Các nhà quản lý, chuyên gia đều nhận định rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, sẽ tạo nên những thay đổi đột phá cho nền kinh tế, xã hội.
Theo dự báo, đến năm 2020 toàn thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IOT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây.
Đây là cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo..., là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử…
Cùng đó, với cơ hội lớn trên nền tảng hạ tầng thông minh hiện nay, các doanh nghiệp startup hoàn toàn có thể là cầu nối để đem những giá trị tri thức của nhân loại về Việt Nam, giúp giải quyết các bài toán của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, ICTnews tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?” để các chuyên gia sẽ trao đổi, đánh giá về xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các startup Việt cần làm gì để có thể bắt nhịp làn sóng 4.0, nên bắt đầu như thế nào để hiện thực hóa ước mơ...
Tham gia tọa đàm trực tuyến “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?”, 4 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp CMC, Nexttech, Rada và Vinalink cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra những gợi ý, khuyến cáo cho các startup trên hành trình khởi nghiệp, các startup đang cần gì từ bàn tay hỗ trợ của Nhà nước; đâu là rào cản, bất cập khiến sự phát triển của startup bị hạn chế… để từ đó tìm ra lời giải, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng startup Việt.
Buổi tọa đàm được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến các chuyên gia trả lời và đăng tải trên ICTnews.vn.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của 4 chuyên gia, gồm có: ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC; ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech; ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink; và ông Mã Hoàng Hải, nhà sáng lập, CEO Công ty cổ phần Rada.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên - Tổng Biên tập Báo Bưu điện Việt Nam cho biết, tại thời điểm tháng 5/2017, nhân sự kiện kỷ niệm 10 năm sinh nhật ICTnews.vn, chuyên trang của Infonet.vn, chúng tôi đã công bố chương trình đồng hành cùng cộng đồng startup Việt Nam. Tại chuyên mục Khởi nghiệp, chúng tôi hỗ trợ truyền thông cho các startup, nói lên những khó khăn của startup hiện nay và ICTnews cũng kỳ vọng trở thành địa chỉ tin cậy để startup kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Với ý nghĩa đó, cùng với rất nhiều các tin bài về khởi nghiệp được các phóng viên của ICTnews thực hiện trong suốt thời gian qua, ngày hôm nay, ICTnews tổ chức tọa đàm trực tuyến “Cách mạng 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?”, là dịp để các chuyên gia với tâm huyết của mình cùng trao đổi, đưa ra những đánh giá, góp ý cũng như lời khuyên quý báu cho cộng đồng startup trên hành trình khởi nghiệp nhiều chông gai.
Tuyên bố bắt đầu buổi tọa đàm, Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam Võ Đăng Thiên cảm ơn các chuyên gia đã dành thời gian quý báu để có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay.
Độc giả quan tâm đến tọa đàm có thể đặt câu hỏi và gửi về cho Ban Tổ chức theo địa chỉ [email protected]ặc [email protected]
MC: Các chuyên gia có thể đánh giá về xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
CEO Vinalink Tuấn Hà: Nếu như ngày xưa có những cái chúng ta nghĩ rằng không thay thế được thì nay, trong cuộc CMCN 4.0 đã có thể thay thế. Ví dụ như Nexttech của Việt Nam tung ra dịch vụ thanh toán di động qua mobile, hay dịch vụ trong ngành giao thông như Uber, Grab đang thay thế dịch vụ sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm truyền thống còn đang rất nhiều và đó chính là cơ hội cho giới trẻ. Cuộc chơi đó thuộc về giới trẻ. Nhưng “giới già” cũng không muốn bỏ cuộc chơi mà tìm đến giới trẻ để đầu tư. Đó là những vườn ươm, các dự án. Họ đang bắt tay để nâng đỡ giới trẻ. Cuộc CMCN 4.0 là cơ hội để giới trẻ khởi nghiệp.
Cuộc thay đổi này không chỉ bó hẹp trong 1 quốc gia mà là toàn cầu. Một bạn trẻ của Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ cho Mỹ. Thực tế đã có những trường hợp như vậy. Trong CMCN 4.0 không có khoảng cách, startup có thể mở rộng đi ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Thực tế luôn ý kiến khác nhau về cơ hội và thách thức CMCN 4.0 đang đến rất gần. Có người cho rằng CMCN 4.0 cơ hội cao, có người cho rằng thách thức cao. Theo tôi, thách thức hay cơ hội tùy theo nhận thức mỗi người. Có thể nói quan điểm về vấn đề này thường có 3 nhóm. Nhóm cho rằng, có nhiều cơ hội, nhóm thận trọng hoài nghi cho rằng có nhiều thách thức, có nhóm cho rằng không liên quan. Cá nhân tôi cho rằng, CMCN 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội dựa trên nền tảng công nghệ, tri thức, kinh tế số đem lại lợi ích to lớn cho toàn thế giới. CMCN 4.0 tạo ra cơ hội nhiều hơn thách thức.
Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng và trẻ, CMCN 4.0 là cơ hội các bạn trẻ tiếp cận công nghệ tốt hơn. Chúng ta có thách thức là nước đi sau các nước công nghiệp phát triển, nhưng lại có lợi thế là tận dụng những ưu việt của nước đi trước, bên cạnh đó khả năng hội nhập của người Việt tương đối tốt, sáng tạo tốt, thích nghi với những cái mới. CMCN 4.0 ai mà có khả năng đáp ứng tốt là cơ hội rất lớn, nhất là đối với ngành CNTT. Nền tảng của CMCN 4.0 sử dụng CNTT rất nhiều, các doanh nghiệp CNTT không chỉ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho thị trường 100 triệu dân mà còn có cơ hội tiếp cận với thị trường 7 tỷ người. Quan trọng là sản phẩm, dịch vụ có khả năng đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay không. Các doanh nghiệp Việt Nam cần biến thách thức thành cơ hội mới, tạo ra những sản phẩm mới, có tính sáng tạo cao.
MC: Rất nhiều chuyên gia lo ngại rằng chúng ta bị chậm chuyến tàu CMCN 4.0, ông nghĩ thế nào về quan điểm này?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Nói về CMCN 4.0 không phải có nhiều nước có nhận thức sớm so với Chính phủ Việt Nam, nhiều quốc gia khác chưa có nhận thức như Việt Nam. Sau nhận thức thì Chính phủ đã có những hành động hợp lý, nhưng chúng ta cần có thời gian chuyển dịch các ý tưởng này thành chính sách. Ví dụ, vấn đề chất lượng nhân lực không giải quyết trong 1 tháng hay 1 năm mà phải mất từ 3-5 năm, nếu dịch chuyển thì 3-5 năm mới xảy ra, nên chúng ta phải kiên trì một chút. Vừa rồi Chính phủ có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động TBXH cho phép một phương thức đặc thù về đào tạo nhân lực CNTT. Các trường được chủ động về giáo án, giáo trình, không bị quota về tuyển sinh. Quan trọng hơn cả là có phối kết hợp đào tạo của nhà trường và doanh nghiệp. Sinh viên được thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp thời gian đó được tính vào thời gian học tập của sinh viên.
MC: Tôi muốn hỏi ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech nhận định như thế nào về cơ hội cũng như thách thức của các startup Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Nguyễn Hòa Bình: NextTech tính đến nay, nếu tính từ thời điểm startup công ty dịch vụ CNTT đầu tiên (năm 2004) cũng đã gần 14 năm với khoảng 30 công ty và hiện còn “sống” khoảng hơn 20 công ty trong 3 lĩnh vực chính triển khai tại 7 nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam.
Nói về startup trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chưa đi ngay vào câu hỏi, tôi muốn đề cập đến một số vấn đề về mặt nền tảng triết lý. Trong cuộc sống loài người nói chung, liên tục có các cuộc cách mạng, mỗi cuộc cách mạng lại đẩy xã hội loại người tiến lên một bước phát triển nữa.
Tôi cho rằng có 2 loại cách mạng và mỗi cuộc cách mạng đều có 1 triết lý nào đó thì mới có thể thành công. Ví dụ như cách mạng trong lịch sử, chúng ta thấy với các cuộc chiến tranh nổ ra do có một sự áp bức, là để phá tan xiềng xích; hay trong các cuộc cách mạng về kinh tế, 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đều có chung lý do là để tăng được năng suất lao động. Đó là nội hàm của các cuộc cách mạng. Khi chúng ta dùng từ “Cách mạng”, chúng ta phải tìm ra được nội hàm của nó đâu là áp bức bóc lột, đâu là năng suất lao động để từ đó đề ra được lý tưởng, triết lý của cuộc cách mạng lần này. Đó chính là kim chỉ nam cho các startup trong việc tìm kiếm các ý tưởng để chúng ta liên tục sản sinh ra được những ý tưởng mới để thực hiện cuộc cách mạng này.
Theo ý kiến cá nhân tôi, phạm trù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này nằm ở mấy yếu tố sau: CNTT hiện nay là là hạ tầng của hạ tầng, một yếu tố không thể thiếu không thể thiếu với các ngành khác. Triết lý ở đây là chúng ta nhìn thấy có vấn đề, đó là các doanh nghiệp truyền thống trong hàng trăm năm nay quá bảo thủ, chậm trễ trong việc thay đổi chính bản thân mình để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Ví dụ như một case stady điển hình là ngành taxi - nạn nhân rất lớn của cách mạng công nghiệp 4.0. Hàng trăm năm nay, ngành taxi không có thay đổi gì, giá cước vẫn như vậy. Còn nhớ cách đây 5-7 năm, báo chí rất nhiều lần nói khi giá xăng tăng thì taxi tăng cước dịch vụ, còn khi giá xăng giảm thì lại giảm cước rất chậm. Tôi cũng được nghe chuyện các hãng taxi, cứ đầu tư taxi là có lãi và lãi cao, bản chất lãi đó đến từ túi tiền của người tiêu dùng. Tương tự, chúng ta thấy nhiều ngành truyền thống khác cũng đi vào “vết xe đổ” của ngành taxi, họ không có động cơ, động lực để làm cho dịch vụ của mình tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, đó chính là nội hàm của “áp bức” để tạo mồi lửa cho cuộc cách mạng lần này.
Lý tưởng và triết lý của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là chúng ta phải sử dụng CNTT để tăng được năng suất lao động, từ đó tiết kiệm được chi phí, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Thậm chí, các doanh nghiệp truyền thống nếu không thích ứng được thì đó chính là đối tượng cần phải lật đổ trong cuộc cách mạng này. Trong bài toán kinh tế, “áp bức” chính là sự trì trệ, bảo thủ, không chịu thay đổi của các doanh nghiệp truyền thống.
Các doanh nghiệp CNTT có 2 con đường, một là hợp tác, giúp cho các doanh nghiệp truyền thông thay đổi, hoạt động hiệu quả hơn, đem lại năng suất lao động tốt hơn, mang đến quyền lợi tốt hơn cho người tiêu dùng; hoặc là “lật đổ” họ, giống như cách Uber, Grab hay Rada đã làm. Câu chuyện giống như “cây gậy” và “củ cà rốt”, doanh nghiệp truyền thống hợp tác thì sẽ có củ cà rốt, nếu họ không hợp tác thì sẽ có những cây gậy như Uber, Grab. Đây chính cơ hội của các doanh nghiệp startup công nghệ Việt Nam. Chúng ta phải đưa ra những dịch vụ mà từ góc nhìn của tôi, NextTech vẫn hay làm, đó là điện tử hóa. Các startup công nghệ hãy thay đổi tận gốc rễ cách chúng ta làm việc, hoạt động. Một phạm trù cũng rất quan trọng để thực hiện việc này là “nghĩ hoàn toàn khác biệt”, nghĩ ngược lại, nghĩ từ trên xuống dưới. Lấy ví dụ như ý tưởng của Uber, Grab là ý tưởng ngược hoàn toàn so với các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Ngay với NextTech, mới đây chúng tôi đã startup thêm một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kết nối, cho vay tiêu dùng: Fintech. Tôi đưa ra ý tưởng sử dụng công nghệ nào đó để chúng ta có thể cho khách hàng vay tiền mà không cần phải gặp mặt, không cần phải thế chấp, làm sao để trong tương lai chỉ cần bấm một nút là có thể quyết định cho vay tiền ngay lập tức, đó là điều mà hiện nay tất cả các ngân hàng truyền thống không ai làm được và không ai dám làm. Khi chúng tôi đưa ra ý tưởng này, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đều cho rằng quá rủi ro. Cách nghĩ này theo tôi là cách nghĩ của tư tưởng truyền thống. Với công nghệ ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc: không cần gặp mặt nhưng có thể biết rõ về khách hàng hơn là gặp mặt. Đó chính là một ví dụ để thấy rằng các startup tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì buộc phải thực sự khác biệt tới tận gốc rễ. Nếu không sẽ không thể tạo được đột phá, đột biến để phát triển, nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, đúng như Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính đã nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến cho các startup rất nhiều thách thức. Cá nhân tôi cũng thấy rất lo, quả thật khởi nghiệp tại Việt Nam chúng ta hô hào nhiều nhưng chất lượng startup như các chuyên gia đã nhận định, đang còn rất yếu. Và trong so sánh với các nước trong khu vực, ví dụ ở Indonesia, công ty GoJek chỉ sau 3 năm đã được định giá 3 tỷ USD; Malaysia có Grab; Thái Lan cũng đã có một vài doanh nghiệp chạm tới ngưỡng tỉ USD chỉ trong vòng vài năm. Phải chăng tại Việt Nam hiện nay chúng ta đang nói, hô hào quá nhiều nhưng kết quả thì thực tế, chúng ta cũng phải nhìn lạ năng lực của đội ngũ startup nước nhà.
Bản thân NextTech đã startup hơn chục năm nay, xây dựng được một hệ sinh thái nhưng vẫn chưa thể so được với các quốc gia trong khu vực nếu nói về chất lượng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xóa nhòa biên giới. Trong thế giới ngày nay, nhiều doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới đã đến Việt Nam, nếu các startup Việt không làm tốt hơn, không thay đổi “tận gốc rễ” thì cơ hội sẽ không dành cho chúng ta mà sẽ dành cho các doanh nghiệp tại các nước khác. Nhìn thách thức đó, tôi thực sự thấy lo ngại.
MC: Về mặt chính sách, liệu chính sách đã theo kịp tốc độ phát triển cúa cộng động khởi nghiệp hay chưa? Tại Việt Nam hiện nay có chính sách nào đang là rào cản, bất cập khiến sự phát triển của startup bị hạn chế?
Ông Mã Hoàng Hải, nhà sáng lập, CEO Rada: Chính phủ, các bộ ngành đã có những nỗ lực và có các hành động dày đặc để hỗ trợ startup. Tuy nhiên, cũng phải công nhận 1 điều so với các quốc gia khác trong khu vực thì Việt Nam vẫn là đất nước cần cải thiện về chính sách để cần bắt kịp các quốc gia. Để các startup có được các môi trường vận hành ngang bằng với các quốc gia trong khu vực thì cần cải thiện chính sách hơn nữa. Cần tập trung ở một vài khía cạnh: Vốn (thủ tục về đầu tư cần sớm ban hành); hình thức gọi vốn cộng đồng đã khá phổ biến nhưng ở Việt Nam chưa có hành lang rõ ràng để startup vận dụng triển khai; Việt Nam chưa có sàn huy động vốn dành cho startup; Vấn đề sở hữu trí tuệ như thủ tục đăng ký, bảo hộ,… Bởi một trong những tài sản lớn nhất của các startup là vấn đề trí tuệ. Chính sách tiếp cận đến các nguồn vốn vay có ưu đãi còn gặp khó.
Chính phủ nên cho phép các startup có thể tiếp cận đến các nguồn vốn bằng sản phẩm trí tuệ thay vì các tài sản thế chấp hay doanh thu. Với những quy định như hiện nay thì việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thực sự ngoài tầm với của các startup.
MC: Startup cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Nói đến khởi nghiệp mọi người thường hay nghĩ đến có nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ tiền, nhưng theo tôi Chính phủ chỉ tạo ra môi trường thể chế, chính sách, ít khi hỗ trợ đầu tư bằng tiền mà sẽ có nhóm các doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư tham gia đầu tư. Đối với các nhà đầu tư họ mà nhìn thấy cơ hội tốt sẽ bỏ tiền ra đầu tư, mua dịch vụ đó để phát triển thành những sản phẩm của mình. Theo tôi, với các starup tiền bạc là một điều kiện nhưng ý tưởng có thực sự đem lại hữu ích và độc đáo hay không mới quyết định ý tưởng khởi nghiệp đó có ý nghĩa hay không.
Đối với khởi nghiệp, vai trò của các doanh nghiệp đầu tư rất quan trọng, vì thế mới đây CMC đã xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trong công ty mình. Bản thân lãnh đạo CMC cũng thấy rằng cần phải kích thích sáng tạo của anh em trong công ty, kêu gọi sáng tạo từ bên ngoài. Hệ sinh thái khởi nghiệp CMC có nhiều điều kiện để giúp các khởi nghiệp thành công.
MC: Cách mạng 4.0 đòi hỏi tất cả các doanh nghiệp kể cả lớn và nhỏ đều phải chuẩn bị bước vào xu hướng này. Vậy CMC đã chuẩn bị như thế nào trước làn sóng này?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: CMC đã xây dựng thành Tập đoàn theo mô hình sáng tạo dự trên học hỏi mô hình doanh nghiệp sáng tạo thế giới (như Google). Trong đó, CMC hình thành các tổ chức nghiên cứu và học tập như Viện nghiên cứu ứng dụng CMC, Trung tâm Sáng tạo CMC, Trung tâm Phát triển Nguồn lực CMC, Hệ thống các phòng thí nghiệm cho các xu hướng công nghệ mới 4.0: Big Data/AI, IoT, Security, Robotic. Hình thành Quỹ Sáng tạo CMC để đầu tư cho các ý tưởng mới trong và ngoài công ty từ các startup.
MC: Có ý kiến cho rằng, với Cách mạng 4.0 các startup sẽ phải học hỏi từ những doanh nghiệp đi trước như CMC, FPT, Viettel… hay các doanh nghiệp ICT toàn cầu. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các doanh nghiệp lớn không phải là chuyện dễ dàng. Vậy CMC sẽ chia sẻ cho các startup về điều này thế nào?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Đúng là các tập đoàn lớn có ưu thế về kinh nghiệm thị trường, quan hệ khách hàng, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và các startup hoàn toàn có thể chủ động tiếp cận với thị trường qua Internet và qua kênh Digital marketing. Để có thể khởi nghiệp thành công tôi muốn nhấn mạnh với startup về tính chủ động để giải quyết các vướng mắc của các bạn, và luôn suy nghĩ theo tinh thần tìm cách tự giải quyết tất cả các khó khăn, vướng mắc của mình. Về CMC chúng tôi có khả năng hỗ trợ các startup không chỉ về thị trường, mạng lưới khách hàng, mà còn hỗ trợ các bạn để phản biện hoàn chỉnh ý tưởng, mà còn hỗ trợ các bạn hiện thực hóa các ý tưởng của mình thông qua đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và môi trường nghiên cứu thử nghiệm, để giúp các startup có thể kiểm nghiệm được các ý tưởng của mình.
Các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với chúng tôi thông qua mô hình Vườn ươm, hoặc Trung tâm Sáng tạo CMC. CMC luôn rộng cửa chào đón các bạn miễn là các bạn có ý tưởng sáng tạo đem lại hữu ích cho người dùng.
MC: Về mặt chính sách, liệu chính sách đã theo kịp tốc độ phát triển của cộng đồng khởi nghiệp hay chưa? Tại Việt Nam hiện nay có chính sách nào đang là rào cản, bất cập khiến sự phát triển của startup bị hạn chế? Vân Khánh (Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTect: Theo ý kiến của tôi, để hướng tới mục tiêu “Quốc gia khởi nghiệp”, các bộ, ban, ngành cần có hành lang pháp lý cho phép thí điểm các mô hình, ý tưởng mới. Đó chính là cách để tạo điều kiện cho sáng tạo, là bước đi của một Chính phủ kiến tạo.
MC: Trong Cách mạng 4.0 có rất nhiều phần, nhưng theo ông startup không có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, nhân lực… thì nên tiếp cận như thế nào? Liệu startup có thể nhảy vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hay không thưa ông? (Hoàng Nam- Hà Nội)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Trước hết bạn phải có ý tưởng sáng tạo, suy nghĩ một cách nung nấu và thấu đáo, tin tưởng là ý tưởng của mình xuất sắc, mới lạ, và sẽ đem lại hữu ích cho người sử dụng, điều này là hết sức quan trọng. Trên cơ sở ý tưởng bạn phải từng bước tạo ra sản phẩm, dịch vụ ít nhất ở mức sản phẩm mẫu. Và chứng minh được với mình về tính khả thi của nó, khi đó bạn mới có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư, trình bày về ý tưởng của mình và chứng minh được tính khả thi.
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới, cơ hội mở ra rất lớn, tuy nhiên nếu muốn thành công thì sản phẩm của bạn cũng phải thực sự sáng tạo. Tôi cho rằng, trí tuệ nhân tạo là một xu thế rất tốt trong tương lai mà nếu các startup nếu có năng lực nên đầu tư.
MC: Cách mạng 4.0 thay đổi nhanh và khó dự đoán nên vấn đề đào tạo nguồn nhân lực sẽ khó khăn. Vậy CMC đã giải bài toán này thế nào?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với công ty công nghệ. Chúng tôi nhận thức rất rõ điều đó, chính vì thế trong CMC có các Trung tâm phát triển nguồn lực CMC, có Viện Nghiên cứu ứng dụng CMC, có các hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu các công nghệ mới. Điều này giúp cho việc đào tạo nhân lực của CMC luôn đáp ứng được yêu cầu của hiện tại và tương lai.
Không chỉ thế, CMC còn hợp tác với 5 trường đại học công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi có các chương trình phối hợp với nhà trường để cùng phối hợp tham gia với nhà trường trong công tác đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học giúp các bạn sinh viên trước khi ra trường có kỹ năng và trình độ đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.
CMC có các chương trình dành riêng cho sinh viên năm thứ 4, năm thứ 5 trước khi tốt nghiệp, hỗ trợ các bạn đào tạo thực tập chương trình vừa học vừa làm, có nhiều sinh viên hiện đang là nhân viên của công ty. CMC có kế hoạch trong vòng 3 năm tới sẽ cần có thêm 3.000 việc làm mới. Chính vì điều này chúng tôi nỗ lực cùng các trường tham gia vào công tác đào tạo, để chuẩn bị cho nguồn nhân lực của mình.
MC: Nhiều startup có ý tưởng nhưng thiếu vốn, họ nên bắt đầu như thế nào để hiện thực hóa ước mơ của mình? Nam Anh (Thái Nguyên)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTect: Đầu tiên cần khẳng định là hiện nay ý tưởng rất nhiều, rất dễ để có được và nhiều người có thể có chung một ý tưởng. Tuy nhiên, năng lực thực thi mới là vấn đề tối quan trọng. Trong đó, khả năng gọi vốn đầu tư cũng là một phạm trù trong khả năng thực thi.
Vì vậy, nếu bạn có ý tưởng thì hãy ít nhất phải tự huy động nguồn lực từ cá nhân, gia đình, bạn bè và những người xung quanh mình để thực hiện bản mẫu đầu tiên cho ý tưởng của mình, từ đó dùng bản mẫu này chứng minh với các nhà đầu tư rằng ý tưởng này là hiện thực ở quy mô nhỏ và mình có khả năng hiện thực hóa nó. Từ những nỗ lực ban đầu như vậy mới là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc việc đầu tư. Nếu không bạn sẽ rất khó có thể tìm được nhà đầu tư chỉ đầu tư vào ý tưởng, trừ phi họ biết rất rõ trước về năng lực của bạn.
MC: Doanh nghiệp đàn anh, doanh nghiệp lớn có thể làm bệ phóng cho cộng đồng startup trong nước như thế nào? Các điều kiện, hình thức để nhận được hỗ trợ…? Phan Bình (Hà Nội)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Tập đoàn NextTech là một ví dụ cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện thực hóa ước mơ của mình bằng một con đường startup an toàn hơn, đó là startup trong hệ sinh thái của NextTech. Tại NextTech chúng tôi chương trình “Next one hundred”, đặt mục tiêu trong khoảng 5 năm tới sẽ đầu tư hỗ trợ cho 100 doanh nhân công nghệ tiếp theo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nói về các điều kiện, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Có thể đúc kết 5 yếu tố quan trọng để NextTech lựa chọn các startup tham gia vào hệ sinh thái của đơn vị mình, trong đó: yêu cầu số 1 là phải đam mê; thứ hai là thái độ tốt; thứ ba là phải trẻ về hành động, suy nghĩ; thứ tư là có hiểu biết, kiến thức cơ bản về công nghệ, kỹ thuật số; và yếu tố cuối cùng là “hands-on”, là con người thiên về hành động, làm nhiều hơn nói.
MC: Startup cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước như thế nào?
Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink: Chính phủ đang rất nỗ lực hỗ trợ cộng đồng startup. Như Bộ KH&CN cũng tạo ra nhiều sân chơi cho cộng đồng khởi nghiệp (như tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest). Nhiều đến mức mà tôi thấy hiện nay thậm chí “khan hiếm” startup. Có những startup đi gọi vốn khắp 4-5 nơi, tôi nhìn đi nhìn lại chỉ có vài đại diện.
Bên cạnh đó theo tôi, Chính phủ có thể hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để các doanh nghiệp phát triển startup ngay trong chính doanh nghiệp của mình.
Như Tập đoàn CMC có thể phát động phong trào startup trong chính doanh nghiệp của mình. Nếu chính phủ hỗ trợ như vậy thì cơ hội mang lại sẽ nhiều hơn, startup được hỗ trợ tốt hơn.
MC: Một thống kê gần đây cho thấy, hơn 40% doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy? Phải chăng TP.HCM đang có cơ chế ưu đãi đặc biệt mà các tỉnh thành khác không thể đáp ứng được? Hồng Nga (TP.HCM)
Ông Nguyễn Hòa Bình: Nếu con số thống kê nêu trên là chính xác, tôi cho rằng nó cũng phản ánh đúng bức tranh kinh tế. Thông thường, 40% thị trường nằm ở khu vực TP.HCM, khoảng 30% ở Hà Nội. Do vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung ở TP.HCM cũng là điều dễ hiểu. Và theo tôi, con số này cũng không thể nói rằng TP.HCM có cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt hơn Hà Nội hay các địa phương khác.
MC: Tôi được biết CMC có Trung tâm hỗ trợ startup. Chúng tôi là 1 startup liệu chúng tôi phải làm thế nào, tiêu chuẩn nào để nhận được sự hỗ trợ từ CMC (Thanh Bình, Hà Nội)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Tiêu chuẩn rất đơn giản. Bạn gửi hồ sơ thông tin công ty, và cá nhân, giới thiệu tóm tắt ý tưởng đến Trung tâm Sáng tạo CMC, tầng 19 tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Hoặc Quỹ Sáng tạo CMC, tầng 17 tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có thư phản hồi cho bạn. Hiện có rất nhiều startup đã liên lạc và làm việc với chúng tôi.
MC: Tôi nghe đâu đâu cũng nói đến 4.0 với nhiều mỹ từ rằng Việt Nam sẽ tận dụng được cuộc cách mạng này. Vậy nếu chúng ta không theo được làn sóng này thì chuyện gì sẽ xảy ra? (Huỳnh Phong – Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Tùy theo mức độ ảnh hưởng của Cách mạng 4.0 đối với bạn, nó có thể tốt, xấu hoặc không liên quan đến bạn. Đơn giản là bạn có thể sẽ lỡ một chuyến tàu 5 sao.
MC: Cháu là một sinh viên muốn khởi nghiệp và muốn đi theo xu hướng 4.0. Xin chú cho cháu lời khuyên ạ? (Nguyễn Thắng, TP.HCM)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Thứ nhất cháu phải tự đánh giá mình có khả năng khởi nghiệp hay không. Cháu có ý tưởng sáng tạo không. Ý tưởng phải thật sự xuất sắc và mới. Còn nếu chưa có thì nên tìm một công việc phù hợp để vừa làm vừa học hỏi. Chuẩn bị cho các cơ hội của mình trong tương lai. Không ai có thể đưa ra lời khuyên đúng cho mình bằng chính mình.
MC: Trong Cách mạng 4.0 có rất nhiều phần nhưng theo ông startup không có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, nhân lực… thì nên tiếp cận như thế nào? Liệu startup có thể nhảy vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hay không thưa ông? (Hoàng Nam - Đà Nẵng)
Ông Mã Hoàng Hải: Tôi có một lời khuyên nhỏ, công nghệ đến rồi đi, công nghệ mới thay thế công nghệ cũ. Chúng ta sẽ còn nhiều cuộc cách mạng nữa trong tương lai. Tuy vậy, vấn đề của khách hàng, người dùng, của cộng đồng luôn là vấn đề cần có giải pháp. Bạn sẽ là người cung cấp giải pháp đó mới là điều quan trọng. Khi đã xác định đúng được vấn đề và đề ra được giải pháp thì vận dụng công nghệ nào là lựa chọn của bạn và phụ thuộc vào năng lực và nguồn lực bạn sở hữu. Trong giới startup có một thuật ngữ là “Customer pain” (tạm dịch là nỗi đau của người dùng). Nếu có một thứ công nghệ bạn cần học thì điều bạn nên học thì đó là công nghệ nắm bắt nỗi đau của người dùng.
MC: Cháu là 1 sinh viên CNTT sắp ra trường, cháu muốn làm dự án khởi nghiệp và muốn đón đầu làn sóng 4.0. Liệu cháu có cơ hội để vào CMC để thực hiện ước mơ này không? (Phạm Sơn – Phú Thọ)
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Thứ nhất cháu phải tự đánh giá mình có khả năng khởi nghiệp hay không. Cháu có ý tưởng sáng tạo không. Ý tưởng phải thật sự xuất sắc và mới. Còn nếu chưa có thì nên tìm một công việc phù hợp để vừa làm vừa học hỏi. Chuẩn bị cho các cơ hội của mình trong tương lai. Không ai có thể đưa ra lời khuyên đúng cho mình bằng chính mình. Tại sao không. Với CMC bạn chỉ cần có ước mơ, có mong muốn làm việc nghiêm túc và tinh thần học hỏi không ngừng.
MC: Các starup công nghệ có xu hướng làm sản phẩm ngắn hạn chỉ 1-2 năm, rồi tìm nhà đầu tư để bán lại, ông có lời khuyên gì cho các starup nếu họ định làm theo hướng đầu tư ngắn hạn này?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Xu hướng này chỉ là của một startup ngắn hạn. Về dài hạn, đối với các startup có tinh thần doanh chủ thường họ sẽ gắn bó cả đời với đứa con tinh thần của mình. Bạn có thể nhìn thấy nhiều tấm gương như Bill Gate, Steve Job, Jack Ma. Khi bạn định khởi nghiệp, nếu bạn chỉ suy nghĩ ngắn hạn, “ăn xổi” thì bạn rất khó thành công. Bạn phải yêu và chung thủy với đứa con tinh thần của mình thì mới có khả năng thuyết phục người khác.
MC: Hiện nay phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ nhưng tự phát, dường như đang thiếu sự kết dính cũng như thiếu một tổng chỉ huy, ông đánh giá thế nào về việc này? Liệu một cổng thông tin kết nối có đủ sức giải quyết các vấn đề trên? Phan Liễu (Bắc Giang)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Trước tiên, phải nói rằng phong trào khởi nghiệp hiện nay đang có sự bùng nổ, thuận lợi hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây 5 năm, 10 năm bởi nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội, sự hỗ trợ của nhà nước… Tất nhiên, trong bất kỳ cơn sốt nào cũng sẽ có yếu tố tự phát, “ảo” nào đó. Đây là một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Bản thân thị trường sẽ tự có điều chỉnh. Việc có thông tin đa chiều về startup ví dụ như cuộc tọa đàm đang diễn ra trên ICTnews sẽ giúp cho thị trường có thêm nhiều thông tin với nhiều chiều để có thể có những điều chỉnh phù hợp.
MC: Một startup như Rada đã bao giờ gặp tình cảnh hết tiền hay ứng dụng không tăng trưởng chưa? Lúc đó các anh làm thế nào? Minh Khang (TP.HCM)
Ông Mã Hoàng Hải: Trong thực tế Rada đã trải qua các vấn đề như đã đề cập: hết vốn, ứng dụng không tăng trưởng… Đây là một dấu hiệu tốt để doanh nghiệp startup sẽ có thể tăng trưởng. Lý do là nếu bạn không cảm thấy có vấn đề gì thì doanh nghiệp của bạn sẽ không thay đổi và không tăng trưởng.
Thiếu vốn hay không tăng trưởng là những vấn đề mà tất cả các startup đều gặp phải. Đây là lúc bạn và đội ngũ cần thể hiện khả năng sáng tạo, xoay sở để tồn tại và phát triển. Cần phải thay đổi cách nhìn, cách thực thi và các nguồn lực bạn có trong tay để tìm ra con đường phát triển giúp doanh nghiệp startup của mình tồn tại và tăng trưởng. Điều này cũng thể hiện niềm tin, sự kiên định và bản lĩnh của các thành viên trong công ty . Vượt qua được, doanh nghiệp sẽ thành công. Nhưng phải nói rằng trong thực tế thì rất nhiều startup đã thất bại khi gặp các vấn đề này. Jackma từng nói ngày hôm nay là khó khăn, ngày mai còn khó khăn hơn, ngày kia mới thực sự tươi đẹp. Nhưng điều đáng tiếc là các startup đều chết trước khi trời sáng. Niềm tin, sự kiện định và khả năng xoay sở (đó chính là sự sáng tạo) bởi bản chất của startup là đưa ra giải pháp trong tình cảnh các nguồn lực rất thiếu thốn. Hơn thua nhau chỉ là cách vận dụng các nguồn lực đó như thế nào.
MC: CMC là công ty Internet, tôi muốn hỏi ông là Cách mạng 4.0 sẽ cần hạ tầng thế nào? CMC có chuẩn bị gì cho điều đó không?
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC: Nền tảng của Cách mạng 4.0 là kinh tế số, trong đó việc chia sẻ, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data/AI), CMC đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng truyền dẫn, cung cấp khả năng kết nối dữ liệu tốc độ cao. Chúng tôi tự hào là nhà cung cấp hạ tầng kết nối xuyên ASEAN đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi có kế hoạch đầu tư mở rộng Data Center giai đoạn 3, giai đoạn 4 cả ở Hà Nội và TP.HCM. CMC cung cấp dịch vụ nền tảng điện toán đám mây (cloud Service), chúng tôi tự hào là công ty có dịch vụ điện toán đám mây dùng riêng (Private Cloud). Chúng tôi có phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về Big Data/AI. CMC đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain vào các dịch vụ tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.
Anh từng chia sẻ với truyền thông là hơn 15 năm qua, anh luôn cố gắng để giữ lửa đam mê như những ngày đầu mới khởi nghiệp. Điều này thực tế đã giúp gì cho sự phát triển của doanh nghiệp anh những năm qua? Và phải làm sao để có thể giữ được lửa nhiệt huyết trong quá trình khởi nghiệp? Viết Sơn (Hà Nội)
Ông Nguyễn HÒa Bình, Chủ tịch NextTech: Thứ nhất, phải có năng lực nhận thức, startup phải luôn nhận thức được mình đang ở đâu, tình trạng như thế nào và những cái mình đang làm có đi đến đâu được không? Tiếp đó, phải luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo để tìm nhiều con đường khác nhau đến mục tiêu. Ví dụ như khi cảm thấy bế tắc, “đâm đầu vào đá”, thay vì tiếp tục húc đầu vào để chảy máu đến chết, startup có thể lùi lại để xem xét bức tranh, tìm một con đường vòng, con đường khác để đến được mục tiêu, khi đó có thể tìm thấy được “biển rộng, trời cao”.
MC: Hiện nay, các phương tiện truyền thông nói nhiều đến nguy cơ xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến một số một số ngành nghề bị biến mất, nhiều người lao động sẽ bị máy móc thay thế? Là một người đã có nhiều năm trong ngành, anh đánh giá gì về quan điểm này?Nếu có thì những ngành nào, người lao động lĩnh vực nào bị ảnh hưởng rõ nhất? Và phải làm gì để không bị “đào thải”? (Phạm Hậu - Hải Phòng)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech: Theo quan điểm của tôi, nguy cơ một số một số ngành nghề bị biến mất, nhiều người lao động sẽ bị máy móc thay thế trong xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là có thật mà đang diễn ra. Lấy ví dụ ngay trong ngành ngân hàng, hiện nay đang có làn sóng lớn cắt giảm các chi nhánh, phòng giao dịch và nhân sự xảy ra dồn dập tại các ngân hàng trên toàn cầu để thay bằng các công cụ tự động hóa. Và không một ngành nào sẽ đứng ngoài làn sóng này. Muốn hay không muốn bạn cũng phải chấp nhận nó. Tôi cho rằng, để không bị “đào thải”, cần phải đầu tư vào giáo dục, trang bị những kỹ năng, kiến thức về công nghệ ngay từ nhỏ để chuẩn bị cho tương lai “robot hóa”, chỉ khi chúng ta làm chủ công nghệ, chúng ta mới không bị robot thay thế.
Độc giả Linh Giang (Hà Nội): Với nhiều người hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam, thương hiệu PeaceSoft, chodientu đã khá quen thuộc. Tại sao ông lại quyết định đổi tên doanh nghiệp mình thành NextTech, thay đổi này có liên quan gì đến sự chuyển mình của đời sống CNTT Việt Nam, của xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 hay không?
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech: Sự thay đổi thương hiệu từ PeaceSoft sang NextTech là cần thiết, thể hiện sự thay đổi trong tầm nhìn của công ty, không còn là công ty phần mềm mà là công ty công nghệ, với mục tiêu điện tử hóa cuộc sống.
Hơn nữa, NextTech cũng định hướng toàn cầu hóa, tiến ra thị trường nước ngoài và cũng tương tự như khi Google thay đổi định vị không chỉ là công ty tìm kiếm mà công ty đa dịch vụ trực tuyến, họ đã đổi thương hiệu thành Công ty Anphabet. Chúng tôi không thấy sự thay đổi này có bất lợi. Việc đổi thương hiệu trong giai đoạn đầu có gặp một số khó khăn trong tuyển dụng nhân sự, thu hút nhân tài. Tuy nhiên, nhưng khi truyền thông được sự thay đổi tầm nhìn, việc thu hút, xây dựng Công ty phát triển lên tầm cao mới cũng rất nhanh. Mặt khác, NextTech chỉ là tên tập đoàn, người dùng vẫn biết đến thương hiệu của các sản phẩm cụ thể Công ty đang đầu tư như MPOS, BoxMe, ShipChung, Ngân Lượng, Chợ điện tử…
MC: Đại diện Vinalink có thể đưa ra lời khuyên gì cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp với thương mại điện tử tại thời điểm hiện nay? Nguyễn Hải (Hà Nội)
Ông Hà Anh Tuấn: Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp với TMĐT cần quan tâm tới 2 khái niệm: Thứ nhất là tạo ra platform, công cụ để giúp người khác làm TMĐT tốt hơn. Và thứ hai là kinh doanh trên nền tảng online (sản phẩm, dịch vụ). Ở đây, tôi đề cập đến khái niệm thứ hai là khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng online với thất bại gần như rất khó nếu kinh doanh từ cái nhỏ lẻ nhất, rủi ro thấp. Đem sản phẩm bán chạy để bán thử, nếu không chạy thì thay đổi.
Với dài hạn, khi đã nghiên cứu sản phẩm, đã thành công thì cần nghĩ tới kế hoạch lâu dài, bền vững hơn. Cần đi sâu vào ngành nào đó, chiếm thị phần tốt, ứng dụng TMĐT để nuôi dưỡng khách hàng chứ không phải “săn bắn” đơn thuần. Cần đi vào dịch vụ thật tốt.
Cùng đó cần tận dụng tốt các công cụ hỗ trợ kinh doanh. Như công cụ chạy quảng cáo tự động, tự động hóa quy trình marketing, chăm sóc khách hàng, công cụ quản lý khách hàng… cần ứng dụng càng sớm càng tốt.
Cần lưu ý khởi nghiệp tối giản. Để tiết kiệm được bao nhiêu nguồn lực ngay càng tốt. Có thể không có văn phòng, sản phẩm mà là đơn vị trung gian, có thể hưởng tới 50% lợi nhuận thay vì 30% lợi nhuận như những nhà sản xuất trực tiếp. Cuối cùng, cần nghĩ đến thế mạnh của mình về lâu dài. Tuy nhiên cũng phải thực sự tâm huyết như trong 3 năm đầu tiên không được bỏ cuộc.
MC: Ông có lo ngại làn sóng startup công nghệ Việt chạy ra nước ngoài? Đăng Khoa (Hà Nội):
Ông Hà Anh Tuấn: Tôi rất lo ngại vấn đề này, nhưng thực tế chạy ra nước ngoài được mới là tốt. Vì nếu tồn tại được ở nước ngoài thì mới mang tiền về cho đất nước. Sống khỏe ở nước ngoài còn hơn là yếu tại Việt Nam.
Độc giả Trần Tuấn Dũng (Viettel Post) có hai câu hỏi:
Câu hỏi 1: -Theo anh dự báo, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động như thế nào đến các doanh nghiệp chuyển phát tại Việt Nam? Có cơ hội nào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này không? Tại sao?
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Cuộc cách mạng này không loại trừ ngày nào và ngành chuyển phát cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như các ngành khác. Ví dụ như các hãng vận tải công nghệ Uber, Grab, GoJek… đều đã bước chân vào lĩnh vực chuyển phát. Vì vậy, các hãng chuyển phát truyền thống sẽ buộc phải tự chuyển mình hoặc phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để chuyển đổi, điện tử hóa hoạt động của mình sang nền tảng hoàn toàn công nghệ nhằm đón đầu những thách thức như câu chuyện từng xảy ra với ngành taxi truyền thống.
Câu hỏi 2: Trong xu hướng cách mạng 4.0, các công ty chuyển phát Việt Nam cần thay đổi hệ thống CNTT như thế nào để có thể tồn tại?
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Đầu tiên, các lãnh đạo doanh nghiệp chuyển phát truyền thống phải xác định CNTT là cốt lõi, quyết định thành bại của doanh nghiệp.
Thứ hai, cần phải có tư duy ứng dụng công nghệ triệt để thay thế con người, cắt giảm chi phí, tăng độ chính xác và tận dụng nguồn lực của xã hội. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những dịch vụ đón đầu các thị trường ngách đang bùng nổ, ví dụ như giao nhanh với hàng thực phẩm..
Hoàng Oanh (Đà Nẵng) Từ thực tế của hơn 16 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ông có thể cho biết đâu là những yếu tố cần thiết nhất với các startup Việt khi tham gia thị trường, nhất là trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay?
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Tôi cho rằng, đầu tiên ý tưởng sản phẩm của startup phải thực sự là cái thị trường cần để tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động. Tiếp theo là đội ngũ thực thi phải có năng lực, thái độ tốt, trong đó không thể thiếu năng lực về CNTT. Thứ ba nữa là, cố gắng tìm được một vai “khổng lồ” để đứng lên và có thể hỗ trợ cho bạn tăng khả năng thành công, giảm bớt khả năng thất bại nhờ hợp lực một hệ sinh thái sẵn có, ví dụ như NextTech.
MC: Rada vừa giành được giải thưởng cao nhất trong hệ thống giải thưởng CNTT Khởi nghiệp của Nhân tài đất Việt năm nay. Điều gì khiến các anh quyết định mang sản phẩm đi thi? Tại sao lại là thời điểm này? Và các anh muốn được hỗ trợ nhiều nhất về nội dung gì? Minh Phú (Hà Nội)
Ông Mã Hoàng Hải: Rada đạt giải cao nhất của Nhân tài Đất Việt ở lĩnh vực khởi nghiệp. Lý do để đưa Rada tham gia cuộc thi Nhân tài Đất việt là vì sau 2 năm vận hành, Rada đã đạt một số cột mốc đáng khích lệ trong cộng đồng và hoàn toàn tin vào sự phát triển của Rada trong tương lai tại thị trường Việt Nam. Tính đến hết 11/2017, dịch vụ đạt trên 250.000 lượt tải. Rada cũng được triển khai tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, TP. HCM, Huế, Đà Nẵng và bước đầu hợp tác với một số tập đoàn lớn: Viettel, AUSTDOOR…
Chúng tôi cũng mong muốn qua cuộc thi Nhân tài Đất Việt để giới thiệu Rada đến với đông đảo cộng đồng, để mọi người biết đến Rada và mang lại một sản phẩm, một trải nghiệm tốt hơn, tiện ích hơn cho người Việt.
Giải thưởng cũng là nguồn động viên kịp thời đối với toàn bộ đội ngũ của Rada. Tiếp thêm cho chúng tôi nguồn năng lượng khi cộng đồng người sử dụng và các đối tác đặt niềm đối với mô hình sản phẩm của Rada. Đây là nguồn động viên to lớn cho Rada và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn để phục vụ cộng đồng.
MC: Tôi được biết trong gần 20 sản phẩm công nghệ Công ty ông đang đầu tư, có 1 sản phẩm khá khác biệt so với những sản phẩm khác – đó là Học viện Teky với hoạt động đào tạo lập trình cho trẻ em? Anh có thể chia sẻ thêm về quyết định mở Teky? Phải chăng thị trường này đang nhiều tiềm năng? NextTech hiện nay và PeaceSoft trước đó đều không mạnh về giáo dục, khởi nghiệp ở lĩnh vực không chuyên như vậy công ty đã gặp những khó khăn gì? Hoàng Quân (Hà Nội)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Như tôi đã nói ở trên, dân tộc Việt Nam để có thể tồn tại và vượt qua được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải làm sao trang bị cho thế hệ trẻ ngày nay năng lực làm chủ công nghệ ngay từ khi còn nhỏ. Nhận thức được điều này, bản thân tôi đã tự dạy cho con trai của mình lập trình từ khi 4 tuổi, đến 6 tuổi cháu đã giành được giải thưởng quốc tế về lập trình.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn đóng góp cho xã hội bằng cách xây dựng năng lực nền tảng công nghệ trẻ em Việt Nam, đó chính là lý do Học viện Sáng tạo công nghệ Teky ra đời. NextTech không đặt nặng yếu tố thị trường và lợi nhuận mà chúng tôi đặt ra mục tiêu nhân văn hơn, đó là góp phần trang bị gen công nghệ cho người Việt Nam ngay từ khi còn tấm bé. Chúng tôi xác định điểm khởi đầu của Học viện Teky là năng lực công nghệ, trong quá trình phát triển, chúng tôi sẽ bổ sung thêm các nhân tài có năng lực về quản lý giáo dục.
MC: Em đã xem nhiều công ty khởi nghiệp của NextTech và em rất thích. Em muốn anh giúp em làm sao để tìm ý tưởng khởi nghiệp trên nền tảng CNTT được không? Thanh Minh (Hà Nội)
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech: Trước hết, NextTech là một tập đoàn dùng công nghệ để điện tử hóa các ngành truyền thống. Vì vậy, để tìm được ý tưởng khởi nghiệp, em cần phải làm việc trong một ngành truyền thống trước đây hoặc giỏi về công nghệ. Thực tế, NextTech đã từng đầu tư cho một bạn trẻ có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản, bạn này nhìn ra điểm yếu của thị trường đó và NextTech đã quyết định đầu tư cho bạn sau 15 phút trao đổi.
MC: Câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nhưng nhiều người cũng nhắc tới kỹ năng khởi nghiệp như là điểm yếu của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông có bình luận gì về việc này? Nguyễn Hoàng (Đà Nẵng)
Ông Hà Anh Tuấn: Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều điểm yếu. Bản thân nguồn lực con người còn hạn chế, những gì liên quan đến vấn đề tạo ra niềm vui, lợi ích ban đầu thì rất đoàn kết. Nhưng khi phân chia lợi nhuận lại dễ mất đoàn kết nhất. Những người cùng chí hướng khó tìm tiếng nói chung, thất bại rất dễ xảy ra dù cả hai đều giỏi.
MC: Em đã đọc bài báo viết về cách anh khởi nghiệp và em rất ấn tượng về điều đó. Em muốn xin anh lời khuyên nếu em muốn khởi nghiệp thì nên bắt đầu từ đâu? (Trường Sơn - Quảng Ninh)
Ông Nguyễn Hòa Bình: Đầu tiên, em cần có một ngành nghề nhất định, sau đó em thấy nghề của mình có khó khăn gì có thể cải tiến được và có thể dùng công nghệ để điện tử hóa nó. Đó mới là lúc em nên khởi nghiệp, không thể khởi nghiệp khi chưa có gì bởi nếu như vậy rất dễ để dẫn đến thất bại.
MC: Em vừa biết anh có kế hoạch làm bệ phóng cho 100 doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Nếu muốn làm theo xu hướng 4.0, bọn em nên làm mảng nào: IoT, AI… để có thể thành công được khi mà không có nhiều vốn? Hoàng Vân (TP.HCM)
Ông Nguyễn Hòa Bình: Để khởi nghiệp thành công, em đừng khởi nghiệp theo phong trào và xu hướng. Em nên chọn khởi nghiệp vào lĩnh vực nào mà mình đam mê nhất vì đó mới là cốt lõi của thành công, không quan trọng ở ngành nào vì ngành nào cũng bị cách mạng công nghiệp 4.0 tác động.
MC: Startup cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước như thế nào, thưa ông? Lê Thủy (TP.HCM)
Ông Hà Anh Tuấn: Nhà nước ngoài những chính sách cụ thể như hiện tại đang rất tốt thì có thể đầu tư mạnh vào những startup tạo ra nền tảng, hỗ trợ cho khởi nghiệp khác. Như vườn ươm, khoa học công nghệ cho tư nhân, tạo ra các cuộc thi khởi nghiệp cho tư nhân. Thay vì để mạnh ai người nấy làm như hiện nay. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ công nghệ cho những doanh nghiệp lớn để họ tạo ra vườn ươm startup.
MC: Ông có dự báo gì về phong trào startup trong vài năm tới đây trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng ảnh hưởng sâu rộng? Quang Nguyễn (Hà Nội)
Ông Hà Anh Tuấn: Phong trào startup sẽ phát triển rất mạnh trong cuộc CMCN 4.0. Sự xuất hiện của nhà đầu tư mang đến nhiều cơ hội gọi vốn hơn cho các nhóm khởi nghiệp. Tuy nhiên để thành công cũng rất khó, vì nhiều startup ảo tưởng về sản phẩm của mình, nghĩ rằng sản phẩm của mình “hiếm có khó tìm” nhưng thực tế lại dễ bị bắt chước, thay thế chỉ trong vài tháng. Để có đột phá thì chính doanh nghiệp lớn khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp nhiều hơn thì có dự án chất lượng hơn.
Nên nhớ, những cái tên như Uber, Grab… thì đều là những dự án của “cá mập” chứ không chỉ là của các bạn trẻ. Do đó, các bạn trẻ cần bổ sung cho mình kiến thức, tài chính, quan hệ, marketing… - những vấn đề còn rất yếu.
MC: Em là sinh viên CNTT, em muốn hỏi anh bọn em có thể làm thế nào tiếp cận được hỗ trợ từ NextTech sau khi bọn em ra trường và khởi nghiệp? Ngô Văn Sơn (Thanh Hóa)
Ông Nguyễn Hòa Bình: Trước tiên, học CNTT em phải giỏi chuyên môn. Cơ hội gần nhất của em là trở thành CTO của một công ty khởi nghiệp của NextTech và sau này có thể trở thành CEO nếu tích tụ đủ các kỹ năng khác về kinh doanh. Thực tế hiện nay, có đến 50% các CEO công ty thành viên của NextTech có background về công nghệ, từng đi lên từ các vị trí liên quan đến kỹ thuật như Ngân Lượng, Vimo, Shipchung, BoxMe… hay như chính bản thân tôi.
MC: Có một thống kê gần đây cho rằng tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 4-5%. Chuyên gia bình luận gì về con số này?
Ông Hà Anh Tuấn: Thực ra tôi còn đọc có thống kê cho rằng 99% startup thất bại. Vì khởi nghiệp không dễ, thậm chí ngay cả các “đại gia” cũng dễ thất bại do khi khởi nghiệp không nghiên cứu kỹ thị trường, sản phẩm, không có sản phẩm xuất sắc để thay thế. Đặc biệt là chủ doanh nghiệp khởi nghiệp không làm chủ được dòng tiền, hay có người khởi nghiệp chủ yếu có quan hệ bạn bè, không chú tâm làm do chỉ là làm thêm… Những nguyên nhân đó dễ dẫn đến thất bại.
Nhưng nếu là khởi nghiệp với thương mại điện tử thì tỷ lệ thành công có thể lên đến 95%. Do đó, hãy đi từ những sản phẩm nhỏ bé nhất thay vì sản phẩm đột phá. Tập bán từ những đơn hàng 1-2 đơn mỗi ngày, tuy không đột phá nhưng tỷ lệ thành công cao hơn. Còn nếu muốn làm những dự án muốn thay đổi thế giới thì đương nhiên rủi ro cũng như khả năng thành công rất thấp.
MC: Cháu là 1 sinh viên CNTT năm thứ 2, cháu muốn làm dự án khởi nghiệp trong làn sóng 4.0. Chú có lời khuyên gì để cháu thực hiện ước mơ này không? (Lê Hoàng – Hải Phòng)
Ông Hà Anh Tuấn: Hiện nay sinh viên CNTT đang rất có giá. Nếu như trước đây chủ yếu là làm công ăn lương thì hiện nay lại rất có giá miễn là cháu có khả năng về CNTT. Nếu có năng lực, cháu rất dễ tham gia ở vai trò founder, còn chuyện marketing, kinh doanh… không cần quan tâm, cháu đừng quan tâm đến việc cháu phải có kiến thức kinh doanh, marketing tốt hay không. Ngoài ra cháu cũng phải cập nhật công nghệ mới nhất của thế giới, nghiên cứu các nền tảng của doanh nghiệp công nghệ lớn như Google, Facebook đang phát triển…
MC: Việt Nam có cơ hội đi tắt đón đầu trong cuộc CMCN 4.0 hay không? Từ kinh nghiệm thực tế, chuyên gia có gợi ý, khuyến cáo gì cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay?
Ông Hà Anh Tuấn: Không thể nói Việt Nam đi tắt đón đầu được. Các bạn đi sang quốc gia khác sẽ thấy chất lượng startup như thế nào. Tôi đi sang trường Đại học Maryland của Mỹ thì họ đã có dự án khởi nghiệp của họ đã giống như tầm cơ quốc gia của Việt Nam. Nếu như nhiều startup của Việt Nam chủ yếu với sản xuất tinh dầu, nấm.. thì họ đã có dự án tìm địa chỉ nhà chính xác tuyệt đối nhờ ứng dụng lập trình trên nền Google Map. Họ lập trình ra ứng dụng – gõ tọa độ. Đó là dự án của sinh viên lập trình trên nền GPS.
Còn nếu so với các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore… thì hiện chúng ta chưa có doanh nghiệp nào đạt doanh thu hàng tỷ USD chỉ trong vài ba năm. Do đó có thể nói Việt Nam chưa thể đi tắt đón đầu được.
MC: Thách thức, cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng 4.0?
Ông Mã Hoàng Hải, CEO Rada: Cuộc Cách mạng 4.0 đã nhấn mạnh một ý là sự thay đổi. Đến ngày nay chúng ta không thể cưỡng lại được nữa. Rất may mắn là thông điệp này đã được xuyên suốt đến tất cả mọi thành phần trong xã hội từ Chính phủ, các doanh nghiệp hay đến các startup.
Tôi nhìn đến khía cạnh tích cực. Khi tham gia cuộc thi Nhân tài Đất Việt tôi nhận thấy rằng trong tổng số 287 doanh nghiệp tham gia thi ở 3 lĩnh vực CNTT thì riêng startup có tới 182 đơn vị tham gia. Như vậy, số lượng các startup đã trở thành dòng chính trong cuộc thi này và thể hiện xu thế chung của xã hội VIệt Nam.
Điểm thứ 2, Trước đây các doanh nghiệp trưởng thành coi các cuộc chơi startup, các cuộc chơi về công nghệ là cuộc chơi của ai đấy không phải của mình. Nhưng Uber/ Grab vào thị trường và đã thay đổi hoàn toàn câu chuyện đó. Vinasun, Mai Linh chỉ trong 1, 2 năm đã bị đe dọa và các doanh nghiệp truyền thống đã nhận ra điều đó. Và họ đã có chiến lược rất đúng đắn.
Uber/Grab là một mô hình thử nghiệm thành công trong lĩnh vực GTVT và đã làm thay đổi diện mạo của ngành trong một thời gian ngắn. Liệu chúng ta có thể ứng dụng vào các ngành tương tự mà chính phủ đang nắm giữ như điện, nước,…nếu ứng dụng được các mô hình mới thì sẽ tạo ra kết quả rất to lớn.
Cho đến hôm nay các doanh nghiệp trong các lĩnh vực truyền thống đã nhận thức được thay đổi và nhanh, câu hỏi đặt ra là phải thay đổi như thế nào. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp truyền thống hãy biết hợp tác với các starup để tạo ra sự thay đổi nhanh hơn và cho chính họ nếu không sẽ bị lật đổ bởi các startup hay các doanh nghiệp nước ngoài.
Chúng ta quan sát các doanh nghiệp lớn như VNPT. Rất cụ thể trong sự kiện Nhân tài Đất Việt bên lề cuộc thi đã tổ chức một sự kiện bàn tròn với lãnh đạo và cùng bàn cách để đưa sản phẩm của các startup vào dòng kinh doanh chính của doanh nghiệp này. Tôi nghĩ đó là hướng đi đúng.
Rất nhiều các startup có mô hình, ý tưởng phương thức có thể giúp chọn các lĩnh vực cải tổ rất nhanh. Và tại sao chúng ta không làm như vậy?
Tôi muốn mang đến thông điệp: Đừng hỏi các chính phủ làm gì cho startup mà hãy hỏi ngược lại, các starup có thể làm gì cho các chính phủ? Câu trả lời là “Có”. Bằng cách là Chính phủ hãy mở các cánh cửa cho startup vào đi. Các startup rõ ràng là các "con thiêu thân" tìm con đường mới, lạ chưa từng thấy trên thị trường với suy nghĩ ngược và những ý tưởng gần như bất khả thi. Tuy nhiên khi họ đã làm được rồi thì nếu có một môi trường sẽ phát triển. Vậy thì các ngành mà Chính phủ đang cần có sự cải tổ mạnh mẽ thì một trong những cách như vậy là đưa các mô hình đã thử nghiệm thành công vào các doanh nghiệp của Nhà nước. Rõ ràng xu thế của cách mạng 4.0 là tạo ra lợi ích lớn hơn. Vậy thì Chính phủ phải là nơi thử nghiệm các mô hình đó.
Cuộc chơi của các startup chính là cuộc chơi của những con người trẻ. Ý tưởng theo chúng tôi không quan trọng lắm đâu. Nhưng quá trình thực thi, mình không sợ thất bại, ý chí, tâm thế của người làm startup là quan trọng hơn ý tưởng rất nhiều.
Như vậy, ở Việt Nam câu chuyện cách mạng 4.0 thực sự mang lại rất nhiều cơ hội và chúng ta không nên lo lắng quá.
Ông Tạ Quang Thái, đồng sáng lập Rada: Cách mạng 4.0 mang lại rất nhiều cơ hội cho các startup. Tuy nhiên, cần quay trở lại các vấn đề cơ bản ban đầu đó là: Cơ hội có nhiều nhưng để thành công cần rất nhiều yếu tố như: đội ngũ thực thi, vốn...
Cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới vẫn đang chạy dù chúng ta đang ngủ. Tuy nhiên, nếu muốn lên con tàu công nghệ thì chúng ta phải chạy gần bằng tốc độ con tàu công nghệ đó. Để làm được điều đó thì hành trang mang theo phải tinh, gọn nhẹ để nó không trở thành rào cản của chúng ta.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng hiện nay đang nhỏ lẻ và trong từng cuộc cách mạng này thì các yếu tố tích lũy đủ lực để có thể làm được cuộc cách mạng lật đổ thì phần lớn các startup trong nước đang yếu và thiếu.
Chính vì thế, các ông lớn cúa nước ngoài khi vào sẽ đè bẹp cuộc cách mạng nhỏ lẻ đang diễn ra tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị dẫn dắt bởi các ông lớn. Khi đó, DN Việt sẽ trở thành nô lệ trên chuyến tàu công nghệ này khi chỉ lao động để tạo ra các hệ sinh thái mà các ông lớn mang vào. Vậy phải làm sao phải tích lũy đủ lực cho các doanh nghiệp trong nước? Cần phải có hỗ trợ của Chính phủ. Bản thân các doanh nghiệp và các starup trong nước phải tạo thành mạng lưới liên kết để tổng hợp nguồn lực, tạo thành mạng lưới đủ lớn để chống lại các doanh nghiệp bên ngoài.
MC: Start-up của bạn thành lập ở đâu, vì sao bạn không khởi nghiệp ở Singapore như xu hướng của các doanh nghiệp khởi nghiệp gần đây? Nếu khởi nghiệp ở Singapore thì có lợi gì, hại gì? Bình Anh (Hoàng Cầu - Hà Nội)
Ông Mã Hoàng Hải: Rada khởi nghiệp tại Việt Nam: Lý do là mô hình Rada xây dựng là mô hình dịch vụ địa phương và gắn với con người cũng như dịch vụ gần với người sử dụng. Do đó, Rada bắt đầu khởi nghiệp ở Việt Nam bởi chúng tôi hiểu con người Việt Nam nhất.
Nguyên nhân thứ 2: Mong muốn của Rada đó là mong muốn đem mô hình tiên tiến trên thế giới áp dụng thành công tại việt Nam và góp phần tạo ra dịch vụ, trải nghiệm thực sự hữu ích cho cộng đồng.
MC: Là một đơn vị tham gia trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng tôi đang rất "lung lay" trước yêu cầu của một quỹ đầu tư ngoại về việc phải “khai sinh” doanh nghiệp ở nước ngoài. Tôi rất muốn xin lời khuyên từ Rada. Phan Thủy (Đồng Nai)
Ông Mã Hoàng Hải: Nên nhìn vào mục đích xây dựng doanh nghiệp của mình cũng như nhu cầu và mong muốn phát triển trong tương lai. Từ đó, bạn sẽ quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư cho phù hợp. Bởi việc lựa chọn đầu tư liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp, do đó phải lựa chọn trên những tiêu chí rõ ràng. Khi lựa chọn nhà đầu tư ngoài vốn thì doanh nghiệp cần sự đóng góp của các nhà đầu tư trong việc vận hành cũng như kinh nghiệm, lời khuyên, tư vấn khi phát triển cùng doanh nghiệp. Nếu mô hình của bạn là doanh nghiệp toàn cầu hướng tới người sử dụng không ở Việt Nam và cần sự hỗ trợ của các nhà đầu tư ở thị trường quốc tế thì lựa chọn việc khai sinh ở quốc tế có lợi hơn.
Startup phải biết điều hành, vận dụng, thực thi và phải sử dụng các nguồn lực hiện có để phát hiệu quả.
MC: Từ kinh nghiệm thực tế, chuyên gia đánh giá những công ty startup thất bại trong thời gian qua chủ yếu là do những nguyên nhân nào? (Ngọc Mai - Hải Dương)
Ông Hà Anh Tuấn: Nguyên nhân chính theo quan điểm của tôi thì do họ không nghiên cứu kỹ sản phẩm, chưa đủ nguồn lực, kế hoạch để tạo ra sản phẩm. Với mỗi sản phẩm làm ra cần lưu ý đến 4 mức độ: 1- Làm ra những gì mình có. 2- Làm ra những gì khách hàng cần. 3- Làm ra cái khách hàng cần nhưng thị trường cạnh tranh chưa nhiều, đối thủ khó có thể bắt chước được ngay về lâu dài; năng suất sản phẩm vượt trội, đột phá hơn cái đã có. 4- Làm ra sản phẩm không phải đáp ứng cho thời điểm hiện tại, nhưng có thể đáp ứng được nhu cầu tiềm năng trong tương lai với số lượng lớn. Ví dụ như Google ban đầu chưa có nhiều người sử dụng, Facebook ra đời chưa có nhiều người dùng nhưng về sau lại có lượng người dùng khổng lồ.