Lời tòa soạn: Chiều 10/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT, đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban này với nội dung chính là sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc họp này.
Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử,
Kính thưa các đồng chí,
Tôi xin phép phát biểu một số ý về làm Chính phủ điện tử.
Về cam kết của người đứng đầu Chính phủ và các cấp. Chính phủ điện tử (CPĐT) liên quan đến sự thay đổi của cả hệ thống vì vậy vai trò dẫn dắt của người đứng đầu là quyết định. Người đứng đầu không chỉ ra quyết định về sự thay đổi mà bản thân mình phải thay đổi về cách thức điều hành tổ chức, bộ máy trong công việc hàng ngày. Chỉ có như vậy, sự thay đổi mới chạy từ trên xuống dưới.
Cần có một chiến lược xuyên suốt, đi qua nhiều nhiệm kỳ. Một số nước thậm chí còn ra luật về CPĐT. Bởi vì, CPĐT là một chặng đường dài, liên tục, sau CPĐT còn là Chính phủ số (CPS), không phải 1-2 năm, không phải 1-2 nhiệm kỳ.
CPĐT phải luôn lấy người dân làm trung tâm. Cung cấp dịch vụ công cho người dân nhanh hơn, tiện ích hơn. Người dân phản ánh, tham gia đóng góp vào hoạt động của chính quyền. Nếu không tập trung vào mục tiêu này thì CPĐT có thể không hiệu quả và tốn kém.
CPĐT là môi trường mới nên thể chế phải đi trước, tạo hành lang cho người ứng dụng đúng luật. Vì người nhà nước chỉ được phép làm những gì đã có quy định.
CPĐT phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính. Lên môi trường điện tử thì quy trình cung cấp dịch vụ phải thay đổi, cách thức hoạt động của chính quyền phải thay đổi. Cách làm không thay đổi thì công nghệ không mang lại nhiều kết quả.
Cần có cơ quan điều phối thống nhất, nhất là khi CPĐT được triển khai phân tán ở các bộ ngành và tỉnh thành. Có một cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, nhìn thấy toàn cảnh, cả kế hoạch, cả đầu tư, cả thực thi, để đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Ở TW, thì cơ quan điều phối này trước đây là Văn phòng Chính phủ và nay là Bộ TT&TT. Ở các địa phương thì giao cho Sở TT&TT.
Hài hoà giữa tập trung và phân tán. Những gì dùng chung được thì nên đầu tư tập trung, hoặc khuyến nghị dùng chung, trên nền tảng cloud. Các ứng dụng khác biệt thì nên phân tán.
Luôn dùng công nghệ mới nhất. Công nghệ số đang thay thế công nghệ thông tin. Các công nghệ mới của CMCN 4.0 cho phép cho phép chúng ta dùng nền tảng để làm đồng loạt, thay vì làm dần dần. CPĐT vì vậy sẽ được đẩy nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.
Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá. Việt Nam là nước đi sau vì vậy phải đi nhanh, đi trước về công nghệ mới, không nhất thiết phải tuần tự. Công nghệ mới, CMCN mới thì thường tạo ra sự đột phá trong phát triển. Chỉ có mục tiêu cao thì mới cần đến công nghệ mới, cách tiếp cận mới.
Cần có nguồn ngân sách ổn định cho CPĐT. Các nước đều dành một ngân sách dựa trên tỷ lệ GDP hoặc ngân sách để chi cho CPĐT. Các địa phương, bộ ngành có thể dùng 1% ngân sách hàng năm để phát triển CPĐT, đây là mức trung bình của thế giới.
Tiếp theo, tôi xin phép phát biểu một số ý về định hướng phát triển CPĐT giai đoạn tới.
Trong Quý 1 hoặc đầu Q2/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT tiến tới CPS. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược. Quan trọng nhất của chính phủ số là cung cấp thêm các dịch vụ số cho người dân, là toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số, là sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thiết kế lại vận hành của chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Các quan điểm cơ bản để phát triển CPS là.
1- CPS là toàn bộ hoạt động của chính phủ an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển KT-XH.
2- Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ.
3- Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển CPS, kinh tế số, xã hội số.
4- Nền tảng là giải pháp đột phá. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt, có thể sử dụng ở mọi nơi. Các nền tảng quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt và làm tập trung.
5- Thị trường trong nước nuôi dưỡng và phát triển các sản phẩm công nghệ số Make In Vietnam, từ đó vươn ra toàn cầu. Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển CPS vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Các chỉ tiêu của CPĐT sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2021, với trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. CPS sẽ được hình thành vào năm 2025 và thuộc top 50. Các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/7, theo nhu cầu và cá thể hóa. Các dịch vụ công mới được phát triển kịp thời dựa trên dữ liệu mở và với sự tham gia hợp tác của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Và tiếp theo là sự liên tục tiến hóa để trở thành chính phủ thông minh.
CPS là một cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh kinh tế số và xã hội số. Nhưng CPS có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.
Chiến lược CPS đặt ra 5 mục tiêu, bao gồm: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; Huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; Sự vận hành tối ưu của các cơ quan nhà nước dựa trên dữ liệu và công nghệ số; Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển KT-XH, như y tế, giáo dục, giao thông, v.v… và Đột phá về thăng hạng trong xếp hạng quốc gia.
Chiến lược cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số quốc gia; Phát triển các nền tảng số quốc gia; Phát triển dữ liệu quốc gia; Phát triển các ứng dụng quốc gia; và Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Và bên cạnh đó là 6 nhiệm vụ trọng tâm của các bộ ngành và địa phương.
Chuyển đổi từ CPĐT thành CPS là sự chuyển đổi có tính căn bản. Từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số. Từ người dẫn dắt là giám đốc CNTT thành người đứng đầu tổ chức. Khái niệm hệ thống công nghệ thông tin được thay bằng nền tảng. Từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận hướng dữ liệu. Từ công nghệ Web và PC thành công nghệ 4.0 là Mobile, Cloud, AI, IoT. Từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị. Từ đo lường số lượng dịch vụ công lên online thành số dịch vụ công mới. Thách thức của CPĐT là liên thông, tích hợp thì thách thức của CPS là quản lý sự thay đổi.
Cuối cùng, tôi xin được phép trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban QG về CPĐT, người đã tạo ra sự phát triển có tính đột phá cho CPĐT Việt Nam, người đặt nền móng để Việt Nam phát triển CPS, là người định hướng, cổ vũ, giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển ngành TT&TT, các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.
Xin chúc đồng chí thật nhiều sức khỏe, thu nhận được thật nhiều năng lượng mới để gánh vác trọng trách mới, đưa Việt Nam phát triển hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển, thu nhập cao khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Xin trân trọng cảm ơn.