- Mẹ tôi đã khuất núi cách đây 3 năm nhưng những hồi ức về bà trong tôi chỉ là những nồi buồn nặng trĩu.

'Nếu xót mẹ, các cô đón bà về nhà mà nuôi'

Vào ngày làm lễ cúng 100 ngày cho bố, chị dâu tôi bảo, chị đã bàn với anh và đi đến quyết định sẽ đưa mẹ vào viện dưỡng lão.

'Bố vào viện dưỡng lão là bôi tro trát trấu vào mặt con'

Anh trai chồng tôi bảo, bố vào đó là “bôi tro trát trấu” vào mặt con cái. Để cho hàng xóm, họ hàng, bạn bè họ chửi vào mặt các con…

Mới đây, đọc những dòng chia sẻ trong bài viết 'Nếu xót mẹ, các cô đón bà về nhà mà nuôi', những hồi ức buồn lại hiện hữu trong tôi. 

Những năm cuối đời, mẹ tôi bị tai biến. 70 tuổi, mặc dù đầu óc minh mẫn nhưng bà bị liệt nửa người. Bà chỉ nằm một chỗ trên giường, mọi sinh hoạt như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh... đều phải nhờ người khác giúp đỡ.

Gia đình tôi gồm 5 chị em (3 gái, 2 trai). Em trai tôi công tác và định cư ở nước ngoài nên việc chăm mẹ chỉ do 4 chị em tôi đảm nhiệm.

Trước khi bị tai biến, mẹ tôi ở nhà anh cả. Bà thường đưa đón các cháu đi học, nấu cơm, dọn dẹp cửa nhà giúp anh chị trong thời gian dài. Khi mẹ phải nằm một chỗ, anh tôi đề xuất: "Các cô cũng đều đi lấy chồng, bận việc nhà chồng, con cái. Bấy lâu nay mẹ đã giúp đỡ anh chị, nay mẹ có bệnh trách nhiệm anh chị là phải chăm bà".

{keywords}
Ảnh minh họa

Nghe anh nói, chị em tôi cũng khá yên tâm bởi là thân con gái lấy chồng rồi, muốn lo cho cha mẹ đẻ chu tất là điều khó làm. Tuy nhiên, chị dâu tôi thoáng chút không vui bởi nói là anh chị nhưng hầu hết đều do chị dâu tôi đảm nhiệm, vì anh tôi làm quản lý ở một tập đoàn lớn, rất bận rộn.

Chúng tôi cũng biết ý nên cuối tuần hoặc lúc nào rảnh rỗi cũng sang hộ chị chăm mẹ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chị em tôi không khiến chị bớt bực dọc.

Chị thường than phiền việc buôn bán đã mệt mỏi (chị bán hàng tại nhà) lại thêm con cái, mẹ chồng. Chị kêu ca việc mẹ tôi đã đau ốm lại còn khó tính, khó chiều.

Mỗi lần thấy các con gái qua, mẹ tôi cũng nước mắt ngắn dài, than chị dâu đối xử với bà không ra gì. Bà nói rằng, chị dâu có thái độ hỗn xược với bà. Những khi bà muốn đi vệ sinh, gọi chị thì chị kêu "đang bận". Khi không nhịn được, mẹ tôi đi ra quần thì chị lại lớn tiếng trách móc, quát tháo. 

Bà kể, chị thường xuyên nói những câu bóng gió khiến bà chạnh lòng, như: "Tôi ăn ở đến nỗi nào đâu mà trời hành tôi khổ thế này" hoặc: "Kiếp trước chắc tôi nợ gì nhà bà nên giờ phải trả".

Cuối cùng, sau nhiều bận mẹ chồng con dâu cãi cọ, anh tôi quyết định thuê người giúp việc với giá 5 triệu/tháng.

Từ ngày có giúp việc, mọi việc cũng ổn hơn nhưng chị dâu tôi chưa thôi bực dọc. Chị nói: "Nhà người ta cha mẹ mua xe, mua nhà cho con cái chứ nhà này không hưởng được phúc đằng nội. Đã nuôi báo cô một bà già nay con cái còn phải gánh thêm người giúp việc".

Thế rồi chị tự ý cho người giúp việc nghỉ và thuê một người khác về chăm mẹ tôi với giá rẻ hơn, 2,5 triệu/tháng. Đây là một người họ hàng xa của chị dâu tôi ở quê lên.

Người mới này không được cẩn thận như người cũ. Mỗi lần mẹ tôi đi vệ sinh dây bẩn ra quần áo người ta cũng không vội thay. Mẹ tôi kêu khát nước người ta cũng buôn chuyện chán chê mới vào đưa.

Khi chúng tôi ý kiến thì chị ta than vãn rồi cho rằng: "Tiền nào của nấy, trả lương thế thì chỉ làm thế". Nhưng điều quan trọng nhất, người ta là họ hàng của chị dâu tôi. Chị dâu tôi cũng không buồn góp ý thì chúng tôi nói họ cũng đâu có nghe.

Nhiều lần sang thăm mẹ, tôi thấy mẹ đợi chị dâu đi khuất thì than đói, than khát nước. Tôi thấy mẹ càng gầy, quần áo mẹ lấm bẩn và căn phòng nồng nặc mùi khai, lòng tôi lại quặn thắt.

Tôi đang sống chung với nhà chồng, các chị khác mỗi người mỗi cảnh không ai chăm được mẹ nên mới cậy nhờ vào chị dâu. Vậy mà...

{keywords}
Ảnh minh họa

Trong lúc chúng tôi lòng như lửa đốt thì em trai tôi ở nước ngoài điện về. Em nói tôi đi tìm viện dưỡng lão cho mẹ, hết bao nhiêu chi phí em lo. Nhưng quan điểm đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão ở Việt Nam còn khá nặng nề, đặc biệt với một người tư tưởng phong kiến như anh cả tôi. 

Anh lớn tiếng: "Tao còn sống sờ sờ ra đây, đã chết đâu mà mẹ phải vào viện dưỡng lão? Đưa mẹ vào đó tao còn mặt mũi nào nhìn họ hàng, làng xóm". Là anh cả nói, chúng tôi nào dám cãi. Vậy là mẹ tôi lại tiếp tục sống những ngày đầy tủi hờn ấy. Nhưng rồi một chuyện lớn đã xảy ra. 

Lần đó mẹ tôi và chị dâu lại lớn tiếng. Tôi biết phần lớn lại là chị dâu bực dọc nên trút giận lên người mẹ. Nhưng hôm đấy, anh tôi có việc riêng nên về nhà sớm. Anh vào nhà thì nghe những lời không hay của vợ dành cho mẹ. Cùng lúc đó, chị cũng ném chiếc quần dính đầy phân bẩn lên người bà. Anh tôi vốn nóng tính đã lao vào tát vợ một cái như trời giáng rồi đuổi chị ra khỏi nhà.

Chị cũng uất hận bấy lâu nên dọn đồ đi luôn. Từ đó, anh chị sống ly thân. Biết chuyện anh chị, mẹ tôi càng buồn phiền hơn. Dù giận con dâu nhưng bà cũng tự trách mình đã làm tan vỡ hạnh phúc con cái. Thậm chí có lần tôi sang, bà còn nói: "Sao tôi sống đến giờ này mà trời chưa gọi? Tôi chết cho các anh, các chị đỡ mệt".

Có lẽ cũng vì tâm lý buồn phiền đó, bà ra đi chỉ sau đó nửa năm. Ngày bà mất, chị dâu tôi cũng không về chịu tang. Anh tôi trách vợ nên cũng không xuống nước xin lỗi. 3 năm nay họ vẫn chưa thể hàn gắn.

Bản thân chị em tôi cứ nghĩ về mẹ mà lòng không thôi áy náy. Giá như ngày đó, gửi bà vào viện dưỡng lão, có thể bà sẽ được sống những ngày cuối đời vui vẻ, trọn vẹn hơn. Bởi khi tinh thần thoải mái, bà chắc sẽ không bỏ chúng tôi đi sớm như vậy. 

Tôi nghĩ, gửi cha mẹ vào một nơi được phục vụ chu đáo như viện dưỡng lão cũng là một cách báo hiếu. Khi đó, chị dâu tôi cũng đỡ áp lực, bớt đi những ấm ức. Biết đâu, gia đình anh chị cũng vì thế mà không tan đàn xẻ nghé?

...
Chuyên đề "Người già và viện dưỡng lão" đang nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ độc giả. Bạn quan niệm thế nào về việc đưa cha, mẹ, người thân cao tuổi vào viện dưỡng lão? Bài viết chia sẻ xin gửi về cho chúng tôi theo email: [email protected]. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn!

Phương Mai (Hà Nội)