Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, đặt ra mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao sau 25 năm nữa, chỉ ra con đường đi đến đích là bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bằng công nghệ số và chuyển đổi số. Yếu tố quyết định thành công là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh để lãnh đạo đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện Gặp gỡ ICT đầu xuân 2021 |
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ yếu liên quan đến cách mạng số. Tức là công nghệ số và chuyển đổi số. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo cơ hội chỉ cho một số ít nước bứt phá vươn lên để trở thành nước phát triển. Đó là những nước đi đầu về cái mới. Việt Nam muốn tận dụng cơ hội này thì phải đi đầu.
Hạt nhân của cách mạng số chính là lĩnh vực ICT. Trách nhiệm hạt nhân trong công cuộc chuyển đổi số, trong sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã được trao cho ngành ICT, cho cộng động doanh nghiệp ICT, cho các hội và hiệp hội ICT. Chưa bao giờ chúng ta có một sứ mệnh quốc gia lớn thế này. Trách nhiệm là rất lớn lao, nhưng cũng thật vinh dự.
Lịch sử lại trao cho chúng ta sứ mệnh tiên phong đi đầu một lần nữa. 20 năm, 30 năm trước đây, là đi đầu trong Đổi mới, để thoát nghèo. Và nay, chúng ta đã không còn là một nước có thu nhập thấp nữa. Nhưng lần nữa là tiên phong đi đầu trong việc đất nước hóa Rồng, hóa Hổ. Là sánh vai với cường quốc năm châu. Nhưng chỉ có 25 năm nữa, chứ không phải trăm năm. Tức là chúng ta nói đến sứ mệnh, trách nhiệm và công việc của chính những người đang ngồi đây ngày hôm nay. Chúng ta không giao việc cho các thế hệ tương lai. Và vì vậy, nó cần một tâm thế khác, một cách tiếp cận khác, một suy nghĩ khác. Rất khác.
Sứ mệnh mới luôn là khởi đầu cho sự thay đổi. Trước đây là đuổi kịp rồi sánh cùng rồi mới vượt lên thì nay là đi đầu ngay từ đầu. Trước đây gia công là chính thì nay Make In Vietnam. Trước đây lợi nhuận là chính thì nay sứ mệnh quốc gia nhiều hơn. Trước đây chú trọng vào xuất khẩu thì nay chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Trước đây giải bài toán của Tây thì nay giải bài toán Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra toàn cầu. Trước đây hỏi Chính phủ đã làm gì cho ta thì nay hỏi chúng ta đã làm gì cho Chính phủ mình, cho đất nước mình. Trước đây nhìn thấy khó khăn nhiều hơn thì nay nhìn thấy cơ hội nhiều hơn. Trước đây là làm từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó thì nay làm việc lớn trước, làm việc khó trước, vì thách thức mà lớn thì mới tìm được giải pháp đột phá và con người bình thường của chúng ta mới trở nên thông minh hơn. Trước đây chúc nhau “chân cứng đá mềm”. Nhưng đá thì đâu có mềm và chân thì đâu có cứng. Bây giờ chúc nhau chân mềm vượt qua đá cứng. Tức là hãy dùng cái mà mình có, có cách tiếp cận mới để cái yếu trở thành mạnh.
Những thách thức lớn lao luôn cần đến sự dẫn dắt và hợp tác đoàn kết. Đất nước Việt Nam luôn là như vậy. Nhưng những lần trước đây là đánh đuổi ngoại xâm. Những anh hùng dân tộc trước đây là đánh đuổi ngoại xâm. Nhưng lần này là lần đầu tiên không có ngoại xâm mà có khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, là Việt Nam hùng mạnh để không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm. Và anh hùng dân tộc lần này sẽ là những ai đưa Việt Nam đến hùng cường thịnh vượng.
Việc khó trăm năm. Và vì vậy, hơn bao giờ hết, lĩnh vực ICT cần đến sự hợp tác đoàn kết, chung sức, đồng lòng chia nhau gánh vác việc lớn. Các hội, hiệp hội ICT hãy giải bài toán hợp tác trong ngành vốn là việc chúng ta chưa làm tốt. Cũng có thể chưa tốt là vì chưa có việc lớn đến mức phải hợp tác, thì nay việc lớn đã đến, lại là việc rất lớn, thậm chí quá lớn thì không thể không hợp tác.
Bộ TT&TT có sứ mệnh dẫn dắt ngành ICT Việt Nam. Những định hướng chiến lược, những nội dung lớn đã được phác họa trong những năm 2019, 2020. Đó là hạ tầng bưu chính với nền tảng địa chỉ số tới từng hộ gia đình sẽ đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Là hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số. Là chuyển đổi số với ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Là Việt Nam phải trở thành cường quốc an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng Việt Nam trên không gian mạng. Là phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh Make In Vietnam. Là ICT Việt Nam vào top 50 năm 2025 và top 30 vào năm 2030.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hội, hiệp hội, doanh nghiệp ICT nước nhà. Năm 2021 sẽ là năm triển khai mạnh mẽ các định hướng chiến lược mới của ngành, Bộ TT&TT mong muốn các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ tham gia tích cực để hiện thực hóa các chiến lược này.
Năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của ngành ICT mà của đất nước Việt Nam và của cả thế giới. Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm để đưa Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của một giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao và là năm đầu tiên của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, kính chúc các đồng chí lãnh đạo các hội, hiệp hội ICT qua các thời kỳ, các lão tướng ngành ICT Việt Nam, các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúc các hội, hiệp hội, câu lạc bộ và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào giữa thế kỷ. Lĩnh vực ICT chúng ta là lĩnh vực dẫn dắt cho ngành kinh tế số Việt Nam, và do vậy, chúng ta phải trở thành cường quốc về ICT không phải vào năm 2045 mà trong thập kỷ 2021 – 2030 này.
Chúc một năm mới, khát vọng mới, sứ mệnh mới, năng lượng mới, cách làm mới và một ngành ICT đổi mới.
Xin trân trọng cảm ơn!
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng