W-Cầu NĐ Ninh Bình_4.jpg

Trước năm 1991, 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình từng là 1 tỉnh mang tên Hà Nam Ninh. Năm 1991, Quốc hội ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh là Nam Hà và Ninh Bình. Đến năm 1996, tỉnh Nam Hà tiếp tục được chia tách thành 2 tỉnh Nam Định, Hà Nam và ổn định cho đến ngày nay.

Từ khi chia tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ, tỉnh Nam Định và Ninh Bình có ranh giới tự nhiên là sông Đáy. Khi ấy, chỉ có duy nhất một cây cầu đường sắt nối đôi bờ sông, xưa gọi là cầu Non Nước.

W-Cầu NĐ Ninh Bình_10.jpg

Cây cầu này nối TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) với huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), được xây dựng từ thời Pháp thuộc, khi phát triển tuyến đường sắt Bắc – Nam. Cầu vừa phục vụ tàu lửa, vừa có làn cho xe thô sơ và người đi bộ hai bên. Sau này, khi có cầu Non Nước mới, cầu cũ được gọi với nhiều cái tên như cầu Ninh Bình, cầu Non Nước sắt, cầu Non Nước cũ.

W-Cầu NĐ Ninh Bình_16.jpg
Cầu Non Nước mới là cây cầu bê tông cốt thép thuộc quốc lộ 10, cách cầu Non Nước sắt khoảng 400m.
W-Cầu NĐ Ninh Bình_2.jpg
Cách cầu Non Nước khoảng 8km về phía hạ lưu sông Đáy là cầu Nam Bình thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam (đoạn Cao Bồ – Mai Sơn).
W-Cầu NĐ Ninh Bình_3.jpg
Năm 2022, cầu Nam Bình được đưa vào khai thác, sử dụng.
W-Cầu NĐ Ninh Bình_1.jpg
Việc hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn trong đó, có cầu Nam Bình đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối 2 tỉnh Nam Định, Ninh Bình với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc và các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đặc biệt là thu hẹp khoảng cách giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Qua đó, tuyến cao tốc sẽ trở thành "cú hích" cho các tỉnh Nam Định, Ninh Bình phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
W-Cầu NĐ Ninh Bình_11.jpg
Ngoài 3 cây cầu trên, phía thượng nguồn sông Đáy còn có cầu Bến Mới nối TP Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) với huyện Ý Yên mới được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024.
W-Cầu NĐ Ninh Bình_12.jpg
Cầu Bến Mới nằm trên quốc lộ 38B có tổng chiều dài hơn 3,2km bao gồm đường dẫn, trong đó, cầu vượt sông dài 648m, quy mô 2 làn xe cơ giới, tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng. Đây là cây cầu lớn nhất trong 6 cầu thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1).
W-Cầu NĐ Ninh Bình_15.jpg
Cầu Bến Mới thông xe sẽ kết nối hoàn chỉnh quốc lộ 38B, tạo thêm trục kết nối giữa các khu, điểm du lịch của 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình, đồng thời mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía Bắc TP Ninh Bình
W-Cầu NĐ Ninh Bình_18.jpg
Một cây cầu vượt sông lớn nối 2 tỉnh Nam Định, Ninh Bình nữa là cầu sông Đáy thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng (CT.08). Cầu có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến 2km nối huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) và huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định); trong đó, cầu vượt sông dài 1,36km, rộng 19,5m.
W-Cầu NĐ Ninh Bình_19.jpg

Công trình có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Hiện, cầu đã hoàn thành, người dân phía đôi bờ đã có thể đi qua cầu sông Đáy thuộc tuyến CT.08 để không phải đợi phà như trước.

W-Cầu NĐ Ninh Bình.jpg

Cây cầu vượt sông thứ 6 nối 2 tỉnh Nam Định, Ninh Bình là cầu vượt sông Đáy dài gần 1,2km đang xây dựng. Cây cầu này thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1), kết nối đôi bờ 2 tỉnh, một bên là huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), bên kia là huyện Nghĩa Hưng.

Cầu khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, củng cố an ninh quốc phòng, tạo thuận lợi trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.