LỜI TÒA SOẠN

Một năm mới vừa sang, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Lựa chọn rực rỡ". Đó là những câu chuyện của các bệnh nhân từng đứng trước lằn ranh sinh tử, từng phải đối diện với những giây phút chỉ muốn chấm dứt cuộc đời mình. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, họ đã vượt qua và đang từng ngày tận hưởng những giây phút của cuộc đời.

Bài 1: 15 tuổi biết mình bị ung thư máu, tôi tưởng cuộc đời đã chấm dứt từ đây

Năm 2009, Hoàng Thị Trang (sinh năm 1991, quê Yên Bái) theo chồng về Hưng Yên làm dâu. 8 năm sau, thảm kịch xảy đến với cô. Vợ chồng Trang xảy ra mâu thuẫn, người đàn ông sống chung nhà ấy đã tưới xăng rồi châm lửa đốt cả hai.

Người chồng qua đời. Chị Hoàng Thị Trang trải qua 13 ngày hôn mê với 70% cơ thể bỏng nặng: mặt, cổ, ngực, tay biến dạng. Tại Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), chị nhận ra cuộc đời sẽ thay đổi hoàn toàn sau thảm kịch.

"Sau 2 tuần hôn mê, tôi tỉnh dậy với tay chân và cơ thể đau đớn, lở loét, băng bó toàn thân, lúc mê lúc tỉnh. Mẹ tôi phải bán đất bán nhà để cứu con gái. Xuất viện xong, chúng tôi không còn nơi để về, phải ở nhờ nhà cậu”, chị Trang nhớ lại. 

Trải qua 4 tháng điều trị và nhiều ca phẫu thuật tại Viện Bỏng quốc gia, chị Trang qua cơn thập tử nhất sinh nhưng khuôn mặt, tay chân, ngực bỏng rộp, lồi lõm. 

Chị đã tuyệt vọng, có lần nghĩ đến cái chết. Không ít nạn nhân bỏng nguy kịch cũng từng có suy nghĩ như vậy. Nhất là khi, người phụ nữ này từng rất xinh đẹp với chiếc răng khểnh duyên dáng, nụ cười tươi và dáng người thon thả. 

Những ngày nằm viện, chị cũng không hề biết sau ca đại phẫu để giữ tính mạng sẽ còn hàng chục ca mổ lớn nhỏ khác đang chờ. 

Trở về nhà, toàn thân chị đau nhức khi trời lạnh, lớp sẹo ngứa ngáy dữ dội khi trời nóng. Miệng co kéo, việc đơn giản như ăn uống cũng trở nên khó khăn.

Hai bên ngực, cổ và hai bên gò má nhăn nhúm, da cổ bị co kéo nặng nên ca phẫu thuật ghép da vùng này khiến chị sợ hãi nhất. Đôi tay cũng không còn nghe lời vì co rút, cử động thao tác không thể nhanh nhẹn như trước. 

Chị tránh mặt mọi người vì chằng chịt thương tích, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thời gian đầu, việc sinh hoạt, ăn uống của Trang đều do người mẹ một tay chăm sóc.

“Tay tôi cứng khớp, sẹo co rút, nhiều sẹo lồi do cơ địa. Khi nào thuận lợi, tôi sẽ sắp xếp để được phẫu thuật cắt sẹo giúp tay cảm thấy dễ chịu, cũng không làm gì hơn được nữa”, chị nói. 

Người phụ nữ cho biết các bác sĩ đã phẫu thuật để giúp chị phục hồi khuôn mặt và hạn chế biến chứng do sẹo. Trong năm 2023, chị trải qua 2 lần can thiệp để khuôn mặt hài hoà hơn, không còn bị to và lệch. Dự kiến, sẽ vẫn còn những lần phẫu thuật tạo hình tiếp theo.  

Tính đến hiện tại, người phụ nữ này đã kiên trì đi qua 24 lần vào phòng mổ để dần trở nên tự tin hơn về hình thể, sinh hoạt thuận tiện và chức năng cơ thể được phục hồi. 

“Mỗi ca mổ, mẹ tôi từ Yên Bái lại xuống Hà Nội hoặc vào TP.HCM để đưa tôi đi. Lần nào cũng thế, luôn có mẹ ở bên”, chị rưng rưng.

Ba năm sau thảm kịch, chị Trang vào TP.HCM vì không kiếm được việc làm tại Hà Nội. Chị nương náu ở Củ Chi, một huyện ngoại thành của đô thị hiện đại nhất nước. Chị bắt đầu quãng đời mới dù phải một thân một mình nơi đất khách. 

Nén nỗi đau thể xác, chị tìm đủ việc để trang trải cuộc sống. Biến cố lớn nhất của đời người phụ nữ đã đi qua được, chị lựa chọn cách nhìn thẳng về phía trước vì gia đình, vì chính bản thân mình. 

Mặc dù vậy, đôi khi, bóng tối của quá khứ vẫn đột ngột trở về.  

“Những trận đòn, những lời mắng chửi, sỉ nhục, đánh đập của người đàn ông đó, cảm giác bỏng rát đêm nào vẫn khiến tôi giật mình. Dù trí nhớ giảm sút, tính tình thay đổi nhiều, tâm trạng lúc này lúc khác, nhưng tôi không thể quên được những điều đó. Ám ảnh lắm”, chị kể. 

Chị Trang nỗ lực kiếm sống bằng việc bán hàng online, cũng là cách dành tiền cho các ca mổ chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Nhìn cô gái tươi tắn, lạc quan trước màn hình, khách hàng thêm cảm phục và “nổ” đơn liên tục. 

Có thời điểm, chị Trang một mình làm đến 3 công việc: bán online, buôn trái cây, bán trà sữa. 

“Để cứu sống tôi, mẹ không chỉ phải bán đất bán nhà mà còn phải vay mượn bên ngoài nên mang một khoản nợ. Khi đủ sức đi làm lại, tôi vừa kiếm tiền lo mổ, vừa lo trả nợ, cũng khá vất vả”, chị giải thích. 

Khi Bệnh viện 1A (TP.HCM) thông báo có đoàn từ thiện nước ngoài về, chị Trang và những người cùng hoàn cảnh lại gọi nhau đi đăng ký. Những ca phẫu thuật di chứng sẹo bỏng miễn phí là cơ hội giúp chị và người đồng cảnh có thể cử động tốt hơn, phục hồi phần nào việc vận động. 

Không có lý do để mặc cảm hay thu mình vì đã đi qua quãng đời khốc liệt một cách mạnh mẽ,  giờ đây, Facebook của Trang là hình ảnh cuộc sống vui vẻ của 3 mẹ con. Những lúc áp lực cuộc sống quá lớn, lúc yếu lòng và mệt mỏi, chị chọn cách đi du lịch một mình, ghi lại hình ảnh rạng rỡ nhất và chia sẻ cùng mọi người. 

Mạnh mẽ là vậy, nhưng trải qua 24 ca mổ, lần nào người phụ nữ này cũng sợ khi bước chân vào bệnh viện.

“Tôi ám ảnh khi thấy bác sĩ, nỗi sợ bắt đầu từ lúc lấy ven đến khi gây mê, từ lúc tiêm thuốc giảm đau đến lúc cơn đau ập về. Không biết bao nhiêu thuốc gây mê, thuốc giảm đau, kháng sinh đã được tiêm vào cơ thể mình nữa”, chị kể. 

Theo bác sĩ Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện 1A (TP.HCM), di chứng sẹo bỏng sẽ gây ra co rút các khớp, dính ngón tay chân khiến nạn nhân bị hạn chế vận động một phần hoặc hoàn toàn. Nếu không được phẫu thuật, bệnh nhân bị di chứng bỏng có thể sẽ trở nên tàn phế.

Tuy nhiên, để phẫu thuật chỉnh sửa di chứng sẹo bỏng, bệnh nhân cần có vùng da lành (chưa bị sẹo bỏng) đủ lớn để làm vật liệu tự thân cho phẫu thuật ghép da. Vì vậy, có những trường hợp khi đến bệnh viện, vết sẹo bỏng toàn thân hoặc đã phẫu thuật nhiều lần lấy hết vùng da lành, bác sĩ cũng không thể phẫu thuật được nữa. 

Bác sĩ Tuấn cho biết nhiều năm qua, Bệnh viện 1A cùng với nhiều đoàn từ thiện nước ngoài đã tổ chức phẫu thuật di chứng sẹo cho các nạn nhân bỏng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.  

“Nạn nhân bỏng thường phải phẫu thuật kéo dài, chi phí thường rất cao. Nếu không được phẫu thuật từ thiện, nhiều người sẽ không có cơ hội phục hồi”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Một ngày cuối năm, chị Trang tâm sự những ca mổ tới đây chủ yếu về mặt thẩm mỹ cho khuôn mặt, do đó sẽ tốn kém khá nhiều. Đôi tay co rút chờ đến ngày cắt sẹo để thao tác dễ hơn. 

Trong căn nhà nhỏ ở huyện Củ Chi, TP.HCM, chị vẫn cố gắng hết sức cho chính mình của hiện tại và luôn đau đáu tình thương hướng về quê nhà - nơi có mẹ và hai con luôn yêu thương mình vô điều kiện.