- Ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự cuộc họp báo kéo dài 30 phút.
Mở đầu họp báo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn chân thành, hoan nghênh nhiệt liệt báo chí trong và ngoài nước đã tham gia đưa tin về Đại hội 12, hết sức vất vả, căng thẳng tác nghiệp, cùng lúc lo nhiều việc đưa tin, viết bài.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Tổng bí thư nhấn mạnh, Đại hội nào cũng quan trọng nhưng Đại hội 12 đặc biệt quan trọng diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Sau hơn 8 ngày làm việc, Đại hội đã thành công, kết thúc rất tốt đẹp.
“Đại hội vỗ tay nhiều quá, dài quá, không khí rất hân hoan, phấn khởi. Tôi không quan sát hết nhưng nhà báo với đôi mắt tinh tường, đôi tai thính còn hiểu biết hơn tôi nhiều. Riêng tôi vui mừng và phấn khởi”, Tổng bí thư nói.
XEM CLIP:
Bất ngờ, xúc động, lo lắng
VTV: Xin cho biết cảm nghĩ của ông khi được tiếp tục được bầu làm người lãnh đạo?
Câu hỏi bất ngờ với tôi, khó trả lời. Tôi nghĩ thế nào, nói chân thành thế. Tôi cũng không ngờ mình lại được Đại hội tín nhiệm giới thiệu tôi, bầu tôi vào Ban chấp hành TƯ, được Ban chấp hành TƯ họp phiên thứ nhất bầu tôi làm Tổng bí thư.
Gần như 100% tuyệt đối, đấy là tôi bất ngờ. Bất ngờ vì tuổi tôi đã cao, có lẽ trong các vị lãnh đạo tuổi tôi là cao nhất. Sức khỏe, trình độ cũng có hạn và tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng trách nhiệm của Đảng giao thì chúng tôi với tư cách là đảng viên phải chấp hành.
Tôi xúc động trước tình cảm của đồng bào đồng chí anh em bạn bè quốc tế nhắn gửi bày tỏ tình cảm, giao trách nhiệm cho chúng tôi. Gọi là gửi gắm nhưng cũng là giao trách nhiệm, lo lắng. Bất ngờ, xúc động, lo lắng, vì công việc sắp tới còn nặng nề, phải gánh trách nhiệm lớn, trước tình hình diễn biến trong nước quốc tế thế này, thời cơ, thuận lợi có, thách thức, khó khăn nhiều, nhiều thứ phải làm, đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Người Lao động: Thưa Tổng bí thư, TƯ khóa 11 có nhiều đổi mới dân chủ như lấy tín nhiệm trong Đảng, chất vấn trong Đảng. Xin Tổng bí thư cho biết thêm những đổi mới trong Ban chấp hành TƯ 12 sắp tới như có tranh cử, bầu cử trực tiếp các chức danh của Đảng?
Câu hỏi không nằm trong phạm vi của Đại hội, Đại hội không làm việc đó. Nhưng đây là công việc thường xuyên làm, kể từ khi có Nghị quyết TƯ 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng có nhiều cái mới.
Tổng bí thư: Lo cán bộ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài |
Trong nhiệm kỳ qua có nhiều cái mới, nhất là việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4, lần đầu tiên trong lịch sử lấy phiếu tín nhiệm, đề nghị QH lấy phiếu tín nhiệm cơ quan công quyền, cơ quan lãnh đạo các cấp, kiểm nghiệm xem tín nhiệm của các đồng chí lãnh đạo đến đâu để kịp thời chấn chỉnh, làm quy hoạch cán bộ cấp chiến lược lần đầu tiên để làm công tác nhân sự Đại hội 12 diễn ra tốt đẹp, trọn vẹn.
Lần đầu tiên Ban chấp hành bầu một lần được đủ danh sách 19 người vào ủy viên Bộ Chính trị, khóa trước bầu thiếu, sau phải bổ sung.
Các chức danh bầu phiếu tập trung tại Đại hội này, bầu một lần được đủ 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết, phiếu cao, người thấp nhất cũng được trên 62%, dù quá bán chỉ lấy ngần đó thôi. Không khí đoàn kết, phấn khởi.
'Tre già măng mọc'
VnExpress: Khi nhận nhiệm vụ Tổng bí thư nhiệm kỳ khóa 11, Tổng bí thư có đánh giá chất vấn trong Đảng đảm bảo dân chủ nhưng khóa vừa qua còn làm khá ít. Tổng bí thư đánh giá thế nào hoạt động này trong nhiệm kỳ qua và việc thực hiện sắp tới trong nhiệm kỳ của ông?
Chất vấn trong Đảng mới thực hiện gần đây. Đây là nội dung quan trọng phát huy dân chủ mạnh mẽ trong sinh hoạt trong Đảng, là một hình thức thôi, là một hình thức giám sát của Ban chấp hành TƯ đối với các vị lãnh đạo.
"Bộ Chính trị lần này trẻ hóa nhiều" |
Chất vấn là hỏi và trả lời, làm rõ thêm, xem trách nhiệm đến đâu. Chất vấn trong Đảng mới làm. Hội nghị TƯ nào cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, tất nhiên chưa được nhiều lắm, thời gian có hạn.
Tôi cũng đã chất vấn, xin trả lời tại Hội nghị TƯ, chất vấn giải toả, giải đáp tâm tư thắc mắc, quan hệ anh em đồng chí tốt hơn. Theo quy chế làm việc sắp tới tiếp tục chất vấn. Nghị quyết TƯ 4 đề ra còn nhiều việc phải làm, phải kiên trì kiên quyết thực hiện, không phải làm một lần là xong, mới thôi, còn nhiều việc phải làm, đào tạo lựa chọn cán bộ, tạo điều kiện anh em trẻ vào cơ quan lãnh đạo nhiều hơn.
Bộ Chính trị lần này trẻ hóa nhiều, 19 đồng chí, chỉ còn 7 người ở lại, phần đông là trẻ như đồng chí Võ Văn Thưởng sinh năm 1970. Bộ Chính trị có 3 nữ, có bình đẳng giới không, chưa bao giờ có 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ. Trong Ban chấp hành TƯ thì có cán bộ nữ, cán bộ dân tộc...
Còn nhiều việc phải làm, nhất là trong công tác cán bộ, nhất là phát huy trách nhiệm người đứng đầu, giám sát quyền lực, hạn chế, kiểm soát được tham nhũng...
BBC Việt ngữ: Xin chúc mừng Tổng bí thư duy trì cương vị của mình. Mở đầu cuộc họp báo, ông nói tuổi nay đã cao so với nhiều người trong Bộ Chính trị, ông có nói đến thế hệ trẻ trong Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ này, Tổng bí thư có kế hoạch, lộ trình nào để tìm kiếm người có tài, đức, trẻ, gánh vác, kế nhiệm Tổng bí thư? Nếu có, lộ trình đó, kế hoạch đó bao lâu?
Nhiều đồng chí anh em chúc mừng tôi, không biết mừng hay lo. Tôi lo cho công việc sắp tới. Việc bạn nêu cũng là lo. Làm sao đào tạo bồi dưỡng được cán bộ trẻ. Đảng nói phải đào tạo được cán bộ trẻ, tre già măng mọc, liên tục kế thừa 3 độ tuổi, già quá không được, trẻ quá không được, như mũi tre 3 lớp, phải như thế mới ấm gốc bền vững, như thế mới phát triển bền vững được.
Lo cán bộ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, có kế hoạch. Vừa qua cố gắng làm một bước nhưng còn nhiều việc làm. Tỉ lệ trẻ còn ít trong cơ quan lãnh đạo, đòi hỏi phải có kế hoạch suy nghĩ đào tạo, phải có cái tâm, quan tâm chăm lo anh chị em trẻ, hiện nay trẻ nhiều, được đào tạo bài bản, trong Ban chấp hành TƯ, tỉ lệ tốt nghiệp đại học và trên đại học cao lắm, gần 100%, nhân tài không thiếu, lớp trẻ được tiếp xúc nhiều với phương tiện thông tin hiện đại, có nhiều kiến thức hơn chúng tôi ngày xưa.
Bao giờ hỏi kế hoạch hôm nay câu hỏi khó trả lời. Phải phải có kế hoạch, phải chuẩn bị bài bản, nếu bây giờ hứa 2 năm, 5-3 năm thì không khả thi, có cái gì đó ảo tưởng.
Đại hội dân chủ, đoàn kết
Dân Trí: Kết quả bầu cử của Ban chấp hành TƯ khoá 12 có đúng như phương án công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ khoá 11 trình tại Đại hội không?
Câu hỏi đi sâu công tác nhân sự. Bạn hỏi kết quả bầu cử có đúng phương hướng công tác nhân sự không, tôi xin đảm bảo 100% hoàn toàn đúng phương án công tác nhân sự.
Phương án rộng lắm, phương hướng, tiêu chuẩn, cơ cấu, tỉ lệ trẻ già... Đúng phương hướng, tiêu chuẩn, chọn ai, nhân sự nào, Ban chấp hành TƯ giới thiệu ra Đại hội là giới thiệu thêm, dù 1-2 người cũng đưa vào bỏ phiếu, báo cáo Đại hội, nếu cá nhân xin rút, người đề cử xin rút cũng báo cáo Đoàn chủ tịch, có người được nhiều phiếu hơn, được giới thiệu cũng báo cáo cả.
Theo quy chế bầu cử Đại hội, Đoàn chủ tịch xem xét ý kiến đề xuất giới thiệu, bày tỏ ý kiến, nhưng quyền quyết định là Đại hội, nhưng làm dân chủ không phải giơ tay ào ào, lập phiếu, bỏ phiếu kín, công bố xem Đại hội có cho đồng ý rút không. Đấy là chọn số ít.
Khi chọn số nhiều, số dư trên 30%, Đại hội theo Quy chế làm việc thông qua lấy ý kiến Đại hội lấy số dư không quá tối đa 30% để bầu tập trung, cũng lấy phiếu ý kiến Đại hội. Như thế vừa kết hợp giới thiệu Ban chấp hành khóa trước và tôn trọng ý kiến dân chủ của Đại hội, đại biểu, cộng vào danh sách bầu.
Cũng có người Ban chấp hành TƯ khoá cũ giới thiệu nhưng không trúng, cũng có người không được chuẩn bị lại trúng.
Có người nói dân chủ đến thế là cùng, không biết dân chủ thế nào hơn. Đại hội lần này là Đại hội biểu thị tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ.
Ai dân chủ hơn?
Hãng thông tấn Pháp AFP: Dưới sự lãnh đạo của ông và Bộ Chính trị mới, ông có nghĩ VN sẽ dân chủ, giàu mạnh hơn không?
Câu hỏi này cũng mang tầm chiến lược xa quá. Bạn nói là dưới sự lãnh đạo của tôi, thì tôi nói rằng cá nhân tôi là một bộ phận của tập thể. Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Chứ không để cá nhân độc đoán, chuyên quyền, mặc dù Đảng Cộng sản VN là một Đảng lãnh đạo, nhưng mà là lãnh đạo có dân chủ. Nhưng mà đồng thời phải đề cao trách nhiệm của cá nhân, nếu không làm hay, làm tốt, có kết quả thì vơ vào là công lao của cá nhân mình, còn làm không tốt thì đổ tại tập thể, không quy được trách nhiệm, chả thi hành kỷ luật được ai. Như thế cũng là dở.
Cái hay là phát huy vai trò người đứng đầu, nhưng phải phát huy dân chủ. Đứng đầu mà độc đoán chuyên quyền thì có gọi là dân chủ được không. Chả tiện nói một số nước nhưng cứ nhân danh dân chủ, nhưng cá nhân quyết định tất, thế thì ai dân chủ hơn ai?
Liệu sắp tới có giàu mạnh hơn, dân chủ hơn không, đó chính là mục tiêu trong Đại hội đã nói, và nêu trong chủ đề Đại hội. Đây là mục tiêu lâu dài, còn trước mắt là phấn đấu làm sao nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Dân chủ thì chắc là các bạn biết hơn tôi, qua sinh hoạt của QH, HĐND, các đoàn thể chính trị xã hội, có khác xa ngày xưa không? Nhưng mà làm sao vẫn phải có kỷ cương, một đất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định, không xây dựng phát triển được.
Dân chủ và kỷ cương phải đi liền với nhau, đừng nhấn mạnh tuyệt đối hóa mặt nào, sẽ dẫn đến phiến diện, thất bại.
Xuân Linh - Thủy Chung - Ảnh: Phạm Hải - Lê Anh Dũng
CLICK ẢNH DƯỚI ĐÂY ĐỂ XEM CHI TIẾT VỀ CÁC ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ: