Ảnh minh họa: Internet |
Từ 1/10/2019, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chính thức triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới theo Quyết định số 1618/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó từ 1/10, sẽ giảm các phòng chức năng tham mưu, giúp việc cho Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh từ 7 xuống còn 5, riêng Kho bạc Nhà nước Hà Nội được tổ chức 3 Phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước TP.HCM được tổ chức 2 Phòng Kiểm soát chi.
Hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng thực hiện việc sáp nhập 15 Kho bạc Nhà nước cấp huyện vào Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh… Như vậy, hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục cắt giảm 128 phòng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; sáp nhập, cắt giảm 15 Kho bạc Nhà nước cấp huyện và xóa bỏ 48 cấp tổ đội tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội và TP.HCM.
Theo đánh giá, đây là bước tiến mới của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Theo Quyết định mới của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt và hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước; Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn, kiểm tra các Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp huyện) thực hiện các hoạt động nghiệp vụ theo chế độ quy định.
Đối với nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính nhà nước theo quy định của pháp luật, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh cần tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước; tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; thực hiện điều tiết các khoản thu cho các cấp ngân sách theo quy định của pháp luật; Thực hiện kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Quản lý các tài sản quốc gia quý hiếm theo quyết định của cấp có thẩm quyền, quản lý tiền, tài sản, ấn chỉ đặc biệt, các loại chứng chỉ có giá của Nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có nhiệm vụ thực hiện giao dịch thu, chi tiền mặt; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho, quỹ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Tổ chức thực hiện công tác kế toán ngân sách nhà nước: Hạch toán kế toán về thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính do Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh quản lý, các khoản vay nợ, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và các hoạt động nghiệp vụ kho bạc tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; Báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật; Thực hiện nhiệm vụ tổng kế toán nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện chương trình hiện đại hoá hoạt động Kho bạc Nhà nước; cải cách hành chính theo mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, công khai hoá thủ tục, cải tiến quy trình nghiệp vụ và cung cấp thông tin để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.
Theo Quyết định, các phòng chức năng tham mưu, giúp việc Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, gồm có: Phòng Kế toán nhà nước; Phòng Kiểm soát chi; Phòng Thanh tra - Kiểm tra; Phòng Tài vụ - Quàn trị; Văn phòng. Riêng Kho bạc Nhà nước Hà Nội được tổ chức 3 Phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh được tổ chức 2 Phòng Kiểm soát chi.
Quyết định nêu rõ, quan hệ giữa Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh với Ủy ban nhân dân các cấp được quy định như sau: Được Uỷ ban nhân dân cùng cấp tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ và chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Uỷ ban nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật; Có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và huy động vốn cho ngân sách nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về số liệu thu, chi ngân sách nhà nước và các hoạt động của Kho bạc Nhà nước có liên quan theo quy định với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện thông tin báo cáo về số liệu thu, chi ngân sách nhà nước cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các quy định của Bộ Tài chính về quan hệ công tác với các cơ quan tài chính trên địa bàn. Được phép yêu cầu các cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan tài chính cấp huyện và cơ quan nhà nước khác có liên quan trên địa bàn cung cấp hồ sơ, tài liệu cần thiết theo quy định phục vụ cho hoạt động Kho bạc Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo về số liệu thu, chi ngân sách nhà nước và các hoạt động của Kho bạc Nhà nước có liên quan theo quy định cho cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan tài chính cấp huyện và cơ quan nhà nước khác có liên quan trên địa bàn.
Cũng theo Quyết định của Bộ Tài Chính, Kho bạc Nhà nước sẽ phải hoàn thành việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện trước ngày 31/12/2019.