Xin chào những người làm CNTT Việt Nam. Chúng ta cùng tụ hội về đây, trên mảnh đất của Phú Yên, để chia sẻ, để bàn về những câu chuyện của chính chúng ta, để khi ra về, chúng ta sẽ có thêm việc mới, cách làm mới, động lực mới, và chúng ta hy vọng công cuộc IT hoá, công cuộc chuyển đổi số sẽ đi nhanh hơn.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT-TT lần thứ 23, năm 2019. |
Hôm nay là ngày hội lớn nhất của những người làm CNTT trên toàn quốc. Hầu hết đại diện các tỉnh thành đều có mặt tại đây, để chia sẻ câu chuyện của mình, để học hỏi bạn bè mình, để cảm nhận ngôi nhà CNTT Việt Nam thật to lớn và thật ấm áp.
Cách mà chúng ta tổ chức hội thảo tại các địa phương, đi tới địa phương, nhất là những địa phương khó khăn nhất, tập trung vào người thật, việc thật, ai làm thì nói, nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, các TT CNTT, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu là một cách làm độc đáo, khác biệt và thiết thực.
Bước tiếp theo của CNTT là chuyển đổi số. Đây là sự chuyển dịch mang tính cách mạng, sẽ làm thay đổi diện mạo của đất nước. Sứ mạng ấy được trao cho những người làm CNTT, những người làm công nghệ số nói chung. Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia để ban hành trong năm nay. Chuyển đổi số sẽ là nhiệm vụ mới, thách thức mới cho chúng ta, nhưng cũng chính do thách thức này mà lực lượng làm CNTT của nước nhà sẽ có bước phát triển mới.
Tôi xin phép nói một chút về định hướng ICT của Bộ TT&TT.
Bộ thông tin và truyền thông là một bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT. Sứ mạng của Bộ TT&TT là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ICT sẽ là nền tảng của kinh tế số, xã hội số, CMCN 4.0.
5 lĩnh vực ICT bao gồm: Thứ nhất là Bưu chính với định hướng là hạ tầng cho thương mại điện tử. Thứ hai là Viễn thông với định hướng chuyển từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT. Thứ ba là CNTT với định hướng Chính phủ điện tử, Đô thị thông minh, Chuyển đổi số, Kinh tế số, Xã hội số. Thứ tư là An toàn, an ninh mạng với định hướng bảo đảm an toàn cho công cuộc chuyển đổi số. Thứ năm là Công nghiệp ICT với định hướng phát triển 100.000 doanh nghiệp ICT. Cả năm lĩnh vực này cần phải được đầu tư trước, đi trước để thay đổi thứ hạng ICT của Việt Nam đang từ 108 lên thành top 50, top 30.
Bộ TT&TT sẽ đóng vai một cửa cho các doanh nghiệp, các tổ chức làm CNTT-TT, tiếp nhận, lắng nghe các vấn đề của ngành, giải quyết và tham mưu Chính phủ giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Bộ cũng sẽ đóng vai trò nhạc trưởng về phát triển ICT. Sau Hội thảo này, tôi đề nghị Hội tin học tổng hợp lại các kiến nghị chính sách và gửi về Vụ CNTT của Bộ.
Sau đây, tôi xin phép nói về chuyển đổi số.
200 năm qua, thế giới đã đi qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, đó là cơ giới hoá, điện khí hoá và tự động hoá, và nay là cuộc cách mạng về số hoá. Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là khi một số công nghệ đột phá của cuộc CMCN lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản kinh tế, văn hoá và xã hội.
Digitization, Digitalization và Digital Transformation là các cấp độ số hoá. Thí dụ về Digitization là số hoá văn bản để lưu trữ và xử lý. Thí dụ về Digitalization là ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động của một tổ chức được hiệu quả hơn. Digital Transformation, hay chuyển đổi số, là quá trình chuyển đổi cơ bản các hoạt động kinh tế và xã hội sang môi trường số, là khi phải thay đổi các mối quan hệ trong môi trường số, thí dụ như taxi công nghệ.
Chuyển đổi số bao gồm bước một là số hoá. Không chỉ con người được số hoá mà tất cả các vật vô tri vô giác sẽ được số hoá. Bước hai của chuyển đổi số là hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.
Hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải phát triển 100.000 DN ICT, nhất là các doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố, tập trung làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực KT-VH-XH.
Đào tạo 1000 cán bộ chuyên gia về chuyển đổi số, phân tán ở tất cả các ban, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, đây là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt và lan toả. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và do vậy, vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng, để nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm tốt.
Cách để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số là phát triển các Platform. Mỗi Platform phục vụ cho hàng trăm ngàn người, hàng ngàn tổ chức chuyển đổi số.
Các yếu tố nền tảng của chuyển đổi số là Thể chế, Hạ tầng, Đổi mới sáng tạo, An ninh an toàn mạng, Doanh nghiệp ICT và Đào tạo. Chúng ta sẽ được nghe Bộ TT&TT trình bày Đề án Chuyển đổi số ngay sau đây.
Chúng ta đang ở miền Trung, tôi xin phép nói một chút về miền Trung.
Thứ nhất, các tỉnh miền Trung có lợi thế lớn nhất là về nhân lực, cần cù, ham học, học giỏi, có ý chí vươn lên. Chính nắng lửa, gió cát và khó khăn đã ban tặng cho miền Trung một tài nguyên vô giá, đó là con người kiên cường. Trời Đất vốn rất công bằng, lấy đi của ai cái gì thì rồi cũng cho lại một cái khác. Vấn đề là ta có tìm ra cái được cho đó hay không, tìm đúng thì sẽ phát triển lên được. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng về công nghệ, nhất là các công nghệ số, cái quyết định không phải máy móc mà là trí tuệ con người. Các tỉnh miền Trung có nhân lực phù hợp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các trung tâm phát triển công nghệ 4.0. Thí dụ, tại Bình Định, FPT đang đầu tư phát triển AI, TMA đang đầu tư phát triển công nghệ cao. Bởi vậy, tập trung cho đào tạo, từ phổ thông tới đại học, khơi dậy tinh thần ham học, kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty lớn tới đây đầu tư nghiên cứu phát triển có thể sẽ là con đường đi căn cơ cho miền Trung. Các trường đại học chất lượng cao miền Trung sẽ là nhân tố quan trọng.
Thứ hai, hạ tầng viễn thông-CNTT là nền tảng của kinh tế số và xã hội số, do vậy cần được đầu tư đi trước. Các tỉnh miền Trung lại càng phải dựa vào hạ tầng số, công nghệ số để giải quyết các vấn đề của mình và để phát triển. Đầu tư hạ tầng số chỉ khoảng 1/10-1/20 so với hạ tầng giao thông. Muốn là trung tâm phát triển công nghệ thì điều kiện tiên quyết là hạ tầng VT-CNTT. Các tỉnh miền Trung cần phải đi đầu về VT-CNTT. Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo xây dựng miền Trung thành một Hub về ICT, kết nối quốc tế.
Thứ ba, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; Đô thị thông minh tiến tới xã hội số; Chuyển đổi số tiến tới kinh tế số, xã hội số. Các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể đi đầu, đi trước, đi nhanh hơn về các nội dung trên, và chỉ có như vậy các tỉnh miền Trung mới bứt phá lên được. Càng khó khăn thì càng phải đi đầu, càng phải ứng dụng công nghệ mới, và càng có cơ hội để công nghệ mới, mô hình mới mang lại giá trị lớn. Thí dụ, tỉnh đi đầu về Đô thị thông minh và đạt kết quả tốt nhất đến thời điểm hiện tại, là một tỉnh miền Trung, đó là Thừa Thiên Huế.
Thứ tư, cuộc cách mạng 4.0 còn là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế. Rất nhiều mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới xuất hiện. Các tỉnh miền Trung không có nhiều thứ để mất, và vì vậy có thể chấp nhận cái mới nhanh hơn. Chấp nhận cái mới thì công nghệ mới, nhân tài công nghệ, doanh nghiệp công nghệ sẽ về miền Trung. Đổi mới sáng tạo cả về công nghệ, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị sẽ giúp miền Trung bứt phá. Thị trường 20 triệu dân của miền Trung là đủ lớn để làm cái nôi phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới.
Thứ năm, chuyển đổi số sẽ cần rất nhiều doanh nghiệp công nghệ địa phương, qui mô không cần lớn, để tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai công nghệ, đưa công nghệ ứng dụng vào mọi lĩnh vực KT-VH-XH, từ trung tâm thành phố tới các bản làng. Bởi vậy, các tỉnh miền Trung cần có kế hoạch phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Cứ 1000 người dân thì phải có 1 doanh nghiệp công nghệ địa phương.
Thứ sáu, báo chí, truyền thông của tỉnh phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, không để dòng phụ thành dòng chính, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo khát vọng vươn lên của tỉnh. Có được cái này chính là có được sức mạnh tinh thần, có được sức mạnh đại đoàn kết, có được sự ổn định chính trị để phát triển. Đó chính là một loại nguồn lực đặc biệt của tỉnh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi đánh giá cao vai trò của Hội tin học Việt Nam, hội CNTT lâu đời nhất Việt Nam, đã qui tụ đông đảo các thành phần tham gia, từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, tới các chuyên gia.
23 năm qua, Hội phối hợp với các tỉnh đã tổ chức luân phiên Hội thảo Hợp tác Phát triển VT-CNTT, đưa tinh thần CNTT Việt Nam, đưa kinh nghiệm làm CNTT Việt Nam về đến các tỉnh thành, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đa dạng, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Nhưng đã đến lúc phải có một nhạc trưởng cho sự phát triển đa dạng, tích hợp được các ứng dụng, cơ sở dữ liệu của các bộ ngành và địa phương. Bộ TTTT với chức năng quản lý nhà nước về CNTT và TT, sẽ đóng vai trò nhạc trưởng để tạo ra sự phát triển nhanh và thống nhất.
Sự phân tán phải đi với tập trung, sự tập trung chỉ phát huy tốt sức mạnh khi kết hợp với phân tán. Tập trung và phân tán là hai mặt của một đồng xu. Hội thảo lần này bàn nhiều về kết nối, về chia sẻ và về hoàn thiện, đều là các vấn đề mang tính tập trung. Tôi hy vọng, Hội thảo của chúng ta sẽ bàn về sự phát triển của từng tổ chức, nhưng cũng bàn về sự phát triển của đất nước, bàn về sự phát triển Việt Nam trong dòng chảy chung của nhân loại.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT-TT lần thứ 23, năm 2019, với chủ đề: Chuyển đổi số: Kết nối, chia sẻ dữ liệu hoàn thiện Chính quyền điện tử.
Xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!