Nhiều người cho rằng, môn Toán THPT quá khó, mang tính lý thuyết và thiếu tính ứng dụng. VietNamNet có cuộc trò chuyện cùng Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu - tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Toán Kinh tế (Kinh tế lượng), ĐH University of California, Los Angeles (UCLA), hiện là nghiên cứu sinh của ĐH Johns Hopkins (Mỹ).
Quan điểm của anh thế nào khi nhiều người cho rằng môn Toán THPT ở Việt Nam quá khó?
Tôi chia sẻ quan điểm dưới hai góc độ, thứ nhất là góc độ của một người học Toán. Cụ thể, tôi từng là học sinh chuyên Toán ở bậc THPT, sau đó học ngành Toán kinh tế tại ĐH UCLA - đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ và tốt nghiệp thủ khoa trường đại học này.
Ở góc độ này, tôi nhận thấy chương trình Toán phổ thông của Việt Nam rất chắc và vững. Bên cạnh đó, so sánh với các cường quốc về Toán như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, học sinh phổ thông Việt Nam khi ra nước ngoài học, đi sâu vào môn Toán đều không hề thua kém so với học sinh các nước.
Phân môn của ngành Toán kinh tế tại trường Đại học tại Mỹ tôi theo học gồm 4 môn học (8 học kỳ), chúng tôi phải học 15 lớp Toán. Như vậy, trung bình một kỳ, chúng tôi phải học 2 lớp Toán. 4/15 lớp Toán trong chương trình đại học của tôi đã được dạy trong chương trình ở Việt Nam (lớp 11, lớp 12) hoặc ít nhất là 80%.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, chương trình Toán phổ thông của Việt Nam tương đương với năm nhất đại học chuyên ngành Toán ở các trường đại học lớn trên thế giới.
Góc độ thứ hai là gì, thưa chuyên gia?
Thứ hai, tôi muốn chia sẻ từ góc độ một người làm giáo dục. Khi so sánh chương trình Toán của Việt Nam với chương trình Toán tú tài quốc tế (viết tắt là IB International Baccalaureate), tôi khẳng định chương trình Toán nước ta không khó hơn chương trình toán quốc tế.
Nhưng khác biệt lớn nhất là học sinh Việt Nam buộc phải học các chương trình học phổ thông. Trong khi trên thế giới, bạn nào theo tú tài quốc tế được quyết định có chọn môn Toán để học hay không.
Bởi khi học tú tài quốc tế, các em được chọn 6 môn và quan trọng được chọn cấp độ Toán để học, trong đó, có mức Toán đại cương (còn gọi là Standard Level) và Toán chuyên sâu (High Level).
Như vậy, so sánh chương trình Toán của Việt Nam với chương trình Toán quốc tế, Toán Việt Nam không khó hơn, không sâu hơn, điều quan trọng chương trình Việt Nam không cho học sinh lựa chọn.
Tức là 1 triệu học sinh Việt Nam đều phải học một chương trình Toán còn học sinh quốc tế được quyền lựa chọn có học Toán hay không, thậm chí được chọn học Toán sâu đến mức nào.
Điều này cũng xảy ra tương tự với chương trình AP tú tài Mỹ. Thậm chí, chương trình tú tài Mỹ còn chia môn toán thành 3 cấp độ (2 cấp độ về giải tích, đại số và 1 cấp độ khác là xác suất thống kê). Một học sinh THPT ở Mỹ có quyền không chọn 3 cấp môn Toán này.
Hoặc các em có quyền chọn 1 trong 3, 2 trong 3 hoặc 3 trong 3, thậm chí với các em theo các môn nghệ thuật, không cần thiết theo môn Toán.
Dĩ nhiên nếu các em chọn cả 3 lớp Toán này, tôi khẳng định, độ sâu trong Toán THPT Mỹ không khác gì so với Toán bậc phổ thông ở Việt Nam.
Theo anh, Việt Nam cần thay đổi cách dạy và học Toán ra sao?
Đề Toán tốt nghiệp THPT 2022 của Việt Nam với 50 câu hỏi, 100% câu đều tập trung đánh giá việc các em có nhớ công thức hay không, có áp dụng công thức để giải đề hay không và tốc độ tính toán có đủ nhanh, mức độ chính xác có đủ cao hay không...
Có thể thấy, chương trình Toán Việt Nam không hề tệ nhưng cách ra đề đã làm cho học sinh mất hứng thú với việc học Toán khi tập trung đánh giá khả năng thuộc lý thuyết, công thức.
Trong khi, đề Toán bậc phổ thông quốc tế khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Theo đó, đề Toán dành cho học sinh lớp 11, 12 yêu cầu học sinh làm một nghiên cứu ứng dụng môn Toán vào thực tế.
Nếu học xác suất thống kê, các em có thể chọn làm nghiên cứu, ứng dụng, ví dụ như thống kê về mức độ béo phì của các học sinh trong trường.
Cụ thể hơn, có 500 học sinh lớp 12, các em sẽ làm khảo sát về cân nặng. Sau đó, học sinh áp dụng công thức căn bản của xác suất thống kê để đưa ra kết luận xem béo phì có phải vấn đề nghiêm trọng trong trường không. Học sinh được phép dành 2 tháng làm nghiên cứu này.
Điều khó nhất của học sinh THPT ở Mỹ không phải áp dụng công thức xác suất thống kê mà làm thế nào có câu hỏi nghiên cứu đủ hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi để thuyết phục thầy cô cho phép triển khai. Sau đó, học sinh phải viết báo cáo dài khoảng 5 - 7 trang.
Toán quốc tế, học sinh được học được tư duy phản biện, cách đưa ra câu hỏi nghiên cứu. Từ câu hỏi nghiên cứu, các em biết cách lấy dữ liệu để chứng minh trước khi đưa ra kết luận. Ngoài ra, học sinh còn được học kỹ năng viết, diễn giải suy nghĩ một cách logic và hợp lý nhất.
Có thể thấy, ở Việt Nam không cho học sinh lựa chọn, điều này khiến học sinh lâm vào thế khó, đặc biệt với những em không chọn Toán là ngành nghề chuyên sâu.
Ngoài ra, đề Toán của Việt Nam đang nặng về lý thuyết, tập trung vào các công thức và chưa tạo độ mở, để học sinh ứng dụng.
Thời gian qua, theo quan sát của tôi, nhiều thầy cô THPT đang được đào tạo và tích cực ứng dụng phương pháp dạy học cho học sinh qua dự án, dạy tích hợp, kết hợp Toán với khoa học. Đây là hướng đi đúng cần phát huy thay vì yêu cầu học sinh thuộc công thức.
Ngoài ra, chúng ta nên tạo điều kiện để phân luồng ,tức là học sinh muốn học sâu môn Toán vẫn học chương trình hiện tại. Học sinh nào theo ngành nghề không liên quan đến Toán, có thể chọn hướng đi khác và có cấp độ Toán để các em lựa chọn.
Cảm ơn chuyên gia về cuộc trò chuyện!
Sau khi VietNamNet đăng tải tuyến bài về việc dạy, học Toán phổ thông, nhiều độc giả bày tỏ chương trình Toán bậc THPT tại Việt Nam khá nặng nề và tính ứng dụng chưa cao. Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Quý độc giả có thể gửi ý kiến về phần bình luận dưới bài viết hoặc theo địa chỉ email [email protected]. Xin cảm ơn! |