- Lý giải nguyên nhân khiến tốc độ 3G của Việt Nam thuộc tốp cuối thế giới theo khảo sát của các hãng độc lập, dù thực tế không thấp đến như vậy, Cục Viễn thông cho rằng các nhà mạng đã thiết kế gói cước bất hợp lý.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban QLNN. |
Phát biểu tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 9/2016 của Bộ TT&TT chiều 5/10, ông Nguyễn Đức Trung, Cục Trưởng Cục Viễn thông đã nhắc đến câu chuyện nhiều bài báo gần đây phản ánh tốc độ 3G của Việt Nam quá thấp, thậm chí thấp nhất khu vực và thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Theo ông, Cục Viễn thông đã đi đo kiểm nhưng kết quả thực tế cao hơn khá nhiều so với con số trong các báo cáo này.
Lý giải nguyên nhân cho kết quả "lẹt đẹt" của 3G Việt Nam trong bảng xếp hạng của những hãng như Akamai, Ericsson..., ông Trung cho rằng, bên cạnh hạ tầng các nhà mạng vẫn còn yếu thì còn có một nguyên nhân là do thiết kế gói cước 3G của nhà mạng đang bất hợp lý. Sau khi người dùng dùng hết dung lượng tốc độ cao thì bị nhà mạng bóp băng thông khiến tốc độ tụt về rất thấp. Hệ quả là tốc độ trung bình của cả gói bị thấp, đôi khi chưa được một nửa so với tốc độ ban đầu.
"Nếu cứ thiết kế gói cước như vậy thì tới đây, khi triển khai 4G, tốc độ truy cập Internet cũng không cải thiện hơn được. Dư luận sẽ lại phản ứng", ông Trung cảnh báo các doanh nghiệp viễn thông.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng nhận định đây là vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam và không nên kéo dài. Ông đề nghị sớm tổ chức cuộc họp giữa Bộ TT&TT với các doanh nghiệp viễn thông để xem xét lại vấn đề thiết kế gói cước nói riêng và tốc độ 3G nói chung. "Nếu cần thiết, Bộ cũng sẽ phải có văn bản chấn chỉnh tốc độ 3G của các nhà mạng, không thể để tốc độ Việt Nam kém hơn cả Lào, Campuchia... được".
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng tốc độ 3G Việt Nam thực chất không thấp như công bố của các tổ chức quốc tế, tuy nhiên khi có thông tin như vậy, các đơn vị chức năng như Cục Viễn thông cần giải thích, làm rõ ngay với dư luận để tránh tác động tiêu cực đến hình ảnh thị trường.
Yêu cầu nhà mạng thu hồi SIM đã kích hoạt trước 1/1/2017
Tại Hội nghị, ông Trung cũng nhắc lại yêu cầu với các nhà mạng về việc đẩy nhanh thu hồi các SIM đã kích hoạt và lưu hành trên thị trường trước thời điểm nêu trên, theo đúng yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
"Các nhà mạng đã báo cáo tình hình về Cục Viễn thông trong tháng 9, tuy nhiên nhiều phương án thu hồi do nhà mạng đưa ra mang tính hình thức nhiều hơn", ông Trung thẳng thắn.
Trước đó, đại diện Viettel đề nghị Bộ sớm ban hành hướng dẫn để nhà mạng thu hồi SIM kịp thời hạn 1/1/2017, do số lượng SIM đang luân chuyển trên toàn mạng lưới đại lý của nhà mạng này lên tới 10 triệu SIM. Một số doanh nghiệp khác quan tâm đến hướng dẫn về tiêu chí thu hồi SIM, chi phí thu hồi...
Liên quan đến những câu hỏi này, ông Trung nhấn mạnh, trước đây Doanh nghiệp tự ký với các đại lý để phát hành SIM, do đó, việc thu hồi sẽ do doanh nghiệp tự tiến hành hoàn toàn, không cần hướng dẫn.
Tái khẳng định quyết tâm của Bộ TT&TT đối với chính sách thu hồi SIM kích hoạt sai quy định đang lưu hành trên thị trường, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị chức năng, các nhà mạng phải triển khai quyết liệt, nghiêm túc yêu cầu từ phía Chính phủ này. Để thống nhất trách nhiệm về một mối, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phan Tâm trực tiếp phụ trách, đôn đốc chiến dịch thu hồi SIM.
T.C