Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!
Thưa quý vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể Nhân dân!
Được sự thống nhất của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; hôm nay, tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021). Đây là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người Xứ Quảng anh hùng; nhằm tiếp thêm động lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong thời gian tới.
Trong thời khắc trang nghiêm, xúc động và đặc biệt đầy ý nghĩa này; chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã có công khai mở tạo lập nên vùng đất và Danh xưng Quảng Nam; đời đời khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ, lớp lớp đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các tướng lĩnh, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các vị khách quốc tế, các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể Nhân dân lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Kính thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể Nhân dân!
Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Quảng Nam là vùng đất được lịch sử ghi nhận trên con đường khai mở về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên Đạo Thừa tuyên Quảng Nam và từ đây danh xưng Quảng Nam chính thức ra đời với vai trò là đơn vị hành chính thứ 13 của quốc gia Đại Việt, gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, vùng đất này với nhiều tên gọi khác nhau, địa giới hành chính nhiều lần thay đổi: Từ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam đến Xứ Quảng Nam, Trấn Quảng Nam, Dinh Quảng Nam và ngày nay là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Xứ Quảng có truyền thống văn hóa lâu đời, được giao thoa, đan xen, kế thừa và hội tụ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt trong tiến trình dân tộc mở cõi về phương Nam. Với nhiều di sản văn hóa thế giới vật thể, phi vật thể như: Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Nghệ thuật Bài chòi. Nhiều lễ hội, nghệ thuật đặc sắc giữ gìn được những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc như: Múa hát bá trạo, lễ hội cầu ngư, nghệ thuật hát bội...đã được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
Quảng Nam là một vùng đất mở, Cảng thị Hội An từng là nơi phồn thịnh nhất Đàng Trong, có sự giao lưu với các nền văn hóa lớn trên thế giới trong quá trình mở cửa giao thương kinh tế quốc tế qua đường biển và đặc biệt, xứ Quảng là chiếc nôi khai sinh ra chữ Quốc ngữ của nước ta ngày nay.
Với vị trí trước mặt là biển Đông, sau lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ; khí hậu, thời tiết đôi lúc khắc nghiệt; thiên nhiên không được ưu đãi như những vùng đất khác; đất và người nơi đây thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, địch họa. Chính điều đó đã hun đúc nên con người xứ Quảng đức tính cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, sống giản dị, tình cảm chân tình, thủy chung, thẳn thắng và cương trực, không cam chịu nô lệ, lạc hậu, đói nghèo.
Xứ Quảng từng là vùng đất “yết hầu”, “đầu sóng ngọn gió”, là “phên dậu phía Nam” của quốc gia, là nơi có một vị trí trọng yếu với Đàng Trong. Đồng thời, là tiền đồn trong quá trình mở đất, vươn dài lãnh thổ vào phương Nam và vượt trùng dương sóng lớn, xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông của Tổ quốc. Di sản văn hóa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các di tích Thành Điện Hải, Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, căn cứ địa Khu ủy Khu V trong kháng chiến là minh chứng hùng hồn cho khát vọng độc lập, tự do của người dân Xứ Quảng.
Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”; nơi sản sinh cho đất nước nhiều anh hùng kiệt xuất, chí sĩ yêu nước, trí thức, lãnh tụ cách mạng, làm rạng danh quê hương, đất nước, tiêu biểu như: Quang Trung, Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Hoàng Tụy... Người dân Quảng Nam từ bao đời nay, dù phải chắt chiu từng hạt gạo nhưng vẫn lấy sự học làm trọng và là một trong những vùng đất học nổi tiếng của cả nước với các danh hiệu để tiếng thơm muôn đời như: “Ngũ tử đăng khoa”, “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”. Trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, Quảng Nam là mảnh đất “Trung dũng kiên cường”. Trong truyền thống nhân văn, Quảng Nam là “đất nặng nghĩa tình”, “chưa mưa đà thấm”...
Kính thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể Nhân dân!
Quảng Nam - vùng đất có lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống cách mạng kiên cường. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930) chưa đầy hai tháng, ngày 28/3/1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, là một trong những Đảng bộ ra đời sớm so với các địa phương trong cả nước, thứ hai sau Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đây là sự kiện có bước ngoặt lịch sử, đánh dấu một mốc son sáng ngời, mở ra một thời kỳ đấu tranh của Nhân dân trong tỉnh theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo. Quân và dân Quảng Nam đã cùng với cả nước làm nên Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, giành giữ từng tấc đất, bám trụ với xóm làng; mở các chiến dịch tiến công, giành toàn thắng trên các chiến trường: Núi Thành, Thượng Đức, Tiên Phước, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng… góp phần cùng với cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà vào ngày 30/4/1975.
Lịch sử hào hùng của mảnh đất này luôn khắc ghi công ơn của 65.464 người con ưu tú của quê hương và hàng nghìn cán bô, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên chiến trường Quảng Nam; trong đó, có sự sẻ chia to lớn của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa. Quảng Nam cũng là địa phương có nhiều Bà Mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước phong tặng với 15.315 Mẹ; tiêu biểu là hình tượng Mẹ Nguyễn Thị Thứ, đã hòa vào hồn thiêng dân tộc, kết thành Tượng đài anh linh Mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm, thành phố Tam Kỳ.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, được sự hỗ trợ của Trung ương; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Nam - Đã Nẵng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết tỉnh nhà, đi đầu thực hiện khai hoang, vỡ hoá, đẩy mạnh phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, xây dựng các công trình đại thủy nông, sớm mở rộng và phát triển các thành phần kinh tế, giải phóng được lực lượng sản xuất... Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh, tiến hành những bước đi đầu tiên trong công nghiệp hoá và đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa –xã hội, quốc phòng - an ninh.
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ đổi mới, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân trong tỉnh, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương vào ngày 01/01/1997. Đây là điều kiện và cơ hội để cả hai địa phương cùng nhau vươn lên phát triển.
Và thực tiễn đã chứng minh, qua 25 năm tái lập, Thành phố Đà Nẵng không ngừng vươn lên, trở thành đô thị văn minh, là thành phố 4 An, là nơi đáng sống. Quảng Nam đã tự lập, chủ động, sáng tạo trong tư duy, đã có sự phát triển vượt bậc, rất đáng tự hào. Những chủ trương đúng đắn và hành động quyết liệt đã thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà có những bước tiến đầy ấn tượng, phấn khởi. Từ một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm nghèo nhất nước; đến nay, Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với ngày đầu tái lập; trong đó, giá trị công nghiệp - dịch vụ, du lịch chiếm hơn 86% trong cơ cấu nền kinh tế. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 68 triệu đồng, gấp 38 lần so với năm 1997. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương; đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước trên 23.600 tỷ đồng, gấp gần 200 lần so năm đầu tái lập, trở thành tỉnh có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Nhiều tư duy đổi mới, mô hình, cách làm hay và đầy sáng tạo như: Khu Kinh tế mở Chu Lai, Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, du lịch xanh - cộng đồng... đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đổi thay tích cực, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa miền núi với đồng bằng. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt; thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn; vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định. Nhân dân rất vui mừng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, công cuộc đổi mới của Đảng, sự đổi thay của quê hương, đất nước.
Kính thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể Nhân dân!
Chặng đường 550 năm hình thành và 25 năm xây dựng, phát triển kể từ khi tái lập tỉnh là không dài, so với lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, dân tộc. Những thành tựu đạt được nêu trên là hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Quảng Nam cùng với các địa phương Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích của Danh xưng Quảng Nam trong giai đoạn mới.
Trong niềm vui tươi, phấn khởi và đầy tự hào hôm nay; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quảng Nam trân trọng và biết ơn sâu sắc sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với các địa phương nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng trong suốt thời gian qua và kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẽ, định hướng trong thời gian đến.
Xin trân trọng dành những tình cảm đặc biệt, sự biết ơn sâu sắc nhất đến các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đã có những đóng góp to lớn và quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh. Xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các tỉnh, thành phố, quân khu, quân chủng, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế đã quan tâm, hợp tác, chia sẻ cùng với Quảng Nam trong hành trình xây dựng, phát triển. Xin cảm ơn cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, những người con Quảng Nam sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài, những tấm lòng luôn hướng về quê hương, đã đoàn kết, đồng lòng, chung tay, góp sức cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tạo thành một nguồn lực quan trọng và to lớn để xây dựng Quảng Nam ngày một phồn vinh.
Kính thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể Nhân dân!
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Nam nhiều thời cơ, thuận lợi mới; song cũng không ít khó khăn, thách thức: Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa bền vững; kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị còn chậm; thiếu nguồn nhân lực chất lượng; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ở một số nơi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới... còn khó khăn; một số vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh còn tiềm ẩn khó lường. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn nữa; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phát huy truyền thống hiếu học, đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đóng góp cho quê hương; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững quốc phòng, an ninh, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Tiếp tục xứng đáng với danh xưng Quảng Nam có lịch sử hơn 5 thế kỷ đã qua - một danh xưng chứa đựng tư duy canh tân, khai mở; ý chí, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển và thịnh vượng, đáp ứng mong đợi của Nhân dân tỉnh nhà và sự kỳ vọng của cả nước.
Trước thềm năm mới và chuẩn bị chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, một lần nữa, xin kính chúc đồng chí Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế, quý vị đại biểu khách quý và toàn thể Nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! An khang, thịnh vượng!
Xin trân trọng cảm ơn./.