Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, được quản lý bằng hệ thống thông minh với nhiều camera đặt khắp nơi, có hệ thống đo đếm xe và tốc độ đưa dữ liệu về trung tâm xử lý.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là điểm nối tiếp của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thông xe và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2012. Dự án khởi công gói thầu đầu tiên từ tháng 1/2006, gói thầu cuối cùng vào tháng 11/2009. Chiều dài toàn tuyến 50km, điểm đầu tại km 210 trên Quốc lộ 1A (nút giao Đại Xuyên) thuộc địa phận Hà Nội, điểm cuối tại km 260+030 (nút giao Cao Bồ) trên Quốc lộ 10 (đoạn nối Ninh Bình-Phát Diệm). Trên hình ảnh là đoạn đầu của cao tốc, nhánh rẽ phải về Phủ Lý (Hà Nam), đi thẳng tới Ninh Bình và Nam Định. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đường rộng 6 làn xe tổng cộng 35,5 m. Các nút giao đều được thiết kế giao thông khác mức, có hệ thống an toàn giao thông, thông tin tín hiệu và trạm dịch vụ trên đường. Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc này bao gồm ôtô con, xe khách, xe tải, xe container. Riêng môtô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy nổ, xe quá khổ, quá tải bị cấm hoàn toàn. Khu vực vòng xoay dưới cầu vượt Liêm Tuyền thuộc xã Liêm Tiết, xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Với vận tốc tối đa 100 km/h, nay các phương tiện chỉ mất hơn 1 giờ để đi từ Hà Nội đến Ninh Bình (80 km) thay vì trải qua gần 2,5 tiếng như trước đây trên đường Quốc lộ 1 cũ. Tuyến đường này được quản lý bằng hệ thống giao thông thông minh, có camera giám sát khắp nơi, hệ thống đếm xe, đo tốc độ. Tất cả dữ liệu đều được đưa về trung tâm điều hành để phân tích. Nếu có xe gặp nạn hay vi phạm tốc độ, cảnh sát giao thông sẽ kịp thời đến hiện trường xử lý. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ, y tế ứng trực 24/24h để đảm bảo an toàn trên tuyến. Cầu Giẽ - Ninh Bình là dự án đầu tiên trên cả nước thí điểm phương thức doanh nghiệp vay vốn đầu tư đường cao tốc, sau đó thu phí để hoàn vốn. Tổng đầu tư của dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng vốn điều lệ của VEC và 8.174 tỷ vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh. Kể từ khi đưa vào sử dụng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã góp phần làm giảm ách tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển. Phí đường bộ trên tuyến cao tốc này thấp nhất là 70.000 đồng (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt), cao nhất 280.000 đồng một lượt với xe tải trên 18 tấn, xe container. |
Điểm cuối của cao tốc tại nút giao Cao Bồ quốc lộ 10. Trên hình ảnh, các phương tiện nếu rẽ trái sẽ đi Nam Định, rẽ phải vào trung tâm thành phố Ninh Bình. Dự án sẽ tiếp tục được xây dựng nối tiếp từ đây đi qua địa phận các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và điểm cuối giao với đường trục quy hoạch khu kinh tế Nghi Sơn. Quy mô là đường cao tốc loại A với 2 làn xe, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h. |
(Theo Zing.vn)