Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, dự kiến hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.


TOÀN CẢNH NAM ĐỊNH TRƯỚC SÁP NHẬP VỚI HÀ NAM, NINH BÌNH
Nam Định là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam và những năm gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn nơi đây để thực hiện các dự án dệt may lớn, tổng giá trị hàng trăm triệu USD.

Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích 1.668,8km2, dân số xấp xỉ 1,9 triệu người. Trong đó, khoảng 1 triệu người thuộc độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số, tạo nên nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng. Ảnh: VD

Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 1 thành phố (TP Nam Định) và 8 huyện.
TP Nam Định là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa và kinh tế của tỉnh. Thành phố đã được mở rộng diện tích lên 120,9 km², gấp khoảng 2,6 lần so với trước đây.

Trụ sở hành chính của tỉnh được quy hoạch tập trung tại khu vực trung tâm thành phố.
![]() | ![]() |
![]() | ![]() |
Các công trình phúc lợi công cộng, đường nội đô, hệ thống công viên cây xanh, quảng trường… được đầu tư nâng cấp, góp phần định hình diện mạo một đô thị xanh, thân thiện và chất lượng sống cao.

Hạ tầng giao thông tại TP Nam Định cũng được quan tâm đầu tư, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối các khu vực trong thành phố, đặc biệt là khu vực hai bên bờ sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai.

Nam Định có nhiều lợi thế để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Tỉnh sở hữu hệ thống giao thông đa dạng, liên hoàn, kết nối nhiều hình thức vận tải gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho giao thương và phát triển kinh tế.
Nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua tỉnh Nam Định được đầu tư nâng cấp, kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia như cao tốc Hà Nội - Ninh Bình đi qua Nam Định; các tuyến Nam Định - Phủ Lý, quốc lộ 21, quốc lộ 10, quốc lộ 38B, quốc lộ 37B, quốc lộ 21B kéo dài...
![]() | ![]() |
Cầu sông Đáy (trái) và cụm công trình kênh Đáy - Ninh Cơ (phải)
Với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, những năm gần đây, Nam Định có bước đột phá về hạ tầng kết nối.
Các công trình trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng đã hoàn thành như tuyến đường bộ ven biển dài 65,58km, đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1), cụm công trình kênh Đáy - Ninh Cơ, các tuyến tỉnh lộ 487B, 488C… đang giúp Nam Định từng bước thoát khỏi “vùng trũng giao thông”, qua đó thu hút đầu tư.
![]() | ![]() |
Bãi biển thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (trái) và khu đóng tàu tại làng Phú An, huyện Trực Ninh (phải)
Với bờ biển dài 72km, hệ thống sông lớn chảy qua gồm sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ có tổng chiều dài 251km, cùng hệ thống cảng sông và 279km sông địa phương, Nam Định có mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ hiệu quả nhu cầu vận tải.
Nam Định tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, chủ lực của khu vực ven biển như cảng biển, sản xuất thép, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp dệt may... Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) tại Nam Định
Nam Định là cái nôi của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Nhà máy Dệt Nam Định được người Pháp xây dựng từ thế kỷ 19 từng được xem là biểu tượng công nghiệp Đông Dương.
Thời kỳ 2021-2030, Nam Định tiếp tục khai thác 6 KCN đã thành lập gồm KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Dệt may Rạng Đông, Bảo Minh mở rộng, Mỹ Thuận và dự kiến phát triển thêm 10 KCN, nâng tổng diện tích quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 2.546ha.
Các KCN đã hoạt động ngày càng phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn bao gồm cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Theo Sở Tài chính Nam Định, tính đến ngày 25/3/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó cấp mới cho 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 121 triệu USD.

Với định hướng phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững, bên cạnh phát triển công nghiệp, Nam Định hướng tới tổ chức các hoạt động phát triển du lịch gắn với bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử và tự nhiên.

Trước đó, Nam Định đặt mục tiêu tới năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm phát triển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%.

Diện mạo từ thành thị tới nông thôn Nam Định đã ngày một đổi khác.