Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội Chủ trì phiên họp,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa Quốc hội,
Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, tôi thay mặt Chính phủ báo cáo với Quốc hội qua phiên thảo luận hôm nay về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trước hết, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tôi cũng xin phép thay mặt Ban soạn thảo trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian, góp rất nhiều ý kiến xác đáng trong suốt quá trình thảo luận vừa rồi và kể cả nhiều đại biểu Quốc hội của nhiệm kỳ trướ. Luật này thực ra chúng ta đã bắt đầu chuẩn bị từ nhiệm kỳ trước, nhưng do dịch COVID cho nên chúng ta lùi lại. Trong quá trình đó nhiều đại biểu Quốc hội khóa trước đã tham gia cùng với Bộ Y tế, Ban soạn thảo để có dự thảo luật ngày hôm nay. Tất cả các ý kiến đóng góp đó không chỉ làm rõ rất nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà qua các ý kiến phát biểu còn làm rõ tâm huyết nỗ lực của toàn ngành y tế. Thẳng thắn chỉ ra những bất cập nhưng cũng làm nổi bật kết quả của ngành y tế nói chung và công tác khám chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Trong điều kiện nước ta là một nước đang phát triển, mấy năm tới đây mới vươn lên có thu nhập trung bình. Nhưng so với thế giới thì thu nhập bình quân trên đầu người vẫn chỉ đạt đứng thứ từ 125 đến 128. Các tổ chức quốc tế trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe, về y tế đánh giá công tác y tế của Việt Nam có rất nhiều mặt tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới. Các bản đánh giá dựa trên các chỉ tiêu đánh giá có khác nhau nhưng nhìn chung về công tác khám, chữa bệnh của y tế Việt Nam được đánh giá xếp thứ vào khoảng từ 60 đến 70 tùy vào các bảng đánh giá, và các chỉ tiêu đánh giá. Có được kết quả đó ngoài nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách; sự lãnh đạo điều hành của cả hệ thống Đảng, chính quyền từ trung ương tới địa phương còn có sự nỗ lực mà chúng ta hết sức trân trọng của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt ở trong những thời khắc khó khăn; và sự tham gia của đông đảo người dân mà trực tiếp nhất có thể thấy trong thời gian thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa qua, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm của chúng ta đã đạt trên 91%.
Kính thưa Quốc hội,
Trước phiên họp này theo thống kê đã có trên 50 ý kiến phát biểu rất cụ thể về các vấn đề liên quan đến luật. Tại cuộc họp này qua 27 ý kiến phát biểu và 2 ý kiến tranh luận, nhiều vấn đề đã được phân tích làm sâu sắc thêm và cũng có thêm nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị, phù hợp với xu thế của quốc tế, đồng thời, phải tính đến đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo luật mà tới đây sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội và để trình ra Quốc hội. Có những vấn đề đã đúng xu thế, chúng ta cần xác định trong luật nhưng chưa đủ rõ hoặc là cần có lộ trình khả thi thì chúng ta cũng sẽ có các quy định trong dự thảo luật. Đây là một luật trực tiếp liên quan đến người dân nhưng đồng thời cũng liên quan và phụ thuộc vào tiến trình xây dựng và thực hiện nhiều luật, trực tiếp nhất chúng ta thấy là Luật Bảo hiểm y tế, cũng còn các luật khác, kể cả Luật Giá, Luật Đầu tư. Hay luật pháp về an toàn, an ninh thông tin mà như các đại biểu Quốc hội mới phát biểu, để bảo vệ dữ liệu của người dân thì Chính phủ cũng đang soạn những nghị định và chuẩn bị ban hành. Trong số rất nhiều vấn đề đó, tôi chỉ xin phép được báo cáo một số vấn đề rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh nhiều lần và chúng tôi nhận thấy là cần phải nghiên cứu sâu sắc thêm như sau:
Thứ nhất là các ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh và các khái niệm quy định trong luật này. Nguyên tắc là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ quy định liên quan tới Khám chữa bệnh. Theo Luật Bảo hiểm y tế thì chi phí khám, chữa bệnh thì do Bảo hiểm y tế chi trả; còn chi phí liên quan đến y tế dự phòng thì do ngân sách đảm bảo. Đấy là một nguyên tắc. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế và Ban soạn thảo luật nghiên cứu sâu hơn xu thế của quốc tế. Các vấn đề như các căn bệnh về suy dinh dưỡng hay ví dụ như HIV từ mẹ sang con thì ranh giới cũng cần được xác định rõ hơn theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Đặc biệt cần tiếp cận xu thế của thế giới hiện nay: Trước đây thì phân định rất rõ giữa trạng thái người khỏe và người bị bệnh. Khi bị bệnh thì bảo hiểm y tế chi trả, khi chưa bị bệnh thì bảo hiểm y tế không chi trả. Bây giờ thế giới nghiên cứu rất kỹ về một khoảng giữa trạng thái khỏe và bị bệnh. Nếu trong khoảng đó được phát hiện và điều trị kịp thời thì không chỉ cứu sống được người bệnh mà về bảo hiểm y tế thì chi phí của hệ thống bảo hiểm y tế sau này sẽ rẻ hơn so với phát hiện muộn. Chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tốt hơn; đồng thời sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế.
Thứ hai, về các chính sách của Nhà nước về công tác khám, chữa bệnh. Luật trước đây và dự thảo luật hiện nay đã đưa ra nhiều chính sách, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đề xuất thêm nhiều chính sách, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu nghiêm túc và chúng ta phải nhấn mạnh hơn rất nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến các đối tượng khó khăn, trong đó có đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và các đối tượng yếu thế trong xã hội; các chính sách nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bệnh cũng như của người thầy thuốc.
Vấn đề thứ ba, về vấn đề chức danh nghề nghiệp và giấy phép hành nghề. Đây là một vấn đề mới trong luật lần này.
Thứ nhất, vai trò Hội đồng Y khoa học quốc gia đã được luật đề cập và chúng ta sẽ tiếp tục phải nghiên cứu và đề cập sâu hơn. Theo xu hướng chung thế giới thì cần một cơ quan độc lập, tức là ngoài bộ máy hành chính Nhà nước để tiến hành công việc có một kỳ thi đánh giá năng lực cả về lý thuyết và thực hành trên một mặt bằng thống nhất chung. Sau đó thì cấp chứng chỉ hành nghề. Nghị quyết Trung ương 20 đã nêu rất rõ là các tổ chức độc lập, tức là không chỉ Hội đồng Y khoa Quốc gia. Riêng hệ thống của chúng ta từ trước đến nay tất cả đều hệ thống hành chính làm hết; nay chúng ta quy định trong luật theo xu thế chung và phải có lộ trình phù hợp. Nhưng tinh thần thi để đánh giá trên một mặt bằng chung là hết sức cần thiết.
Về việc cấp phép thì chúng ta sẽ nghiên cứu để làm sao cho đúng xu thế cải cách hành chính thật gọn và chúng ta cũng đã có những thông lệ trước đây. So sánh có thể không chính xác lắm, có phần hơi khập khiễng nhưng cũng so sánh được. Ví dụ Bộ Nội vụ tổ chức thi chuyên viên cao cấp và dựa trên kết quả thi, chính quyền các cấp và các bộ bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp. Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, sau này những việc đó chúng ta sẽ thực hiện đúng theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền và gắn trách nhiệm cấp với trách nhiệm thu hồi. Nhưng phải trên một mặt bằng chung, thống nhất và làm sao không có ách tắc trong quá trình thực hiện, như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu.
Chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý đến chức danh nghề nghiệp liên quan đến lực lượng vũ trang, vì lực lượng vũ trang của chúng ta cũng có tham gia khám, chữa bệnh cho người dân nhưng trên hết và trước hết là để phục vụ yêu cầu của lực lượng vũ trang, cụ thể là lực lượng y tế của quân đội, lực lượng y tế của công an. Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, quy định phù hợp với xu thế của thế giới về các chức danh này nhưng vẫn phải đảm bảo đặc thù của 2 lực lượng này và thẩm quyền cho phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Vấn đề thứ tư, vấn đề về ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh. Đây là một vấn đề không mới. Lần làm luật trước, chúng tôi cũng được các đồng chí ở các giai đoạn trước có nói lại, cũng có các tranh luận rất nhiều tương tự hiện nay. Như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, tới đây, bằng ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta có các công cụ trợ giúp dịch tự động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tinh thần của Chính phủ đã chỉ đạo và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời làm rõ hơn xu thế trên thế giới. Chúng tôi chỉ xin được báo cáo thêm như sau:
Tinh thần là chúng ta không chỉ không hạn chế mà còn phải khuyến khích để thu hút nhân lực công nghệ có chất lượng cao vào, để người dân Việt Nam có thể tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến sớm. Chúng ta không nói sớm nhất, nhưng phải sớm, không được muộn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải có các quy định về ngôn ngữ theo đúng thông lệ quốc tế, thông lệ trong khu vực và để nhằm phòng ngừa, ngăn chặn một số người chất lượng không cao nhưng vào để mở những phòng khám rất nhỏ hoặc hành nghề ở những chuyên ngành mà không nhất thiết phải trình độ công nghệ cao và tiên tiến. Đặc biệt liên quan tới một số căn bệnh mà mọi người không muốn công khai khi đi khám. Thực tế trong những năm vừa qua chúng ta đã phải quản lý rất chặt và báo cáo với Quốc hội thực ra quản lý số lượng này không nhiều và chúng tôi sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp nhất.
Vấn đề thứ năm là vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như trên thế giới để chúng ta phân tuyến theo đúng chuyên môn, nhưng tinh thần vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền theo tổ chức bộ máy đảng, chính quyền các cấp. Ở đây cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, các phòng khám bác sĩ gia đình.
Tôi xin được phép báo cáo thêm trong quá trình triển khai mô hình bác sĩ gia đình, chúng ta đã thấy rằng xưa nói đến bác sĩ gia đình là nói đến cá nhân người bác sĩ gia đình. Nhưng nay theo xu thế bác sĩ gia đình cần hơn một người và là một nhóm. Vì một người không thể hiểu hết được tất cả các chuyên môn, kể cả về tâm lý như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu. Việt Nam chúng ta ngoài các mô hình các phòng khám bác sĩ gia đình thì đặc biệt còn có một hệ thống y tế cơ sở và chúng ta cần phải tăng cường hệ thống y tế cơ sở theo phương châm y học gia đình, y tế gia đình.
Vấn đề thứ sáu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và các anh em ở các bệnh viện cũng rất quan tâm là vấn đề xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công. Chúng ta cần phải có các giải pháp đột phá. Bởi vì đến hiện nay, mặc dù thực hiện Luật 2009 chúng ta đã có bước chuyển rất lớn, như một bước ngoặt nhưng đến giờ phút này mới có 318 bệnh viện tư, có 38.000 các phòng khám tư nhân. Tôi dùng từ là "mới có" bởi vì thực tế số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp. Chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nó không chỉ liên quan đến luật này mà còn liên quan đến nhiều luật khác, như về đầu tư, về đất đai, về tài sản, ngân sách nhà nước. Ở đây có một vấn đề là giá dịch vụ của các bệnh viện tư. Chúng ta quy định là theo hướng có quy định khung hay để các cơ sở này tự quy định? Báo cáo với Quốc hội, chúng ta chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư nhưng chúng ta quản lý bằng rất nhiều công cụ, trong đó trước hết phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá. Chúng ta không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ để cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm nay lẽ ra phải là 10% số giường bệnh mà chúng ta mới đạt được một nửa. Các chuyên gia nước ngoài nói rằng trong vòng khoảng 10-20 năm chúng ta phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh từ y tế tư nhân.
Vấn đề về liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập. Đây là đặc thù của Việt Nam. Thực sự rất khó có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với các tổ chức quốc tế và việc này duy nhất ở Việt Nam. Ở các nước thì công là công, tư là tư, khi anh đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là anh hạch toán theo chế độ tư nhân. Ở Việt Nam chúng ta có đặc thù: Mô hình liên doanh, liên kết và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giúp giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua nhưng tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn. Chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị là chỉ có một cách là yêu cầu tất cả phải công khai. Minh bạch tất cả các khoản thu chi từ các khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó.
Điểm cuối cùng, như các đại biểu đã nói, chúng tôi sẽ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ có liên quan để làm rõ hơn tất cả các quy định liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, cụ thể trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, trong đó có vấn đề bảo vệ dữ liệu người bệnh. Hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều đề án, trong đó có Đề án 06 cũng như đề án liên thông, liên kết kết quả xét nghiệm dựa trên quản lý bệnh án của người bệnh.
Trên đây là một số ý kiến tôi xin được báo cáo trước Quốc hội. Một lần nữa xin cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết và sâu sắc. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, Ban Soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa.
Xin trân trọng cảm ơn.