về.
Chuyện nhỏ đã thành chuyện không nhỏ diễn ra ở buổi họp phụ huynh.
Cô giáo chủ nhiệm điều hành khiến những người tham dự có cảm giác như cô bị "ép" nhận lớp chứ chẳng hào hứng gì. Cô nói trước buổi họp gồm cả những người ít tuổi hay lớn tuổi hơn mình bằng những lẽ thiếu mô phạm, không đúng với tên gọi "chất lượng cao" của trường học.
Ban phụ huynh nhìn nhau, khó chịu không tả được. Người này ủn người kia. Cuối cùng, tôi xin phép góp ý kiến.
"Xin phép được góp ý kiến nhỏ để cô hiểu trò hơn. Các cháu đang ở độ tuổi nhạy cảm, mọi lời lẽ của người lớn nếu không đúng sẽ khiến các cháu rơi vào mặc cảm. Học trò học ở đây nên được đối xử công bằng. Có thể một số thầy cô măc định lớp này dốt hơn lớp kia nhưng tôi nghĩ các thầy cô không nên nói ra quá nhiều. Cô này nhắc rồi, thì cô khác nên có cách nói khác. Các cháu học tốt là công các cô phần lớn, còn các cháu chưa tốt mong các cô có kèm cặp thêm...".
Vừa nói đến đó, cô giáo bỗng bật khóc. Tự dưng tôi bị cảm giác có lỗi. Những điều tôi nói không sai, mà đó là chưa nói hết những gì học trò, và các phụ huynh khác tâm tư nữa.
Tôi đứng nghe cô phân trần "Phụ huynh nói thế là phụ công các cô...". Rồi cô giải thích dài dòng.
Bỗng nhiên, tôi có cảm giác nếu cứ căng lên hơn thua với cô, không khí sẽ nặng nề hơn với các con khi lên lớp.
Nghĩ vậy, tôi chủ động nói lời xin lỗi cô và xin rút lại những gì đã nói trước cuộc họp.
Lúc đó, tôi cũng thoáng thất vọng vì nghĩ rằng cô không biết lắng nghe.
Cũng may mà buổi họp có cô giáo chủ nhiệm cũ dự để bàn giao. Cô cũng nêu ý kiến khiến cho không khí căng thẳng giảm xuống.
Sau cuộc họp, phụ huynh như được giải tỏa điều khó nói. Ít ra là đã có người nói hộ những điều mình không dám bày tỏ.
Nhưng có một kết quả khả quan hơn cả chính là cô chủ nhiệm. Dù bị ban giám hiệu nhắc nhở nhưng cô đã không để bụng.
Trong quãng thời gian sau đó, những lời đẹp về cô của con tôi và các bạn đã dần thế chỗ cho sự phàn nàn.
Tôi hiểu là cô đã lắng nghe và tự điều chỉnh mình sau đó.
Quan trọng hơn, cô đã đồng hành với trò hết 2 năm. Và trong kỳ thi vào lớp 10, học sinh của lớp đỗ vào trường luôn trong top 3 của thành phố với tỉ lệ cao.
Tôi kể câu chuyện trên để mong cô - trò - phụ huynh bớt "cái tôi" mà lắng nghe, để bớt các vụ bạo lực học đường, giáo viên cũng không phải rơi lệ vì những hành động nóng nảy và lời nói thiếu sư phạm, xúc phạm tới học sinh không nên có của chính mình.
Nam Anh
Buổi họp phụ huynh độc đáo của cô giáo tâm huyết
Giáo viên hướng dẫn học sinh vẽ ra giấy khổ lớn sơ đồ tư duy có hình ảnh minh họa ấn tượng; đến buổi họp phụ huynh sẽ tự lên trình bày trước mặt cha mẹ.