Giáo dục là ưu tiên số một trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia
Lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tổ chức hôm nay, ngày 26/3 tại Hà Nội, được kết nối cầu truyền hình đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chứng kiến lễ ký cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT và ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. |
Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành TT&TT đã luôn đồng hành cùng ngành GD&ĐT, có thể kể đến chương trình Internet miễn phí cho các trường học - chương trình đã được các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên minh Viễn thông Thế giới đưa thành Case Study để phổ biến ra toàn cầu.
“Trong Chiến lược Chuyển đối số Quốc gia thì ngành GD&ĐT được ưu tiên số 1. Một quốc gia chuyển đổi số thành công thì đầu tiên phải thành công trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Vì chính ngành này chuẩn bị lực lượng công dân và nhân lực có kỹ năng số”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ ký cam kết. |
Theo Bộ trưởng, trong Chỉ thị thứ 2 của ngành TT&TT về việc hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng theo cách không tiếp xúc, hình thành một trạng thái bình thường mới, vừa được ban hành ngày hôm qua, ngày 25/3/2020, thì ngành GD&ĐT cũng được nhắc đến đầu tiên, được tập trung chỉ đạo đầu tiên.
Nhận định đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho Chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ theo cách cũ. Tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cho cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục. Lĩnh vực ICT nhận về mình một sứ mệnh mới, sáng tạo các giải pháp công nghệ số, học tập và làm việc phân tán để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, nhằm giúp chống dịch thành công, cũng như giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch là bứt phá vươn lên.
“Việt Nam chúng ta có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số có năng lực, có tiềm lực, có đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp công nghệ số rất sáng tạo. Các doanh nghiệp này đang chuyển hướng Make in Vietnam, sáng tạo các sản phẩm Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số.
Chúng ta có thể tự hào nói rằng, hầu hết các sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số đều có thể do các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển. Hôm nay, chúng ta sẽ chứng kiến điều đó trong lĩnh vực GD&ĐT”, người đứng đầu ngành TT&TT chia sẻ.
“Tạm ngừng đến trường, không dừng việc học”
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giai đoạn đầu, lùi thời gian học là giải pháp ngành Giáo dục đã áp dụng để phòng dịch bệnh.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã tập trung rà soát nội dung các môn học của học kỳ II năm học 2019 – 2020 của các lớp từ 1 đến 12, nhất là lớp 9 và lớp 12. Trên cơ sở rà soát theo hướng tinh gọn lại, giảm các nội dung chưa nhất thiết phải ưu tiên, tổ chức xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử, bài giảng để ứng dụng trên các nền tảng công nghệ.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành bài thi minh họa tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. “Nguyên tắc của chúng tôi là giảm những nội dung có thể giảm được nhưng vẫn phải giữ, không buông lỏng chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Cho biết hiện nay ngành GD&ĐT không đặt vấn đề lùi thời gian học, người đứng đầu ngành Giáo dục chỉ rõ, sẽ tăng cường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, vẫn đảm bảo nội dung cơ bản. Cùng với đó, tăng cường các điều kiện để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong hôm nay, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình cho học sinh. Được biết, hướng dẫn này sẽ quy định cụ thể các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, học liệu/bài giảng, yêu cầu đối với giáo viên và học sinh tham gia dạy - học, cách tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Thời gian qua, với quan điểm chỉ đạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, hiện đã có 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông; nhiều trường phổ thông đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy và quản lý dạy và học trực tuyến; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến; kho bài giảng e-learning của Bộ GD&ĐT với 5.000 bài giảng giáo dục phổ thông đã và đang được các giáo viên, học sinh trên cả nước khai thác, sử dụng miễn phí.
Sẽ có nhiều nền tảng, ứng dụng tiếp tục cam kết hỗ trợ ngành Giáo dục
Để thúc đẩy mạnh mẽ quan điểm chỉ đạo nêu trên của Bộ GD&ĐT, các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành TT&TT vừa chính thức cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong thời Covid-19, với những hỗ trợ cụ thể như: đưa các chương trình của Bộ GD&ĐT lên truyền hình; báo chí sẽ tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong GD&ĐT; các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến mọi người dân liên quan về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT.
Các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ miễn phí toàn bộ dữ liệu cho thày cô và học sinh liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT; Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí hệ sinh thái đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.
“Gói hỗ trợ mùa Covid-19 ước tính là hàng ngàn tỉ đồng mỗi tháng. Các doanh nghiệp TT&TT cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một điện thoại thông minh kết nối 4G, 5G”, đại diện Bộ TT&TT thông tin.
Tại lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo sẽ là những nền tảng khác nữa, các ứng dụng khác nữa của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT khác nữa để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà. Sự hợp tác giữa ngành TT&TT và ngành GD&ĐT tạo sẽ là liên tục và mãi mãi.
Bộ TT&TT và Bộ GD&DT cũng sẽ hợp tác với nhau đề ra các tiêu chuẩn về CNTT và an toàn thông tin để đảm bảo tính mở của các nền tảng, đảm bảo tính kết nối liên thông với các lĩnh vực khác, đảm bảo các ứng dụng sẽ được phát triển bởi mọi doanh nghiệp khác. Đảm bảo không có tình trạng độc quyền hoặc vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân.
Bày tỏ mong muốn GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ tiếp tục đặt hàng nhiều hơn nữa, đưa ra nhiều yêu cầu thách thức hơn nữa cho ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Chúng tôi luôn nhận thức rằng, ngành ICT nước nước nhà chỉ có thể mạnh lên, sánh vai với các cường quốc năm châu nếu ngành GD&ĐT, cũng như mọi ngành khác, đặt ra cho ngành ICT các yêu cầu cao, càng cao càng tốt, càng thách thức càng tốt. Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại. Chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn bất cứ ai đưa ra yêu cầu cao hơn cho ngành ICT”.
Người đứng đầu ngành TT&TT kỳ vọng tới đây sẽ có thêm nhiều các doanh nghiệp khác nữa, nhất là các doanh nghiệp phát triển ứng dụng sẽ tích cực tham gia chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo, và đặc biệt là các ứng dụng kịp thời cho dạy và học trực tuyến thời Covid-19.
“Thành công trước nay thường đến từ chính giữa những cuộc khủng hoảng. Bộ TT&TT kêu gọi toàn thể cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, nắm bắt thời cơ hiếm có trong công cuộc chuyển đổi số. Đây cũng là cách mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm để bao mạng sống mà Covid-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài”, Bộ trưởng nói.
(Quý độc giả có thể xem toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ ký cam kết tại đây)
Vân Anh