Nhu cầu tăng, giá gạo vọt lên cao nhất 7 năm
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, quý 1 năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,67 triệu tấn gạo (tăng gần 20%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36,7% thị phần, giá trị đạt 257,2 triệu USD (tăng 19,1%) so với cùng kỳ.
Các thị trường khác giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam cũng tăng mạnh là Trung Quốc (gấp 4,37 lần), Đài Loan (gấp 2,79 lần) và Indonesia (tăng 92%).
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt gần 462 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Sang đến tháng 4/2020, khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta ước đạt 400.000, giá trị 185 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 đạt 886 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân đẩy giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh |
Hiện giá gạo trên thị trường thế giới cực kỳ sôi động, thậm chí có thời điểm vọt tăng lên mức cao nhất 7 năm trở lại đây.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ vào giữa tháng 4/2020 tăng lên mức cao nhất 8 tháng. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đạt mức 375-380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 8/2019, cao hơn đáng kể so với 361-365 USD/tấn được niêm yết vào tháng 3.
Đến nửa đầu tháng 4 năm nay, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan vọt tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Song, gần cuối tháng 4, giá gạo của nước này hạ nhiệt xuống còn 530-538 USD/tấn.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496 triệu tấn, giảm 0,6% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 đạt 490 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng thông tin, để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Indonesia có kế hoạch thu mua khoảng 950.000 tấn gạo trong dân nhằm duy trì tồn kho ở mức 1-1,5 triệu tấn. Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sản lượng nông nghiệp nội địa khi khuyến khích trồng trở lại 2 vụ lúa/năm.
Giá gạo hiện nay tăng tại hầu khắp các thị trường, song cần lưu ý tồn kho trong dân tại khu vực châu Á tăng có thể tác động đến nhu cầu trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo.
Nông dân trúng mùa lớn chưa từng có
Cùng với sự sôi động trên thị trường thế giới, giá lúa trong nước cũng có xu hướng tăng mạnh vài trăm đồng 1kg. Tại một số địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, các thương nhân thu gom nhiều loại lúa thường để chế biến thành gạo trắng xuất khẩu và dự trữ đã khiến giá tăng lên mạnh, đặc biệt là ngay sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu vào đầu tháng 4/2020.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, vụ đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch xong, thương lái xuống tận ruộng mua lúa với giá cao hơn từ 500-1.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Tại các vựa lúa ở nước ta, người nông dân vừa có vụ đông xuân vừa được mùa lại được giá |
“Ngoài chuyện lúa được giá cao, vụ này lúa nông dân còn trúng mùa lớn chưa từng có”, ông Cường cho biết. ĐBSCL vụ đông xuân gieo trồng 1,54 triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt gần 70 tạ/ha, cao hơn cả năng suất năm 2018 (năm được mùa nhất từ trước đến nay).
Theo ông Cường, vụ đông xuân vừa rồi khá khó khăn do xâm nhập mặn sâu và sớm hơn những năm trước. Song, Bộ NN-PTNT đã có dự báo từ sớm, đặc biệt với kinh nghiệm chống hạn mặn năm 2015-2016 nên các tỉnh ở ĐBSCL né được hạn mặn.
Kế hoạch né hạn mặn được xây dựng cho từng tỉnh. Lịch gieo cấy được đẩy lên sớm hơn trước 15-30 ngày, đồng thời sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn mặn tốt nhưng cho chất lượng gạo cao. Bên cạnh đó cũng kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích đã bị xâm nhập mặn. Kết quả, thiệt hại giảm xuống mức thấp nhất, lúa trúng mùa, sản lượng toàn vùng đạt 10,7 triệu tấn, ông cho hay.
“Vụ này nông dân còn thắng lớn vì sâu bệnh ít nên chi phí cho phân bón, thuốc BVTV giảm chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước”, ông nói.
Theo ông Cường, ngoài ĐBSCL, ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vụ đông xuân lúa cũng đạt năng suất cao kỷ lục.
Ông Nguyễn Tấn Phát - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định, cho hay, năng suất lúa vụ đông xuân bình quân toàn tỉnh trong vụ đông xuân năm nay đạt 7,1 tấn/ha, cao hơn 1,2 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt có những khu vực thâm canh tốt, năng suất lúa đại trà đạt trên 8 tấn/ha.
Không chỉ được mùa, giá lúa hiện nay được thương lái thu mua ở mức 6.000-6.200 đồng/kg, cao nhất lên đến 7.200 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ năm ngoái. Theo đó, trung bình 1ha nông dân lãi từ 25-30 triệu đồng.
Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cũng cho biết, năng suất lúa vụ đông xuân bình quân đạt 7,6 tấn/ha, cao hơn 3 tạ/ha so với trung bình nhiều năm. Giá lúa vụ này cũng tăng khoảng 20% nên nông dân rất phấn khởi.
Báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, Bộ NN-PTNT nhận định sản lượng lúa thu hoạch 6 tháng đầu năm (gồm toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước) dự kiến đạt 20,1 triệu tấn, trong đó các tỉnh phía Bắc 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam 13,2 triệu tấn.
Dịch cúm Covid-19 có thể tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ. Nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ. Do vậy, Bộ NN-PTNT sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông lên khoảng 800 nghìn ha nếu có thể.
Tâm An