- Nghe những câu chuyện của con, tôi đâm suy nghĩ về cách thức dạy đạo đức trong nhà trường Việt Nam.
Ở trường trung học Riverside Military Academy con tôi từng du học, nơi chú trọng hàng đầu đến phát triển tính cách cho học sinh, không có môn đạo đức. Và theo tôi biết, tại Mỹ, đạo đức không phải là môn học riêng, mà được hòa vào trong giáo dục, vào những bài học, trải nghiệm thực tiễn.
Chẳng hạn, vào ngày kỷ niệm Mục sư Martin Luther King, học sinh trường con tôi tham gia một trò chơi. Mỗi cháu sẽ mặc áo thụng của mục sư, viết ý tưởng muốn thay đổi thế giới vào một tờ giấy, rồi ra ngoài cổng trường, dùng đinh đóng ý tưởng đó trên một tấm bảng. Đó là cách gieo mầm cho những nhà cải cách tương lai. Bởi các cháu đang sống trên mảnh đất mà Martin Luther King từng sống, từng mơ ước, và chiến đấu cho mơ ước của mình để xóa bỏ phân biệt chủng tộc.
"Tôi có một giấc mơ sẽ có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con cái của những người đã từng là nô lệ và con cái của những người đã từng là chủ nô sẽ có thể ngồi lại với nhau quanh chiếc bàn huynh đệ".
Học sinh trường Riverside Military Academy trong lễ diễu hành |
Mỗi sáng thức dậy, các cháu đều phải mặc đồng phục nghiêm chỉnh, phẳng phiu, giày đánh bóng. Các cháu phải học cách đứng trước một người khác sao cho lưng thẳng, mắt hướng về phía trước, tự tin và đường hoàng. Các cháu phải giữ cho phòng ở ngăn nắp, sạch sẽ, đi học đúng giờ, hoàn tất mọi nhiệm vụ trong ngày của một học sinh. Các cháu có thể học giỏi hoặc chưa giỏi, nhưng không được phân biệt, coi thường nhau và nhất là không được nói dối.
Nhà trường cũng cổ súy học sinh qua những tấm gương của sự hy sinh và chính trực. Mới đây, sau mấy chục năm ròng tìm kiếm, thi hài của một cựu sinh của trường đã được tìm thấy ở châu Âu. Đó là một học sinh từng đậu thủ khoa và được Đại học MIT gửi thư nhận học. Song ông lại chọn gia nhập quân đội trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và hy sinh khi đang lái máy bay tấn công địch ở nước Đức.
Nhà trường và gia đình đã tổ chức nghi lễ rất long trọng để đưa thi hài người anh hùng này về an nghỉ tại nghĩa trang quốc gia Arlington. Bên mộ phần, một học sinh nhỏ tuổi nhất trong trường thổi một hồi kèn tưởng nhớ ông. Đó là hồi kèn cuối cùng mà bất cứ học sinh nào của trường cũng sẽ nghe thấy vào ngày Lễ tốt nghiệp. Trường luôn lưu giữ danh sách từng cựu sinh gia nhập quân đội đã hy sinh cho đất nước và hàng năm đều làm lễ tri ân.
Từng học sinh ở đây đều hiểu rằng không chỉ là đi học, chúng đang bảo vệ một di sản có 110 năm lịch sử và là một phần của lịch sử đó. Như câu châm ngôn của nhà trường bằng tiếng Latin "Mens Sana In Corpore Sano" (Một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể cường tráng).
Chẳng thế mà khi ra trường, có cháu nhắn nhủ lại các em khóa sau: "Hãy bảo vệ tòa thành của chúng ta". Điều này có hai nghĩa, một là vì trường có hình dạng như một tòa thành và hai chính là các cháu muốn đàn em phải giữ gìn truyền thống. Tất cả rất tự nhiên, không ai ép buộc, không giáo điều, nhất là khi trong trường các cháu, đạo đức trở thành một lối sống được trân trọng và cổ súy.
Nghe những câu chuyện của con, tôi đâm suy nghĩ về cách thức dạy đạo đức trong nhà trường Việt Nam. Hiện nay chúng ta có môn Giáo dục công dân trong chương trình phổ thông, thậm chí có cả kỳ thi học sinh giỏi. Tuy nhiên môn học này đang gặp không ít vấn đề, bị coi là môn phụ, thậm chí là “phụ của phụ”, do đó hay bị mượn giờ, cắt bỏ, cho dạy kiêm nhiệm kiểu… ai dạy cũng được. Nhưng đau đầu không kém là nội dung, cách dạy các bài học rất khô cứng, giáo điều, thiếu thực hành.
Hồi tháng 11/2015, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận, Bộ và các nhà quản lý giáo dục cũng đã nhận thức được tình trạng yếu kém về giáo dục đạo đức trong trường học và sẽ cố gắng “sửa sai” ở lần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà toàn ngành này đang triển khai[1].
“Trong lĩnh vực giáo dục đạo đức, giờ đây mình vừa phải coi trọng giáo dục trong lớp, đồng thời coi trọng hơn hoạt động xã hội, những hoạt động trải nghiệm của học sinh. Cho học sinh hoạt động thật - tức là cho các em trải nghiệm thật cuộc sống xã hội, điều này có ý nghĩa rèn luyện kỹ năng sống và hình thành nền tảng đạo đức cho các em. Niềm tin của các em hình thành trong cuộc sống thật chứ không chỉ là từ rao giảng đạo đức trong lớp học”, vị quan chức Bộ chia sẻ.
Thẳng thắn nhìn nhận những bất ổn trong giáo dục đạo đức học đường là điều đáng mừng – bởi nền tảng nhân cách con người được xây đắp từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn vẫn là bao giờ chúng ta sẽ được chứng kiến những đổi thay, cải tiến thực sự từ quyết tâm “sửa sai” này?
Nguyễn Anh Thi
------
[1] Thất bại ở môn đạo đức, Thanh niên, 09/11/2015.
"Hãy gắn camera vào lương tâm của mỗi người"
Bàn tiếp về vấn nạn trẻ mầm non bị bạo hành, về các cơ sở mầm non chưa được chăm lo chu đáo bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng, lương tâm phải là yếu tố hàng đầu rồi mới tới trách nhiệm và pháp luật.
‘Lợn hai chuồng, rau hai luống’: Khi người ta ‘hồn nhiên’ làm cái ác
Khi nhiều người làm những việc có hại đến cộng đồng, đến đồng bào mà vẫn xem như không thì thật đáng sợ!
Bà nghi sát hại cháu: Khi mê tín biến thành cái ác tột cùng
Chúng ta bàng hoàng khi chứng kiến sự mê muội có thể dẫn một người đến tận cùng tội ác.