Đại diện EVN Hà Nội, chuyên gia đã có mặt tại VietNamNet để tham gia tọa đàm LÀM RÕ CÁCH TÍNH HÓA ĐƠN TIỀN ĐIỆN nhằm cung cấp thông tin minh bạch về cách tính giá điện đang được quan tâm.
Mời độc giả theo dõi toàn bộ nội dung tọa đàm:
Nhà báo Lương Bằng:
Kính thưa quý vị và các bạn!
Nhiều khách hàng của điện lực Hà Nội đang băn khoăn khi thấy hóa đơn tiền điện tháng này tăng cao, thậm chí gấp đôi so với kỳ hóa đơn trước đó. Nhiều thắc mắc đã được khách hàng đặt ra với ngành điện Hà Nội.
Lý do được giải thích là điện lực Hà Nội đã thay đổi lịch ghi chỉ số từ tháng 2/2024. Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng thì hoá đơn tiền điện trong tháng này sẽ cao hơn so với bình thường, do số ngày tiêu thụ điện tăng lên tới gần 2 tháng.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng tại Hà Nội vẫn chưa hết băn khoăn.
Để thông tin đầy đủ hơn tới bạn đọc, hôm nay, báo VietNamNet tổ chức tọa đàm LÀM RÕ CÁCH TÍNH HÓA ĐƠN TIỀN ĐIỆN.
Tại buổi Tọa đàm hôm nay, xin trân trọng giới thiệu:
- Bà Tô Lan Phương - Trưởng ban Kinh doanh Điện lực Hà Nội
- Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh
- Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:
Giới thiệu khách mời
Ông Đào Nhật Đình
Chuyên gia năng lượng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Bà Tô Lan Phương
Trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI
Ông Hà Đăng Sơn
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh
tất cả câu hỏi
Trước hết là câu hỏi với đại diện EVN Hà Nội. Thưa bà, một số khách hàng của Điện lực Hà Nội đang băn khoăn khi thấy hóa đơn tiền điện tháng này tăng cao so với kỳ hóa đơn trước đó, bà có thể giải thích rõ hơn cách tính hóa đơn tiền điện của tháng này, cũng như nguyên nhân khiến hóa đơn tháng này tăng cao hơn?
Bà có thể nói gì về lo ngại của một số khách hàng rằng gộp hóa đơn của gần hai tháng khiến họ phải trả nhiều tiền hơn do giá điện được tính lũy kế theo bậc?
Bà Tô Lan Phương
- Từ tháng 2/2024, EVN Hà Nội thay đổi cách ghi chỉ số vào ngày cuối tháng. Cơ sở tính hóa đơn tiền điện được xác lập trên số điện năng sử dụng thực tế của khách hàng theo số điện sử dụng thực tế theo quy định về số lần ghi chỉ số công tơ trong tháng tại Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, trong đó chỉ ghi chỉ số 01 (một) lần đối với khách hàng sinh hoạt và theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ Công Thương: mức sử dụng điện của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ đó”.
Trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số, Hóa đơn tiền điện được lập trên cơ sở điện năng tiêu thụ của khách hàng trong kỳ ghi chỉ số theo công thức tính toán quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Tháng 2/2024, số ngày sử dụng điện thực tế được kéo dài thành từ 38-57 ngày mới trả tiền điện, không phải là 30 ngày thông thường, mà tuỳ theo thời điểm cuối cùng của kỳ ghi chỉ số tháng trước. Như vậy, tiền điện của quý khách hàng tháng này tăng cao hơn tháng trước là tương ứng với với số ngày thực tế của khách hàng và định mức của mỗi bậc thang cũng được điều chỉnh tương ứng chứ không bị dồn vào ở bậc thang ở mức cao.
Quý khách hàng vui lòng truy cập đường dẫn: https://evnhanoi.vn/cskh/cong-cu-tinh-hd-tien-dien để kiểm tra, tính toán hóa đơn tiền điện của mình.
- Điều lo ngại của bạn đọc sẽ không xảy ra bởi như tôi chia sẻ cơ sở tính toán hóa đơn tiền điện là phải tuân thủ các quy định, cụ thể sản lượng tiêu thụ điện được xác định theo số ngày sử dụng điện thực tế của kỳ ghi chỉ số đó nên việc gộp 2 tháng để tăng lũy tiến là không có. Tôi lấy ví dụ khách hàng ghi chỉ số ngày mùng 3, thì kỳ ghi chỉ số đã kéo dài 57 ngày và bậc thang tương ứng là bậc 1 và bậc 2; trước đây là 50kWh đối với 30-31 ngày thì là giờ 92kWh, tương tự như vậy là bậc 3 bậc 4, trước đây là 100kWh giờ sẽ là 184kWh.
Tiếp theo là câu hỏi dành cho chuyên gia Nhật Đình. Được biết ông cũng vừa nhận được hóa đơn tiền điện của gia đình mình và có chia sẻ hóa đơn đó lên trang cá nhân. Ông có thể cho biết kỳ hóa đơn lần này có vấn đề gì làm ông băn khoăn hay không?
Ông Đào Nhật Đình
- Điều đầu tiên tôi cảm ơn EVN Hà Nội vì tôi được trả chậm tháng 1, đầu tháng 3 mới phải trả. Tôi là người theo dõi điện sử dụng nhà mình rất kỹ, tức là khi nhận được hóa đơn tôi theo dõi hóa đơn rất kỹ. Tôi đã vào trang web của EVN Hà Nội để xem ngày ghi chỉ số là bao nhiêu, thường sớm hơn 1-2 ngày so với ngày mình nhận hóa đơn. Dựa trên ngày ghi chỉ số là mùng 6 hàng tháng tôi sẽ tính từ mùng 7-9/2 của tôi là bao nhiêu ngày, từ đó tính tỷ lệ thuận kWh tôi được tính giá bậc 1, kWh tính giá bậc 2, kWh tính giá bậc 3. Tôi đã kiểm tra và đúng hết, không sai đồng nào.
Một số độc giả có gửi câu hỏi đến báo VietNamNet hỏi tại sao Điện lực Hà Nội không tách thành 2 hóa đơn, mà lại gộp làm 1, khiến khách hàng khó theo dõi và dấy lên những băn khoăn như chúng ta đang thấy, thưa bà?
Bà Tô Lan Phương
- Cũng như chuyên gia Hà Đăng Sơn vừa chia sẻ, đấy quy định chung của cơ quan nhà nước mà chúng tôi phải thực hiện. Ở đây là theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, trong đó chỉ ghi chỉ số 01 (một) lần đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, thời gian sử dụng điện ví dụ như ngày mùng 3 thì sẽ tính từ 4/1-29/2 và đó là hóa đơn tiêu thụ điện của tháng 2/2024. Do đó không thể tách thành 2 hóa đơn để phát hành và thu tiền như ý kiến của khách hàng.
Vâng, thưa bà Tô Lan Phương, gửi câu hỏi đến báo VietNamNet, một số bạn đọc cũng thắc mắc khi hóa đơn tăng gấp 3, 4 lần. Với những khách hàng thuộc diện này, thì bà có thể cho biết Điện lực Hà Nội sẽ có những bước tra soát như thế nào để đảm bảo quyền lợi khách hàng?
Bà Tô Lan Phương
- Về việc giám sát và kiểm tra, EVNHANOI cũng đã có hệ sinh thái chăm sóc khách hàng. Trên đó khách hàng cũng có thể chủ động vào đó để kiểm tra và tra soát hệ số điện tiêu dụng hàng ngày, ở đây chuyên gia Sơn cũng đã vào và giám sát chỉ số cũng như sản lượng điện tiêu thụ của gia đình. Ngoài việc hàng ngày giám sát như vậy trên web của EVN Hà Nội cũng có công cụ tính hóa đơn tiền điện, vào đó khách hàng sẽ tự tính được hóa đơn tiền điện của gia đình khi mà đã có điện năng tiêu thụ. Công thức này là một công thức chung, thống nhất trên toàn quốc chứ không chỉ một mình EVN Hà Nội sử dụng. Nên việc khách hàng lo ngại về việc tính sai hóa đơn thì chúng tôi sẽ có các bộ phận để giải đáp ý kiến của khách hàng. Ở đây khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài chăm sóc khách hàng 19001288 chúng tôi phục vụ 24/7. Ngoài ra cũng có thể chatbot hoặc gửi thư điện tử [email protected] hoặc các phòng giao dịch của các công ty điện tử trên địa bàn 30 quận, huyện của Hà Nội.
Mặt khác, quý khách hàng vui lòng truy cập đường dẫn: https://evnhanoi.vn/cskh/cong-cu-tinh-hd-tien-dien để kiểm tra, tính toán hóa đơn tiền điện của mình.
Vậy còn ông Hà Đăng Sơn, thưa ông, ông có thắc mắc gì về hóa đơn lần này hay không? Cách tính hóa đơn tiền điện của EVN Hà Nội lần này có làm ông thấy khó hiểu hay khó theo dõi?
Ông Hà Đăng Sơn
- Thực ra chúng ta cần làm rõ một số điểm. Thứ nhất, các quy định mà chị Phương đã nêu là quy định do Bộ Công Thương ban hành. Khung pháp lý đó hoàn toàn do Bộ Công Thương ban hành và đưa ra các chỉ dẫn. Việc của EVN hay EVN Hà Nội hay bất kỳ tổng công ty điện lực nào thuộc EVN cũng đều thực hiện theo các quy định đã được Bộ Công Thương ban hành, chứ không phải EVN có thể tự ý đưa ra một quy định nào đó, cách tính nào đó. Theo tôi nghĩ đó là cái thắc mắc nhiều nhất của người dân.
Mục tiêu của toạ đàm hôm nay cũng nên làm rõ điểm là giữa các căn cứ pháp lý để thực hiện triển khai tính toán và việc cụ thể hoá tính toán đó có phù hợp các quy định pháp lý hay không. Câu chuyện có thiệt hại hay không tôi cũng có lần trao đổi với Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực, và tôi cũng hỏi một câu tại sao hoá đơn các anh tính ghi điện của tôi tháng Giêng sao lại ghi hoá đơn tháng Hai. Các anh bên Ban Kinh doanh cũng trả lời là liên quan tới câu chuyện về kế toán chứ không phải liên quan tới vấn đề thực tế tiêu thụ ở đâu. Tiêu thụ điện của chúng ta trong tháng Giêng nhưng do việc xuất hoá đơn và nhận lại hóa đơn tiền điện chi trả lại trong tháng 2 nên theo nguyên tắc kế toán là ghi hóa đơn tháng 2, điều này tạo nên sự nhầm lẫn không nhỏ đối với người tiêu dùng.
Việc EVN Hà Nội cũng như các tổng công ty điện lực khác điều chỉnh hiện nay cũng làm cho chúng ta minh bạch hoá, khớp lại chuẩn lại khung thời gian thay vì câu chuyện anh dùng tháng 1 xong xuất hoá đơn thu tiền vào tháng 2 thay vì chúng ta dùng trong tháng 2 chỉ xuất hoá đơn trong tháng 2, vào cuối tháng. Như thế về mặt kế toán chúng ta chuẩn hoá lại kế toán.
Về vấn đề chi trả, cũng như chuyên gia Nhật Đình, tôi có vào trang web của EVN Hà Nội và vào các công cụ app khác nhau để rà soát lại cụ thể. Điều rất là may mắn các công tơ điện tử đã lắp đặt, chúng ta có thể rà soát rất chính xác tiêu dùng điện năng từng ngày của chúng ta.
Như tôi check lại chính xác luôn từ ngày 7/1 cho tới 29/2 tôi xem chính xác từng ngày tiêu dùng của tôi. Rõ ràng trong trường hợp này việc có những tiêu dùng đột biến xảy ra cỡ tầm khoảng cuối tháng Giêng khi nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, xu hướng chung của các gia đình chúng ta dùng nhiều các thiết bị như máy điều hoà không khí, máy sưởi, thiết bị máy hút ẩm. Rõ ràng, trong gia đình tôi cũng thể hiện rõ trên các chỉ số đo đếm điện.
Những ngày đấy đúng là tiêu dùng tăng đột biến. Khi chúng ta thấy mức độ tăng đột biến theo từng gia đình một, khi đó xảy ra câu chuyện mức độ tăng tiêu dùng cũng như tăng hoá đơn điện là bao nhiêu. Trong trường hợp này phát sinh của việc chi trả nhiều hơn không phải trong tháng 2, không phải do câu chuyện chúng ta kéo dãn ra năm mươi mấy ngày.
Trong trường hợp này, bản thân trong tháng Giêng của chúng ta, giai đoạn cận Tết, chúng ta tiêu dùng rất nhiều điện. Dù là ghi chúng ta dùng 31 ngày hay năm mươi mấy ngày đều có những đột biến tăng rất lớn như thế.
Tôi cũng đã so sánh giữa tiêu dùng của năm 2023 với 2024, trong trường hợp này tiêu dùng điện năng tính tổng của tôi lên hơn gấp 2 chứ không phải gấp 1. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại toàn bộ cách phân bổ tiêu thụ điện năng thì tầm 70% các tiêu thụ điện diễn ra trong 31 ngày đầu tiên, tức là trong chu kỳ hoá đơn đầu tiên chứ không phải giai đoạn sau của chúng ta. Có nghĩa là việc có kéo dãn tới 29/2 không ảnh hưởng tới mức áp giá.
Như chị Phương đã giải thích, chúng ta có những điều chỉnh liên quan khung thời gian, bậc thang khác nhau tôi có tính lại, thực chất sai số của tính toán điện của gia đình có thể khoảng 8.000 đồng, chưa tính câu chuyện làm tròn cơ cấu tính giá. Tôi tính 2 con số sau dấu phảy, nhưng rõ ràng khi tính toán của EVN trên hệ thống họ không làm tròn 2 dấu phảy mà họ làm tròn theo chỉ số ghi điện, tức 1 kwh. Như vậy, sai sót hầu như không đáng kể.
Ông Sơn vừa đánh giá rất cao việc EVN Hà Nội phủ 100% công tơ điện tử, còn ông, ông đánh giá như thế nào về việc này?
Ông Đào Nhật Đình
EVN HN đã thực hiện 100% công tơ điện tử. Công tơ điện tử đã chuyển dữ liệu về EVN Hà Nội. Đó là bước tiến tốt, khi chính chúng ta có thể xem được công tơ điện của chính mình. Tôi cũng không quan tâm nhiều đến chi tiết tiền điện hàng tháng, nhưng nói đến góc cạnh chi tiêu tài chính gia đình thì cách tính gọn tiền điện hàng tháng từ mùng1 đến 31 sẽ cho ta thấy cảm giác minh bạch tài chính.
Thưa chuyên gia Hà Đăng Sơn và chuyên gia Đào Nhật Đình, các chuyên gia đánh giá thế nào về EVN Hà Nội thay đổi lịch chỉ số công tơ về ngày cuối tháng đối với toàn bộ khách hàng?
Ông Đào Nhật Đình
Về ghi chỉ số công tơ không đơn giản là biện pháp quản lý, mà là chỉ số cho thấy là EVN Hà Nội và trước đây là Công ty Điện lực TP.HCM đã lắp 100% công tơ điện tử. Nhờ công tơ điện tử đã truyền được toàn bộ số liệu về một điểm của Công ty Điện lực Hà Nội.
Chúng ta hay nói đến 4.0, số hóa... nhưng đây là bước tiến rất quan trọng. Tôi giờ khá nhiều tuổi, tôi nhớ những ngày các anh EVN mặc cái áo da cam đèo nhau cầm theo thang tre để đi kiểm tra công tơ điện. Ngày đó biến mất lúc nào đó mà tôi cũng không nhớ. Chúng ta giờ đến lúc ngồi một chỗ và không những là Tổng công ty Điện lực Hà Nội xem được công tơ của chúng ta, mà chúng ta cũng có thể xem được công tơ của chính mình. Đấy là bước tiến rất lớn về mặt tự động hóa.
Còn về mặt điện sinh hoạt, tôi cũng không quan tâm nhiều lắm đến việc tháng này của tôi phải đúng đến 30. Nếu chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về tài chính gia đình, tôi thấy tính gọn tiền điện từng tháng, từ mùng 1 đến 31 hàng tháng sẽ cho ta thấy cảm giác minh bạch tài chính.
Việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ đã được EVN Hà Nội báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sở ban ngành của UBND thành phố Hà Nội hay chưa, thưa bà?
Bà Tô Lan Phương
- Để chuẩn bị cho việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện vào tháng 2/2024, EVNHANOI đã có một thời gian khá dài để chuẩn bị hạ tầng công nghệ, tức là phải chuyển đổi từ công tơ cơ khí sang công tơ điện tử 100%, có thu thập dữ liệu từ xa và kết nối với hệ sinh thái chăm sóc khách hàng, để khách hàng có thể giám sát. Trước khi quyết định việc thay lịch ghi chỉ số điện theo lịch trình, chúng tôi đã báo cáo UBND Thành phố Hà Nội, Sở Công Thương cũng như có văn bản gửi UBND các quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố, cụm dân cư, các tòa nhà trên địa bàn và thông tin tới các khách hàng sử dụng điện.
Việc EVN Hà Nội thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng đối với toàn bộ khách hàng trên địa bàn sẽ đem lại những lợi ích như thế nào cho khách hàng, cũng như công tác quản lý của EVN Hà Nội, thưa bà?
Bà Tô Lan Phương
- Việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ của EVNHANOI vào cuối tháng sẽ không dẫn đến những hiểu lầm của khách hàng, ví dụ như là tháng 1 hay tháng 2 như chuyên gia Đào Nhật Đình là nhắc đến, mà đảm bảo tính minh bạch để khách hàng có thể giám sát. Khách hàng có thể biết sản lượng điện sử dụng trong tháng cũng như hóa đơn từ ngày đầu đến ngày cuối tháng, cũng như giám sát trên hệ thống chăm sóc khách hàng của hệ sinh thái EVN Hà Nội như trang web và app. Đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ trùng khớp với kỳ kê khai quyết toán thuế từ mùng 1 đến cuối tháng. Đối với khách hàng DN chúng tôi sẽ khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng CNTT mà EVN Hà Nội đã chuẩn bị để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đưa đến những trải nghiệm tốt nhất và mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
Ông có đồng tình với giải thích của đại diện EVN Hà Nội về cách tính hóa đơn tiền điện của kỳ tính giá lần này hay không, thưa ông?
Ông Hà Đăng Sơn
- Tôi nghĩ rằng câu chuyện của chúng ta ở đây nó liên quan tới vấn đề là truyền thông. Nghĩa là các thông tin chúng ta đưa ra chưa đúng lúc, chưa mang tính chất chủ động, đi trước.
Chúng ta đã nói rất nhiều với nhau câu chuyện như trước Tết giá điện tăng lên bất thường, đấy là lúc chưa thay đổi thời điểm ghi hoá đơn mà đã liên tục có thời điểm trước Tết tại sao hoá đơn của tôi tăng lên bao nhiêu %, dịp hè nắng nóng tăng lên bao nhiêu %. Tôi phải nói rõ hồi xưa chưa có công tơ điện tử, rất khó để rà soát, trong gia đình tôi phải lắp riêng một công tơ điện tử để rà soát.
Nhưng sau khi chúng ta hoàn thiện hệ thống công tơ điện tử, tôi đo kiểm tra giữa 2 hệ thống đo, tôi thấy cái sai lệch giữa 2 hệ thống gần như không có. Trường hợp này tôi bỏ luôn công tơ điện tử tại nhà, là công tơ giám sát và hầu như mình chỉ dựa vào công tơ phía công ty điện lực đã lắp thôi để mình rà soát xem thực sự mình đã tiêu thụ điện thế nào. Tất nhiên có thể trong quá trình tiêu dùng điện năng người dân phát sinh một số vấn đề rò rỉ hay sự cố nào đó ở một số máy nào đó. Cái này thực sự đã diễn ra. Tôi đã từng xem ở trong cùng một khu do điều hoà không khí họ cùng lắp một thiết bị máy chúng ta thấy câu chuyện hai gia đình bên cạnh nhau nếu tường vách không đủ dày, khi bên này bật điều hoà có khi bật cả nhà bên cạnh. Điều này dẫn tới câu chuyện nhiều gia đình đi vắng nhưng điều hoà tự chạy, và đến khi nhà hàng xóm bật họ và đến khi họ tắt đi, điều hoà tự tắt, khi về tự nhiên thấy nhà lạnh. Chính tôi đã từng kiểm tra rồi, sau đó phải điều chỉnh tại các vị trí lắp điều khiển để tránh tác động nhà bên cạnh. Đây là những lỗi do nhà thầu lắp đặt hệ thống không chú ý vấn đề đó. Nhưng rõ ràng đây là lỗi mà khách hàng nêu vấn đề thắc mắc thì tổng công ty điện lực đi rà soát kiểm tra lại, họ đưa ra những bằng chứng. Tuy nhiên, chúng ta thấy hiện nay hệ thống pháp luật đã đầy đủ những cái cơ chế để giúp cho người tiêu dùng có thể có khiếu nại, được giải đáp. Nếu chưa thoả đáng có thể đưa ra các cấp độ khác.
Chúng ta thấy nhiều trường hợp chất lượng dây dẫn, đấu nối tạo ra các rò rỉ, thất thoát điện, bên Điện lực cũng chia sẻ rất nhiều về vấn đề này. Việc đầu tiên chúng ta nên ghi nhận có 2 yêu cầu trong tiêu dùng điện năng. Số 1 nên sử dụng thiết bị có độ an toàn và chất lượng vì khi chúng ta sử dụng thiết bị rẻ tiền không rõ ràng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, gây rủi ro không chỉ thất thoát điện năng có thể dẫn tới vấn đề như cháy nổ, gây nguy hiểm cho gia đình. Cái thứ 2 nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại áp dụng tính giá điện bậc thang gây ảnh hưởng, đây không phải là quy định của EVN. Chúng ta khẳng định với nhau đó là quy định của Chính phủ. Chính phủ đưa ra cách tính giá điện bậc thang để giải quyết bài toán điện năng là tài nguyên, mỗi một Kwh điện tăng lên đòi hỏi sử dụng những nguồn điện với chi phí cao hơn, đắt tiền hơn. Do đó mỗi một công dân của Việt Nam phải có ý thức trong câu chuyện sử dụng điện tiết kiệm. Đấy là tài nguyên chúng ta phải dành dụm, không gây lãng phí. Khi nhắc lại câu chuyện là Chính phủ Việt Nam có cam kết phát thải ròng bằng 0, tức Net zero, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trong những vấn đề được nêu ra hoạt động mấu chốt trong giải pháp đạt được net zero của Việt Nam.
Bằng việc đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử đo xa, thì những sai sót trong việc đọc chỉ số điện năng cũng sẽ hạn chế đáng kể, thưa bà?
Bà Tô Lan Phương
- Đó là sự mong muốn và phấn đấu của EVN Hà Nội trong thời gian gần đây. Chúng tôi lấy phương châm lấy khách hàng làm trung tâm nên nghiên cứu và đưa vào dịch vụ tốt nhất với khách hàng sử dụng điện, ví dụ như hệ sinh thái CSKH. Tất cả những bước tiến của EVN Hà Nội đều mang đến điều là không làm khách hàng phiền lòng.
Còn chuyên gia Hà Đăng Sơn, ông có ý kiến gì?
Ông Hà Đăng Sơn
- Đây là bước tiến rất quan trọng trong câu chuyện minh bạch hoá, tránh hiểu lầm trong vấn đề xuất hoán đơn. Như trước tôi đã nói, bản thân tôi không hiểu tại sao tiêu dùng điện của tôi trong tháng Giêng, cuối cùng lại xuất hoá đơn trong tháng 2. Bây giờ chúng ta đã làm được điều quan trọng, trong đó phải nhờ đến hạ tầng của các công nghệ Internet, 4.0 thì chúng ta mới làm được điều đó. Phải nhắc lại câu chuyện Việt Nam hiện nay bản thân trong khối ASEAN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng là một trong những đơn vị thuộc diện có chỉ số liên quan tới vấn đề đổi mới, tiếp cận điện năng, câu chuyện liên quan tới số hoá rất cao trong ASEAN. Tất nhiên, chúng ta so với các quốc gia phát triển như Singapore, tôi vừa đi công tác Singapore về, rõ ràng họ vượt chúng ta rất nhiều năm, nhưng hạ tầng của họ nếu nói về câu chuyện ghi chỉ số thì họ cũng không hơn chúng ta nhiều đâu. Tôi đã từng ở những khu vực mà họ sử dụng các công tơ như ngày xưa. Singapore không phải 100% họ dùng công tơ số đâu. Chúng ta phải cảm thấy may mắn khi các thành phố lớn Hà Nội hay TP.HCM chúng ta đã hoàn thiện việc phủ công tơ số 100%. Một cuộc họp năm ngoái tôi họp cùng với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, họ nói rằng việc phủ công tơ điện tử cho toàn bộ khu vực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc rất khó khăn. Với những vùng mật độ dân số cao, đô thị hoá cao thì dễ, nhưng có những vùng chúng ta thấy rằng hộ dân đi từ nhà này sang hộ dân bên kia hàng cây số, chứ không phải chúng ta bước từ bên này sang bên kia. Trong khu vực nào chúng ta có thể số hoá được, chuyển đổi được đấy là điều may mắn. Những khu vực, như chuyên gia Nhật Đình nói, những anh mặc áo cam cầm thang đi từ điểm này sang điểm kia vẫn xảy ra ở Việt Nam, vẫn có địa phương những xã, huyện, chúng ta phải thực hiện việc ghi chỉ số công tơ. Việc lắp đặt công tơ điện tử ở những vùng sâu vùng xa rất khó khăn. Đấy là một thực tế. Tôi nghĩ rằng đây là niềm vui, tôi rất muốn chia sẻ với Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Chúng ta đã làm được điều khác biệt so với khoảng chục năm về trước.
Ông có nghĩ rằng với việc áp dụng 100% công tơ điện tử đo xa, thống nhất lịch ghi chỉ số vào ngày cuối tháng, thì khách hàng khiếu nại về hóa đơn tiền điện sẽ giảm bớt?
Ông Hà Đăng Sơn
- Tôi cũng làm nhiều về vấn đề truyền thông, tôi cũng phải nói thật là người dân thay vì câu chuyện chúng ta hãy dựa trên cơ sở những con số, rất may mắn công tơ điện tử đo xa, hàng ngày chúng ta nhìn rõ ràng số điện đã dùng thay vì chúng ta đi cãi nhau các con số tại sao chúng ta ở nhà hay không ở nhà mà lại tiêu dùng điện. Bây giờ chúng ta nhìn thấy rõ ràng ngày hôm nay là bao nhiêu Kwh, ngày mai là bao nhiêu kwh. Như gia đình tôi, tôi nhìn rõ ràng luôn tuần nào chúng tôi tiêu dùng hết bao nhiêu, tuần nào là tuần có đột biến về tiêu thụ điện. Thay vì câu chuyện khách hàng chúng ta vẫn cứ phàn nàn như trước chúng ta nên trở thành những khách hàng thông minh. Trước khi phàn nàn chúng ta hãy vào trang web của EVN Hà Nội, rất đơn giản đăng tài khoản, vào đấy nhìn xem tiêu dùng của hộ nhà mình bao nhiêu, thực sự tiêu dùng tuần đó có cao như vậy hay không? Nếu chúng ta nhìn thấy tuần đó tôi dùng điều hoà rất nhiều từ sáng tối, đương nhiên phải khác so với những ngày chúng ta không bật điều hoà. Chúng ta thấy điều hoà công suất cao tiêu thụ điện nhiều hơn so với những ngày chỉ dùng quạt hay đèn thôi. Trước mắt chúng ta nên tự mình kiểm tra lại cái con số tiêu dùng điện của mình nhờ hệ thống sinh thái, hệ thống công tơ điện tử, sau đó nếu thực sự có vấn đề chúng ta hãy quay lại phàn nàn, khiếu nại với bên Tổng công ty Điện lực Hà Nội.
Ông Đào Nhật Đình nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Ông Đào Nhật Đình
- Tôi cũng đánh giá rất cao việc EVN Hà Nội đã chuyển sang 100% công tơ điện tử, phủ hết Hà Nội. Nhưng tôi hơi bi quan một chút về số khiếu hại có giảm hay không. Tôi nghĩ cũng hơi khó. Đúng như anh Sơn nói, trước khi chúng ta khiếu nại chúng ta có quyền xem được tất cả lượng điện tiêu thụ của mình. Ngày xưa anh Sơn có thể lắp đặt công tơ riêng để đo, còn tôi phải lắp Ampe kế kẹp để đến lúc tôi tắt hết các thiết bị điện xem nhà mình có bị rò rỉ gì không, lúc tôi bật điều hòa để xem là bao nhiêu AmPe.
Bây giờ chúng ta có công cụ rất là minh bạch, vào trang web hoặc vào Epoint, để có thể biết hôm nay chúng ta tiêu thụ điện nhiều hay ít. Ngày hôm nay 39 độ C, chúng ta sẽ tiêu thụ điện nhiều hơn. Nếu người tiêu dùng thông minh mà tự kiểm tra được thì số khiếu nại sẽ ít đi.
Nếu khách hàng có thắc mắc về hóa đơn tiền điện thì có thể phản ánh với EVN Hà Nội qua kênh nào, thưa bà?
Bà Tô Lan Phương
- Trước khi trả lời câu hỏi, theo luồng chia sẻ của chuyên gia, tôi xin phép có ý kiến thêm. Từ khi chúng tôi ra mắt hệ sinh thái CSKH của EVN Hà Nội, tỷ lệ khách hàng có khiếu nại thắc mắc về hóa đơn tiền điện tăng cao đã giảm hẳn. Ví dụ như các mùa hè năm 2019-2020, tổng đài CSKH của Trung tâm Chăm sóc khách hàng thường xuyên nhận được những cuộc gọi hỏi, rằng tại sao hóa đơn tiền điện của chúng tôi cao thế? Nhưng từ thời điểm tháng 2/2021 cho tới mùa hè 2021, 2022, việc khách hàng có ý kiến về việc tại sao hóa đơn tiền điện tăng cao giảm hẳn. Bởi khách hàng là người tiêu dùng thông minh, như chuyên gia Sơn đã chia sẻ, hàng ngày họ vào theo dõi biết được là hôm nay tôi bật điều hòa 8 tiếng thì sản lượng điện tăng lên như thế này; hôm nay tôi không bật điều hòa, tiết kiệm thì sản lượng điện giảm đi rõ rệt. Đó là cái EVN Hà Nội đã đạt được sau quá trình chuyển đổi số và đưa đến những dịch vụ mới cho khách hàng. Về câu hỏi của nhà báo, EVN có hệ sinh thái CSKH, sẵn sàng lắng nghe phản hồi và tiếp nhận toàn bộ thắc mắc của khách hàng sử dụng điện, bất kỳ ý kiến gì trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện. Với việc thay đổi lịch ghi chỉ số này, khách hàng có thể vào tra cứu cách tính toán hóa đơn tiền điện, cũng không chỉ tháng thay đổi lịch ghi chỉ số này mà bất kỳ tháng nào cũng có thể kiểm tra. Ngoài ra, khách hàng có thể truy cập đường dẫn sau để kiểm tra hóa đơn của mình: https://evnhanoi.vn/cskh/cong-cu-tinh-hd-tien-dien. Để được tiếp nhận và giải đáp về hóa đơn tiền điện tháng 2, khách hàng có thể lựa chọn một trong các hình thức sau: Chatbot EVNHANOI, gửi đến hộp thư điện tử [email protected] hoặc gọi Hotline 19001288 phục vụ 24/7.