- Tôi thật sự không biết phải làm thế nào nữa nên mới nhờ tới luật sư tư vấn giúp. Tôi đang thực sự bế tắc đi không được ở cũng không xong. Tôi lấy chồng đã được 2 người con. Chồng tôi rất hay cờ bạc. Mỗi khi tôi làm được một món tiền chồng tôi biết thì tìm đủ mọi cách để lấy đi đánh bài. Nếu tôi không đưa thì chồng tôi chửi bới, đánh đập thậm chí đuổi cổ tôi ra đường giữa đêm hôm.
Tôi chẳng biết đi đâu vì cha mẹ đẻ tôi đã mất. Cha chồng tôi cũng đã mất chỉ còn mẹ chồng. Tôi tìm về nhà mẹ chồng thì chồng tôi tìm đến để đánh và đuổi tôi. Mẹ chồng tôi thương tôi nhưng bà già, cũng không thể giúp được tôi. Tôi đến nhà người thân cũng không ai dám chứa vì họ sợ chồng tôi tới quấy quả chửi bới người ta.
Tôi thật sự bế tắc, chồng tôi không cho tôi ly hôn nếu đòi ly hôn thì chồng tôi dọa này dọa kia. Tôi rất bế tắc, giờ tôi phải làm gì để thoát được cảnh này. Tôi tự ý ly hôn mà không cần sự đồng ý của chồng có được không? Tôi không cần hòa giải có được không? Có cách nào mà tòa cắt đứt luôn mà không liên quan đến chồng tôi được không? Bạn đọc Đồng Tháp
Tôi bị chồng sỉ nhục, lăng mạ phải làm sao? Ảnh minh họa. |
Luậ sư tư vấn:
Trước hết, tôi rất thông cảm và chia sẻ với sự bế tắc hiện tại về tình trạng hôn nhân của cô. Nếu hoàn cảnh ấy đã kéo dài và trở thành tính cách không thay đổi được của người chồng thì cuộc sống này thêm ngày tháng thì sẽ trở thành địa ngục trần gian. Vì con cái sẽ ngày càng lớn, cần phải tốn kém nhiều chi phí cho học hành, sinh hoạt mà chồng đã không giúp đỡ mà còn bòn rút lại dùng bạo hành như phương tiện thỏa mãn thì quyết định ly hôn sẽ là giải pháp tốt cho cô. Cô đã thắc mắc:
Tôi tự ý ly hôn mà không cần sự đồng ý của chồng có được không?
Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn...”
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì cô có quyền đơn phương ly hôn mà không cần phải được sự đồng ý của chồng.
Tôi không cần hòa giải có được không?
Theo quy định của pháp luật thì vấn đề hòa giải khi đơn phương ly hôn được quy định như sau:
Điều 52 Luật HN&GĐ quy định về hòa giải ở cơ sở như sau: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Và Điều 54 Luật HN&GĐ quy định về Hòa giải tại Tòa án như sau: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Như vậy, trước khi Tòa án ra bản án giải quyết cho ly hôn thì việc hòa giải tại Tòa án là yêu cầu bắt buộc, còn hòa giải ở cơ sở, tức là hòa giải ở UBND cấp xã/phường thì Nhà nước chỉ khuyến khích mà không bắt buộc. Do đó, cô có thể không cần hòa giải ở cơ sở mà tiến hành yêu cầu tòa án cho ly hôn. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của cô, Tòa án sẽ triệu tập cô và chồng để tiến hành hòa giải bắt buộc tại Tòa án, nếu hòa giải không thành và chồng cô không muốn ly hôn thì lúc đó Tòa án mới đưa vụ án ra xét xử để giải quyết yêu cầu ly hôn của cô. Nếu khi hòa giải mà chồng cô đồng ý ly hôn thì Tòa sẽ ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa cô và chồng về việc ly hôn. Quyết định này có giá trị như bản án.
Có cách nào mà tòa cắt đứt luôn mà không liên quan đến chồng tôi được không?
Việc đăng ký kết hôn và cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc kết hôn đó đã xác lập quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ Luật tố tụng Dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011(BLTTDS) thì “Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án 1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn...”.
Như vậy, việc giải quyết vấn đề ly hôn thuộc thẩm quyền của Tòa án, và như đã nói ở trên thì việc Tòa án cho ly hôn phải thực hiện theo trình tự thủ tục từ hòa giải cho đến khi đưa vụ án ra xét xử. Lưu ý, cả trong trường hợp 2 bên thuận tình ly hôn thì Tòa cũng thực hiện thủ tục hòa giải. Do đó việc giải quyết yêu cầu ly hôn của cô sẽ phải liên quan đến chồng.
Tuy nhiên, khi Tòa án triệu tập chồng cô hợp lệ đến lần thứ hai để hòa giải mà vẫn cố tình vắng mặt (Điều 182 BLTTDS) thì Tòa án có quyền đưa vụ án ra xét xử. Khi mở phiên tòa để giải quyết việc ly hôn của cô và tòa án đã triệu tập hợp lệ mà chồng cô vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt để giải quyết việc ly hôn cho cô (điểm b Khoản 2 Điều 199 BLTTDS).
Trên đây là những ý kiến tư vấn cho cô về những vấn đề thắc mắc. Hôn nhân là việc trọng đại, cô lại còn có 2 con nên mong rằng cô bình tĩnh và có những quyết định sáng suốt cho cuộc đời mình.
Tư vấn bởi Ls. Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật – Đoàn Luật Sư TP. HCM.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc